Mô hình kinh tế Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ
Mô hình kinh tế Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ

Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ

Tác giả Công Thử, ngày đăng 16/10/2019

Người nông dân từ bàn tay trắng trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ

Với nguồn thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm từ sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp, ông Đạo Thanh Thích được tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Anh Đạo Thanh Thích bên chiếc máy cày chuẩn bị đi làm đất cho người dân. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chỉ với đôi bàn tay trắng nhưng có quyết tâm làm giàu, ông Đạo Thanh Thích (người dân tộc Chăm), ở thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã biến vùng đất khó Xuân Hải thành “mỏ vàng” để khai thác, làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần tạo điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông vừa dự hội nghị “Tự hào nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội và được tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019

Ông Thích tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thuận Hải (niên khóa 1979-1981).

Ba năm học tập chuyên ngành Quản lý kinh tế và quy hoạch, phân vùng nông nghiệp đã giúp ông có kiến thức căn bản để thực hành về lĩnh vực này tại địa phương.

Tuy nhiên theo ông Thích, kiến thức trong nhà trường chỉ đáp ứng phần nào còn phải học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới đạt hiệu quả.

Thấy tiềm năng đất đai ở địa phương còn nhiều nhưng việc sản xuất của nông dân còn thô sơ, nhỏ lẻ, ông Thích đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải và vay của người thân để mua máy cày ải, làm đất cho bà con gieo trồng và phục vụ canh tác của gia đình.

Qua từng năm miệt mài, có được nguồn thu tích lũy, ông Thích tiếp tục mua thêm 2 chiếc máy cày, 2 chiếc máy gặt đập liên hợp và 2 chiếc máy cuộn rơm thường xuyên phục vụ sản xuất của bà con.

Khi kết thúc mùa vụ ở địa phương, ông Thích thuê nhân công đưa máy móc đến một số địa phương ở các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận để hợp đồng canh tác cho bà con, tăng nguồn thu.

Anh Đạo Thanh Thích tích trữ phụ phẩm nông nghiệp cho gia súc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Thích chia sẻ sản xuất nông nghiệp bây giờ nếu không thay đổi tập quán sẽ lỗi thời ngay và rất dễ thất bại. Nếu như trước đây chỉ sản xuất lúa thương phẩm, loại giống mà cả tỉnh hay gieo như TH 41, TH 6 hay ML 202…, không tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích, sản phẩm hàng hóa thiếu sức cạnh tranh.

Do đó, gia đình ông quyết định chuyển sang sản xuất lúa giống loại mới có năng suất và chất lượng, được thị trường ưa chuộng hơn.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vụ lúa Hè-Thu 2019, gia đình ông bắt đầu gieo 7ha lúa hạt dài giống Đài Thơm 8.

Đây là giống mới được gia đình ông gieo kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo nguyên tắc “4 đúng” của ngành nông nghiệp chỉ dẫn, đã cho thu hoạch đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha, cao hơn sản xuất lúa thường trên dưới 1 tấn/ha.

Theo tính toán của ông Thích, với năng suất cao, giá bán chênh lệch tới 20% so với lúa thường nên vụ lúa Hè-Thu vừa rồi gia đình ông bán gần 50 tấn lúa, thu nhập trên dưới 300 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi ròng trên 150 triệu đồng.

Không chỉ phát triển sản xuất, ông Thích còn kết hợp chăn nuôi. Có được phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đồng thời tận dụng đất không thể sản xuất, ông Thích trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn cho gia súc.

Nhờ chịu khó chăm sóc, từ vài con nuôi nhỏ lẻ đến nay gia đình ông đã có trên 200 con cừu và hơn 50 con bò nái sinh sản.

Theo ông Thích, mỗi năm cơ sở chăn nuôi của gia đình cung cấp con giống và thịt cho thị trường mang lại nguồn thu từ 50-70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Hải đánh giá nguồn thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm từ 3 loại hình “sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp” của gia đình ông Đạo Thanh Thích ít nông dân nào làm được.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thích còn rất quan tâm, sẻ chia khó khăn với người nghèo, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.

Ông Thích cũng luôn đồng hành với chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.

Mỗi vụ thu hoạch lúa, ông đều tặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn 10kg gạo và những nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt.

Bên cạnh đó ông còn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, nhận đỡ đầu cho học sinh mồ côi đến trường đến lớp, hỗ trợ thường xuyên học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã, ông Thích luôn đi đầu tuyên truyền, vận động đồng bào chung tay hiến đất, đóng góp sức người, sức của để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…

Với tinh thần vượt khó dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp cho xã hội, ông Thích được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng nhiều bằng khen về thành tích điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2010-2014); thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2016./.


Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ… Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra tiền Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra…