Mô hình kinh tế Người Tiên Phong Mở Cơ Sở Hậu Cần Nghề Cá Ở Lý Sơn

Người Tiên Phong Mở Cơ Sở Hậu Cần Nghề Cá Ở Lý Sơn

Ngày đăng 16/10/2014

Người Tiên Phong Mở Cơ Sở Hậu Cần Nghề Cá Ở Lý Sơn

Sau khi có điện lưới quốc gia, người dân Lý Sơn vui mừng khôn xiết. Với các chủ tàu cá thì niềm vui ấy được nhân đôi, vì giờ đây trên đảo đã có cơ sở sửa chữa tàu thuyền, họ không còn phải tốn chi phí, thời gian đưa tàu vào đất liền để sửa chữa một khi bị hư hỏng.

Cách đây hơn một năm, ông Lê To cùng với một số người dân thuê đất đầu tư xây dựng cơ sở sữa chữa tàu thuyền đầu tiên ở tại huyện Lý Sơn. Lúc bấy giờ nhiều người lo cho sự tồn tại của cơ sở này, vì trên đảo chưa có điện thì rất khó làm nghề.

Nhưng rồi, ông To cho rằng quyết định của mình là đúng đắn, vì theo ông nếu không đi, đợi đến khi có điện mới làm thì ngư dân Lý Sơn sẽ còn tốn của, mất công. Vì thế, cuối tháng 9 vừa qua, khi tuyến cáp điện ngầm ra đảo Lý Sơn đóng điện, ông To vui một thì các chủ tàu vui đến mười.

Cơ sở sửa chữa tàu thuyền do ông Lê To làm chủ nằm ngay tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải.  Ông Lê To phấn khởi, nói: Năm 2013, khi nghe điện lưới quốc gia sẽ được kéo ra đảo, tôi cùng với 3 người khác đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở này, nhằm đáp ứng nhu cầu sữa chữa tàu thuyền của bà con ở đây.

Nhưng do không có điện nên không thể làm gì được. Sắp tới đây, chúng tôi đầu tư thêm khoảng một tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở này. Chắc chắn thời gian đến số lượng tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn về đây sửa chữa sẽ rất đông.

Trong thời gian chờ nguồn điện quốc gia kéo từ đất liền ra đảo, cơ sở sửa chữa tàu thuyền này vẫn hoạt động bằng nguồn điện chạy máy diezen. Tuy nhiên, hoạt động không mang lại hiệu quả vì chi phí khá lớn, đồng thời cũng không thu hút được các thợ giỏi về làm.

Dù vậy, suốt một năm qua, cơ sở cũng đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động. Anh Nguyễn Đức Minh, chủ tàu QNg 96017 TS, đang đưa tàu lên sửa chữa tại cơ sở này cho biết, từ trước đến giờ, tàu thuyền của bà con Lý Sơn có sự cố gì cũng phải vào đất liền để sửa chữa. Vào đó tốn chi phí đủ thứ, tiền dầu ra vào, tiền ăn ở trông coi tàu trong thời gian sửa chữa…

Còn bây giờ có cơ sở này sửa chữa tàu đỡ vất vả, chi phí cũng giảm một phần. “Chúng tôi hy vọng trong thời gian đến cơ sở này được đầu tư mạnh hơn nữa để có thể thu hút nhiều thợ sửa tàu giỏi ra làm việc, đồng thời cũng đưa các nguyên vật liệu cần thiết để có thể sữa chữa các tàu lớn hơn”, anh Minh mong muốn.

Huyện đảo Lý Sơn có số lượng tàu thuyền rất lớn với gần 500 chiếc, trong đó có gần 160 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Sản lượng khai thác thủy sản của huyện chiếm gần 1/3 tổng sản lượng khai thác của tỉnh. Riêng năm 2013 đạt 37.300 tấn, trị giá trên 261 tỷ đồng. Với việc đi trước đón đầu của ông Lê To và các cộng sự đã bước đầu đáp ứng nhu cầu về hậu cần nghề cá ở huyện đảo.

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Trước đây, chưa có các cơ sở sửa chữa cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân Lý Sơn khi đánh bắt ở các vùng biển về phải vào trong đất liền bán, vừa tốn kém về chi phí, vừa bị ép giá. Bên cạnh đó, việc sửa chữa tàu thuyền cùng gặp khó khăn.

Việc ra đời cơ sở sửa chữa tàu thuyền ở An Hải bước đầu đã giúp ngư dân Lý Sơn có điều kiện sửa chữa tàu thuyền ít tốn kém hơn. Địa phương kêu gọi và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với huyện đảo, nhất là đầu tư phát triển cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.


Xây Dựng Nông Thôn Mới Cần Có Tư Duy Mới, Cách Làm Mới Sáng Tạo Phù Hợp Với Thực Tiễn, Địa Phương Xây Dựng Nông Thôn Mới Cần Có Tư… Sao Cứ Phải Loài Du Nhập Sao Cứ Phải Loài Du Nhập