Mô hình kinh tế Người Trồng Mít Khóc Vì Giá

Người Trồng Mít Khóc Vì Giá

Ngày đăng 29/12/2014

Người Trồng Mít Khóc Vì Giá

Những năm gần đây, mít Thái được bà con nông dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) đưa vào trồng nhiều do dễ trồng, chăm sóc và khoảng 2,5 năm cho thu hoạch. Những năm trước, mít Thái đã giúp nông dân xóa đói và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, mùa thu hoạch năm 2014, đến thời điểm này, thị trường mít rớt giá quá mạnh, gây thiệt hại nặng về kinh tế, làm cho bà con nông dân điêu đứng, dở khóc, dở mếu.

Thời điểm này đang là mùa thu hoạch rộ, giá mít Thái xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg mít trái và 6.500 đồng/kg mít múi. Theo kinh nghiệm của người trồng mít, cứ 4kg mít trái, bổ lột ra thì được 1kg mít múi. Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Oanh ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành có 1 ha mít Thái, khoảng 350 cây đã 4 năm tuổi, cho biết: “Từ đầu mùa thu hoạch (đầu tháng 10-2014) đến nay, thương lái không muốn mua. Biết mít trong dân trồng nhiều, họ ép giá, nếu có mua thì mua theo kiểu bán mão.
Một trái mít ước trọng lượng hơn 12kg, chỉ với giá 10 ngàn đồng, còn trái mít dưới 8kg không mua”. Năm nay, gia đình chị Oanh ước thu nhập 1 ha chỉ khoảng 20 triệu đồng. Nếu tính cả chi phí phân tro, công chăm sóc thì chị lỗ nặng.
Gia đình anh Đặng Ngọc Phiên ở khu phố 3, thị trấn Chơn Thành trồng 1,5 ha mít Thái. Cây mít nhà anh có nguồn gốc từ ghép nhánh nên mau cho thu hoạch.
Gia đình anh thường xuyên thăm vườn, chủ động phun thuốc, trừ nấm, điều tiết nước tưới và bón phân phù hợp, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây cho sản lượng cao. Năm 2013, gia đình anh bán giá bình quân 6.000 đồng/kg mít trái, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Năm 2014, giá mít chỉ còn 1.000 đồng/kg mít trái, ước tổng thu chỉ còn khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí, coi như làm không công. Anh Phiên cho biết: “Bây giờ gia đình thu hoạch cơ bản để gỡ gạc tiền phân tro chăm bón. Hàng ngày cầu mong giá cả nhích lên cho đỡ thiệt hại”.
Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành: Năm 2012 trên địa bàn có hơn 38 ha, đến năm 2014 có hơn 100 ha mít Thái đang cho thu hoạch. Mặt khác, đầu ra của sản phẩm năm nay lại khó khăn nên giá cả giảm. Hiện trên địa bàn huyện Chơn Thành chỉ có 1 điểm thu mua mít múi do một công ty ở Bình Dương lên mua.
Họ không mua mít trái, mít phải vừa chín tới mới mua, thời gian thu mua hàng ngày từ 7 đến 11 giờ sáng. Vì vậy mà nhà vườn phải tranh thủ thuê người bóc mít (kể cả ban đêm) để kịp bán, nếu để chín cây hoặc chín già quá là thương lái không mua. Có nhiều lúc mít chín nhiều quá nhà vườn không bóc kịp phải đổ đi.
Người trồng mít đang hàng ngày cầu mong giá cả nhích lên đỡ thiệt hại. Để tránh điệp khúc “trồng - chặt - trồng”, ngành chức năng cần sớm vào cuộc, có giải pháp hữu hiệu, tìm đầu ra và ổn định về giá cả, giúp bà con nông dân trồng mít có thu nhập, kinh tế ổn định.
Công ty lên Chơn Thành thuê địa điểm thu gom mít Thái đã 3 năm. Chất lượng mít của bà con rất tốt, múi dày và đẹp. Năm nay, giá quá thấp vì xuất sang Trung Quốc rất chậm. Hiện tại nhiều công ty, nhà máy sấy mít nhỏ ở Bình Dương và thành Phố Hồ Chí Minh đã đóng cửa. Chỉ còn có 2 nhà máy ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và Bình Dương còn hoạt động theo kiểu cầm chừng. Trong khi đó, số lượng mít của bà con thu hoạch ngày càng nhiều, nên đành phải hạ giá mua. Chúng tôi tổ chức sấy, lưu kho chờ xuất bán hết được thì hy vọng giá cả sẽ tăng trở lại.
Bà Hồ Thị Quang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vinamit Bình Dương.


Sản Xuất Trái Cây Rải Vụ Khai Thác Lợi Thế, Tăng Hiệu Quả Sản Xuất Sản Xuất Trái Cây Rải Vụ Khai Thác… Trồng Bưởi Diễn Lãi Trên 100 Triệu Đồng/ha Trồng Bưởi Diễn Lãi Trên 100 Triệu Đồng/ha