Người Trồng Mía Khổ Trăm Bề
Thời điểm này, đang là giữa vụ thu hoạch mía, song, khác với những năm trước, giá mía ngay từ đầu vụ đã giảm chỉ còn 800 đồng/kg, thấp hơn 200- 500 đồng/kg so với niên vụ trước. Từ việc giá mía giảm đã kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng xấu đến người trồng mía. Anh Y Ja Niê, buôn Bích, xã Krông Jing cho biết, gia đình anh có 5 ha mía trồng từ năm 2008 đến nay, mỗi năm gia đình anh đầu tư khoảng 25 triệu đồng cho mỗi ha mía, chưa kể việc thuê nhân công thu hoạch.
Niên vụ 2011- 2012 này, giá tiền thuê nhân công cũng tăng cao hơn so với mọi năm từ 130.000 đồng/công lên 160.000 đồng/công cả bao ăn cơm 2 bữa mà còn khó thuê. Bên cạnh đó, giá cả các loại phân bón, thuốc BVTV cũng tăng cao, khiến việc đầu tư chăm sóc mía cũng trở thành gánh nặng cho mỗi gia đình. Như mọi năm, giá mía cao, việc bán ra thuận lợi nên gia đình anh cũng lãi trên 200 triệu đồng/vụ. Nhưng với giá mía như hiện nay thì người dân lãi rất ít, thậm chí không có lãi nếu năng suất kém.
Phần lớn diện tích mía của huyện đều do bà con hợp đồng liên kết với các đại lý hoặc nhà máy đường thu mua, như Công ty Cổ phần mía đường 333 (Đăk Lăk), Nhà máy đường Cư Jút (Dăk Nông), Công ty Cổ phần mía đường Khánh Hòa… Các đơn vị này bỏ vốn đầu tư cho dân trồng mía và bao tiêu sản phẩm.
Nhưng hiện nay, hình thức thu mua mía của các nhà máy và tư thương vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều chủ đại lý mua mía dạng bó (mỗi bó khoảng 10 cây) và buộc người dân phải thực hiện đúng, chứ không mua theo ký như quy ước của hợp đồng. Việc làm này được họ cho là để tránh tình trạng cãi nhau một vài cân mía với người dân, đồng thời, mua xô thế này vừa để khấu trừ hao hụt trong quá trình vận chuyển, lưu trữ mía bị khô. Anh Đặng Xuân Minh, ở xã Ea Trang chia sẻ: Việc bán mía theo hình thức bó như thế này người dân thiệt thòi rất nhiều, mỗi bó tư thương mua với giá từ 8.000- 8.500 đồng, và phải đạt đủ 10 kg/bó mới mua.
Tuy nhiên, khi thu hoạch mía, người dân thường làm theo thói quen và để rút ngắn thời gian thì chỉ ước chừng lượng mía để gom thành bó mà không cân. Vì vậy số dư mỗi bó có độ chênh lệch khá lớn mà các tư thương không trả lại. Anh Minh cho hay, mỗi bó mía người dân cũng chịu thiệt từ 2- 5kg. Nếu như năm ngoái, mỗi ha mía của gia đình anh cũng được chừng 90 tấn, thì năm nay do bị ép bán theo hình thức này nên tính ra mỗi ha chỉ được khoảng 70 tấn, mặc dù theo anh năng suất mía niên vụ này không thua kém các năm trước.
Không những thế, người nông dân còn phải gánh chịu nhiều rủi ro bất ngờ xảy đến. Gia đình anh Lê Văn Trịnh ở thôn Ea Tê, xã Krông Jing có 4 ha mía, nhưng vừa qua đã có 2 ha mía bị cháy. Anh đã trình báo lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Việc cháy mía như vậy đã làm thiệt hại của gia đình anh trên 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Trí Hải, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrak cho biết, mùa khô hằng năm trên địa bàn huyện cũng thường xảy ra các vụ mía bị cháy gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân gây cháy, thường do bà con đốt rẫy để lửa cháy lan sang lô mía chưa kịp thu hoạch, hoặc có khả năng do tư thù cá nhân mà người này đốt của người kia...
Trước thực trạng giá mía bấp bênh, niên vụ mía 2012- 2013 tới, Phòng NN-PTNT huyện M’Đrak đã đưa ra kế hoạch là giảm diện tích trồng mía xuống còn gần 6.500 ha.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ