Người Nuôi Tôm Còn Dè Chừng Thả Giống
Đang vào vụ nuôi tôm năm 2014, nhiều người nuôi đã xử lý xong ao hồ để chuẩn bị thả giống. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên người nuôi chưa dám thả con giống.
Người nuôi còn dè chừng
Tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh Phú Yên, người nuôi đang tập trung xử lý ao hồ để thả giống vụ mới. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua khá phức tạp nên nhiều người nuôi còn dè chừng.
Ông Lê Thanh Sang, nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa), cho biết: “Gia đình tôi đã cải tạo xong hơn 4.000m2 hồ nuôi tôm, nhưng vẫn chưa dám thả giống. Trước và sau Tết Nguyên đán thời tiết lạnh, buổi sáng thường xuất hiện sương mù, nếu thả giống vào thời điểm này thì sức đề kháng của tôm yếu, sẽ không phát triển được nên dễ bị nhiễm các mầm bệnh.
Hơn nữa, nuôi tôm phải đầu tư nguồn vốn lớn, trong khi năm vừa rồi dịch bệnh ở tôm xảy ra tràn lan, nhiều hộ nuôi bị lỗ vốn nên vụ này tôi không dám mạo hiểm”. Còn ông Nguyễn Lũy ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa), cho biết: “Năm vừa rồi, nhiều diện tích tôm nuôi trong xã bị bệnh, nhưng nhờ giá tôm thương phẩm cao nên người nuôi ít bị lỗ vốn.
Rút kinh nghiệm, vụ nuôi này tôi xử lý ao hồ rất kỹ và đang tìm con giống đảm bảo chất lượng, chờ thời tiết thuận lợi mới thả tôm nuôi”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, năm 2013 ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch có hơn 400ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó có khoảng 7% diện tích tôm nuôi bị mất trắng. Hiện tại vùng nuôi này đã có khoảng 410ha trong tổng số gần 1.200ha tôm được thả nuôi.
Số diện tích còn lại đang được cải tạo và sẽ thả nuôi trong thời gian sắp tới. Đối với các vùng nuôi tôm trên cát (cao triều), đến nay người nuôi đã thả giống trên 50% trong tổng số 125ha.
Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Trước vụ nuôi này Phòng NN-PTNT và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện phối hợp với các xã có diện tích nuôi tôm thông báo lịch thời vụ đến người nuôi tôm và hướng dẫn quy trình xử lý ao hồ, kỹ thuật nuôi, các biện pháp phòng bệnh trên tôm để người dân biết chủ động, hạn chế thiệt hại”.
Ngoài huyện Đông Hòa, người nuôi tôm tại TX Sông Cầu và huyện Tuy An cũng đã xử lý ao hồ và đang hoàn thiện các khâu cần thiết để chuẩn bị thả giống nuôi tôm vụ mới. Tại huyện Tuy An hiện có khoảng 420ha nuôi tôm, chủ yếu ở khu vực đầm Ô Loan, cửa biển Lễ Thịnh, dọc sông Bình Bá.
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Lịch thả tôm nuôi trên địa bàn huyện bắt đầu từ 15/2, nên bà con chỉ mới cải tạo ao hồ. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây thời tiết ấm hơn, trời có nắng, độ mặn ở các vùng nuôi cũng đạt yêu cầu nên bà con đã thả nuôi được khoảng 35ha”.
Tăng cường quản lý
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi trong năm 2014, Sở NN-PTNT đã có hướng dẫn lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, nước mặn. Theo đó, các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ nên nuôi 1 vụ tôm sú hoặc 2 vụ tôm thẻ chân trắng. Riêng vùng nuôi trên cát ở huyện Đông Hòa có thể thả 2 vụ tôm sú hoặc 3 vụ tôm thẻ chân trắng.
Sau khi kết thúc vụ nuôi, những vùng nuôi tôm một vụ, thời gian còn lại trong năm có thể nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, cá măng, hải sâm, rong câu, cua xanh… để cải tạo môi trường ao nuôi.
Đối với các vùng nuôi có đáy bùn, khuyến khích nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng như cá rô phi, rong biển, vẹm xanh, hàu. Những ao hồ khi thả nuôi bị bệnh thì phải xử lý kỹ trước khi thả nuôi lại, thời gian xử lý ít nhất là 1 tháng. Các hộ nuôi thủy sản cần cải tạo kỹ ao nuôi, vệ sinh sạch sẽ lồng bè và khu vực vùng nuôi, chọn con giống tốt sạch bệnh, thả nuôi đúng lịch thời vụ.
Sở NN-PTNT cũng đề nghị các phòng NN-PTNT, Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với chính quyền địa phương, chi hội nông dân, chi hội nghề cá triển khai lịch thời vụ và hướng dẫn mật độ thả nuôi đến từng vùng nuôi cụ thể để người nuôi tôm biết, áp dụng.
Các địa phương cần tổ chức giám sát vùng nuôi, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện lịch thời vụ, có kế hoạch xử lý các trường hợp thả tôm trước lịch thời vụ và xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi tôm sản xuất theo nhóm, tổ cộng đồng, thường xuyên theo dõi thời tiết cũng như tình hình thả nuôi, dịch bệnh trên địa bàn để chủ động có biện pháp kỹ thuật phòng ngừa thích hợp.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và vật tư liên quan đến nuôi trồng thủy sản cần chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong việc sản xuất và kinh doanh. Các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thực hiện thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ, chọn tôm giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh và tham mưu kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý và công bố dịch (nếu có), phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong phòng chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở sản xuất tôm giống, kinh doanh thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát nguồn tôm giống tại các cơ sở sản xuất, lưu giữ tôm giống trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống xuất trại, tôm giống nhập vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông mà không thực hiện kiểm dịch.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số đối tượng mới, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi tôm.
Trung tôm Giống và kỹ thuật thủy sản nghiên cứu, sản xuất các loại giống mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao chuyển giao cho các hộ nuôi trong tỉnh; định kỳ theo kế hoạch thu mẫu nước các vùng nuôi trồng thủy sản phân tích các chỉ tiêu môi trường và đưa ra các cảnh báo để người nuôi biết thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ