Người Nuôi Vịt Lao Đao Vì Dịch Cúm Ở Quảng Ngãi
Trong vòng hơn một tháng qua, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình khốn đốn khi cả vốn lẫn lãi bỗng chốc tan biến như bọt nước.
Trắng tay
Trong những năm qua, con vịt chạy đồng ở nhiều vùng quê đã góp phần không nhỏ giúp các gia đình phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái ăn học. Tất cả mọi hy vọng của nhiều gia đình đều đổ dồn vào đàn vịt. Thế nhưng, dịch cúm gia cầm lây lan đã như một cơn bão kinh hoàng khiến cho hàng chục nghìn gia cầm bị chết và tiêu hủy, bỗng chốc đời sống của hàng chục hộ chăn nuôi rơi vào cảnh trắng tay. Không có điều kiện phục hồi vốn để tiếp tục chăn nuôi.
Ngồi thẫn thờ bên vùng trũng sau nhà giờ đây trống huơ trống hoác, không còn con vịt nào tồn tại, ông Vương Quang Trung, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) than thở: “Coi như trắng tay, bao nhiêu vốn liếng dành dụm đều bỏ hết vào đàn vịt, bây giờ phải đem tiêu hủy hết rồi”. Để đầu tư chăn nuôi vịt, ông đã vay của bạn bè, bà con gần 40 triệu đồng gầy dựng đàn vịt hơn 2.700 con và 600 con gà. “Tài sản trên 100 triệu đồng, giờ không những không có lãi mà vốn cũng cụt đường, biết lấy tiền đâu để tiếp tục chăn nuôi lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học” - Bà Lê Thị Đồng, vợ ông Trung buồn rầu nói.
Cùng cảnh ngộ như ông Trung, ông Hồ Như Tuân, ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) cũng đang nợ nần chồng chất khi đàn gia cầm hơn 2.000 con vừa bị chết và tiêu hủy vì dịch cúm. Để có điều kiện chăn nuôi, mong có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, ông phải gom góp tiền đầu tư mua đàn vịt giống từ một cơ sở ở huyện Đức Phổ đem về thả nuôi. Bao ngày gầy công chăm sóc, chi phí thức ăn, nhưng vì chủ quan, không tiêm phòng nên đàn vịt 35 ngày tuổi của ông lăn đùng ra chết, rồi bị tiêu hủy. Hai vợ chồng ông Tuân mấy tuần qua cứ sống trong tâm trạng lo lắng, tiếc nuối và chờ đợi hỗ trợ từ cơ quan chức năng, với hy vọng “còn nước còn tát” để tiếp tục chăn nuôi.
Không chỉ các hộ có gia cầm chết và tiêu hủy lao đao mà những hộ chăn nuôi có vịt không bị nhiễm cúm cũng đang vấp phải nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bộ, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi vịt cho hay: Cả đời ông sống bằng nghề nuôi vịt, cứ mỗi đợt dịch, đàn vịt của ông không khi nào bị dịch, nhờ tiêm phòng đầy đủ. “Nhưng giờ đàn vịt đẻ 2000 con của tôi cũng như bị dịch vì không thể buôn bán được. Chi phí thức ăn, làm chuồng trại, công sức… ngót nghét trên 150 triệu đồng. Giờ tôi nuôi không được, bán chẳng xong. Giá cả thì đang rớt thê thảm. Mấy ngày này, để chữa cháy chờ được phép buôn bán trở lại, tôi phải cho vịt ăn cầm chừng, ngày vài bao cám tổng hợp và lúa, chứ không đủ tiền mua thêm thức ăn” - Ông Bộ buồn rầu cho hay.
Khó khăn tái đàn
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 64 hộ/37 thôn thuộc 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Tính đến thời điểm này, số gia cầm bị chết và tiêu hủy gần 99.700 con. Một trong những địa phương có số gia cầm bị nhiễm cúm H5N1 cao nhất là Tư Nghĩa (40 nghìn con), Nghĩa Hành (35.300 con), Sơn Tịnh (13.300 con). Ông Nguyễn Văn Thuận- Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Căn cứ theo Quyết định 353 của UBND tỉnh (năm 2001) và Quyết định 1989 năm 2011 về sửa đổi bổ sung Quyết định 353 của UBND, cơ chế hỗ trợ cho các hộ nông dân chỉ tính cho số gia cầm bị tiêu hủy, được chia các mức cụ thể như sau: Đối với gia cầm trên 2 kg/con sẽ được hỗ trợ 35 nghìn đồng và 1 - 2 kg được hỗ trợ 30 nghìn/con và dưới 1 kg là 15 nghìn đồng/con. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ mỗi quả trứng là 1.500 đồng/trứng. Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ các hộ phải đợi sau thời gian kết thúc dịch, để các địa phương báo cáo tổng hợp trình lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên với mức hỗ trợ hiện nay, chỉ đáp ứng gần 1/3 so với chi phí bỏ ra của nông dân.
Nông dân Nguyễn Đức Thắng, thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho rằng: “Với hơn 1.700 con vịt bị nhiễm cúm, bị chết và tiêu hủy, tính theo mức hỗ trợ, không đủ để gia đình tôi trả nợ đại lý thức ăn. Sắp tới, tôi khó mà tiếp tục chăn nuôi vì không đủ vốn đầu tư gầy dựng lại”.
Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh sống chủ yếu nhờ vào chăn nuôi nhỏ, lẻ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là chưa có chính sách ổn định giá cho người chăn nuôi. Trong khi chi phí thức ăn tăng cao, rủi ro về đầu ra, dịch bệnh luôn thường trực, khiến cho đời sống nhiều hộ gặp không ít khó khăn.
Dịch cúm gia cầm hiện đang là nỗi “kinh hoàng” của người chăn nuôi. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhất là chính sách khuyến khích hỗ trợ mang tính “đòn bẩy” kịp thời để tạo điều kiện cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ