Ngược dòng xu thế thị trường
FAO - OECD và USDA đánh giá triển vọng phát triển lúa gạo của Việt Nam là sáng sủa trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của thế giới sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới. Ảnh: TL
“Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” (Chiến lược) khẳng định đường lối thu hẹp quy mô xuất khẩu gạo, trong khi năng lực cạnh tranh, chí ít là tiền đề để tạo nên năng lực đó của lúa gạo Việt Nam, thực sự rất tốt; còn triển vọng xuất khẩu gạo trong 10 năm tới được dự báo là sẽ sáng sủa hơn.
Giá gạo thế giới 10 năm tới sẽ dần nhích lên
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), từ xuất phát điểm xấp xỉ 2 tấn/héc ta cách đây 55 năm (cao hơn không quá cách biệt so với bình quân 1,84 tấn/héc ta của thế giới và 1,7 tấn/héc ta của đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Thái Lan), năng suất lúa gần 5,73 tấn/héc ta hiện nay của nước ta đã vượt rất xa so với mức 4,43 tấn/héc ta của thế giới và càng xa hơn so với mức 2,54 tấn/héc ta của Thái Lan.
Rất có thể đây là lý do chủ yếu khiến cả FAO - OECD và USDA đánh giá triển vọng phát triển lúa gạo của Việt Nam là sáng sủa trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của thế giới sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới.
Chẳng hạn, theo FAO - OECD, nhu cầu tiêu dùng gạo thế giới năm 2026 sẽ đạt 560 triệu tấn, tăng 62 triệu tấn so với năm 2016, tức là tăng bình quân 1,18%/năm.
Năm nay sẽ là thời điểm kết thúc giai đoạn 10 năm giá gạo thế giới giảm và mở ra giai đoạn giá gạo thế giới tăng trở lại trong 10 năm tới.
Để đáp ứng nhu cầu tăng như vậy, đương nhiên sản xuất lúa gạo cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất của các quốc gia khác nhau, cho nên tổng nhập khẩu gạo thế giới sẽ tăng từ 42,3 triệu tấn lên 50,8 triệu tấn, tức là đạt mức tăng bình quân 1,84%/năm, cao hơn hẳn mức tăng tiêu dùng.
Triển vọng đó có nghĩa là, trong 10 năm tới, các quốc gia có tiềm năng và lợi thế sản xuất lúa gạo vẫn có cơ hội để tiếp tục phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó, theo đánh giá của liên cơ quan này, thay vì giảm rất mạnh như Chiến lược của chúng ta khẳng định, xuất khẩu gạo của nước ta trong 10 năm tới sẽ tăng rất mạnh từ 6,2 triệu tấn lên 9,6 triệu tấn và vẫn đứng thứ ba thế giới sau Thái Lan giữ ngôi vị số 1 với 12,3 triệu tấn, còn Ấn Độ hầu như giữ nguyên lượng xuất khẩu hơn 10 triệu tấn như hiện nay, cho nên tụt xuống vị trí thứ hai.
Nếu nhìn vào những dự báo chi tiết hơn, có thể thấy kịch bản xuất khẩu gạo này của nước ta là có cơ sở. Đó trước hết là tổng lượng gạo nhập khẩu của bốn khách hàng “ruột” của Việt Nam lâu nay (Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia) sẽ vẫn ổn định ở mức 8,6 triệu tấn. Đó còn là nhập khẩu gạo của các quốc gia bạn hàng quan trọng của chúng ta ở châu Phi và nhập khẩu gạo của cả châu lục này nói chung cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh...
Trên một phương diện khác, dự báo này cũng cho thấy một tín hiệu đặc biệt đáng mừng đối với cộng đồng các quốc gia xuất khẩu gạo nói chung: giá gạo thế giới 10 năm tới sẽ dần nhích lên. Cụ thể, theo FAO - OECD, giá gạo thế giới (lấy giá FOB, Bangkok, gạo 100% B của Thái Lan làm đại diện) sẽ bắt đầu tăng từ năm 2018, năm 2020 sẽ đạt ngưỡng 400 đô la Mỹ/tấn và năm 2026 sẽ đạt 415 đô la Mỹ/tấn.
Điều này có nghĩa là, năm nay sẽ là thời điểm kết thúc giai đoạn 10 năm giá gạo thế giới giảm và mở ra giai đoạn giá gạo thế giới tăng trở lại trong 10 năm tới.
Nếu Việt Nam giảm mạnh xuất khẩu...
Câu hỏi rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với cả cộng đồng tiêu thụ gạo là lương thực chủ yếu nói chung là, nếu chúng ta giảm mạnh xuất khẩu như Chiến lược khẳng định thì thị trường gạo thế giới sẽ phản ứng ra sao?
Có lẽ, cán cân cung - cầu gạo thế giới trong những năm qua là phương tiện duy nhất có thể giúp đoán định câu trả lời khả dĩ.
Nếu quan sát lượng tiêu dùng và sản lượng gạo thế giới trên dãy số liệu thống kê của FAO - OECD trong 17 năm qua, có thể thấy xu thế biến động của giá cả phụ thuộc vào tương quan này. Đó là, khi sản lượng càng lớn so với tiêu dùng, giá càng giảm, và ngược lại. Tuy nhiên, như biểu đồ trên cho thấy, giá gạo thế giới không hoàn toàn đồng biến với cán cân cung - cầu, mà có sự “lệch pha” rất rõ ràng.
Đó là, năm 2005, khi sản lượng gạo thế giới bắt đầu lớn hơn tiêu dùng thì giá vẫn còn tăng mạnh, thậm chí sản lượng liên tục cao hơn tiêu dùng và đạt kỷ lục 15 triệu tấn năm 2008 thì giá mới đạt kỷ lục.
Sự “lệch pha” này chắc chắn do một yếu tố khác tham gia vào cán cân cung - cầu. Đó là, dự trữ gạo thế giới năm 2002 đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 104 ngày tiêu dùng so với 125 ngày tiêu dùng trong năm 2001, thậm chí liên tục trong bốn năm 2003-2007 chỉ dao động trong khoảng 82-87 ngày.
Rất rõ ràng, tuy sản lượng trong những năm này nói chung vẫn đáp ứng tiêu dùng, nhưng việc “bồ gạo” thế giới vơi đi rất nhanh và luôn ở mức thấp đã làm gia tăng nỗi lo mất an ninh lương thực, thúc đẩy nhập khẩu tăng, giá gạo thế giới tất yếu bị đẩy lên. Và điều trớ trêu nhất đã xảy ra: giá gạo thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại với 695 đô la Mỹ/tấn vào năm 2008, thời điểm mà thế giới được mùa kỷ lục kể từ năm 2000, với 687 triệu tấn, còn kho dự trữ cũng tăng đột biến từ 84 lên 97 ngày tiêu dùng.
Có thể khẳng định rằng, nguyên nhân “kép” dẫn đến cơn sốt nóng giá gạo thế giới “không đáng có” này là những dự báo quá thấp về triển vọng sản xuất trước đó và cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới khủng khiếp trong năm này.
Với thực tế này, có thể cho rằng, những dự báo nói trên của FAO - OECD chỉ phác hoạ xu thế phát triển chung, chưa tính tới những yếu tố gây đột biến, điển hình là El’ Nino - “hung thần” đối với cây lúa. Vậy nên, giả định trong 10 năm tới cũng diễn ra ba đợt El’ Nino mạnh như trong 10 năm qua, giá gạo thế giới liệu sẽ chỉ tăng một cách “hiền lành” như dự báo, bình quân sẽ chỉ là 404 đô la Mỹ/tấn, hay sẽ chao đảo dữ dội, bình quân đạt tới 506 đô la Mỹ/tấn như đã từng thấy trước đó, thậm chí có thể còn cao hơn nữa? Câu hỏi này có ai dám quyết đáp?
Trong điều kiện như vậy, rất có thể việc cắt giảm xuất khẩu gạo của Việt nam như Chiến lược đã khẳng định sẽ tạo ra sức ép tăng giá không nhỏ đối với thị trường thế giới. Bởi lẽ, thay vì xuất khẩu 9,6 triệu tấn như dự báo của FAO - OECD vào năm 2026, việc chúng ta cắt giảm xuống chỉ còn bốn triệu tấn sẽ khiến thị trường nhập khẩu thế giới thiếu hụt tới 11% nguồn cung.
Còn đối với trong nước, hãy nhìn vào tổng năng lực xay xát, chế biến và dự trữ, bốc xếp khoảng 10 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm bị “ép” phải hình thành bởi Nghị định số 109 cách đây chỉ mới bảy năm. Nếu chúng ta cắt giảm xuất khẩu gạo như Chiến lược, sẽ có hơn một nửa tổng năng lực đó phải “trùm mền”, quả là “xót tiền dân”!
Nói tóm lại, mặc dù đã mất quá nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng so với dự kiến, nhưng dường như chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn chông chênh bởi ba lý do: (1) được khẳng định trước khi nền tảng của nó (việc sản xuất) được xác định, cho nên có thể không phù hợp; (2) tầm nhìn quá ngắn khiến quan điểm chiến lược có thể sai lầm; (3) nếu đặt trong xu thế chung như dự báo của các tổ chức danh tiếng toàn cầu, “đoàn tàu xuất khẩu gạo Việt Nam” sẽ lội ngược dòng xu thế chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ