Mô hình kinh tế Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng

Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng

Ngày đăng 29/05/2013

Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng

Chưa đầy 2 tháng xuống giống ở Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các vùng nuôi tôm Kỳ Anh, Lộc Hà, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn tích cực triển khai dập dịch nhưng nguy cơ dịch bùng phát khó tránh khỏi.

Chị Lê Thị Hạnh, thuộc vùng nuôi tôm Đồng Khẩu, xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh) vừa thả 6 vạn con tôm giống xuống diện tích 0,4 ha. Hai tuần sau, số tôm trên chết trắng bởi virus bệnh đốm trắng.

Tiếp đó, tại hộ nuôi tôm ông Nguyễn Khắc Đường thuộc HTX Nuôi trồng thủy sản Phú Khánh (Kỳ Khang) tôm cũng chết hàng loạt. Ông Đường buồn rầu kể: “Sáng sớm, tui ra đầm cho tôm ăn thì phát hiện một vài con nổi lên, trôi dạt vào bờ và sau đó thì chết hàng loạt. Hơn 25 vạn con tôm giống vừa thả xuống chưa được 20 ngày, giờ không còn con nào”.

Ông Đường nuôi tôm thẻ chân trắng đã hơn 5 năm nay theo hình thức quảng canh cải tiến cũng cho thu nhập khá. Thông thường, ông lấy tôm giống tại các Công ty CP và Việt Úc nhưng vụ tôm năm nay, ông lại lấy giống tại một cơ sở sản xuất giống ở Đà Nẵng. Mặc dù tôm giống ông mua có phiếu kiểm dịch nhưng so với thị trường thì giá rẻ hơn...

Theo chị Nguyễn Thị Thủy - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh, dịch bệnh đốm trắng ở tôm được phát hiện trên địa bàn từ ngày 3/5 trên 1 ao nuôi ở xã Kỳ Ninh, sau đó, tại vùng nuôi tôm xã Kỳ Khang và Kỳ Thọ. Toàn huyện hiện có trên 16 ha của 6 vùng nuôi bị bệnh, thiệt hại hàng trăm vạn con tôm cỡ 20 - 25 ngày tuổi. Ngay sau khi phát hiện dịch, huyện Kỳ Anh chỉ đạo chính quyền các địa phương cùng với người dân tiến hành xử lý môi trường ao nuôi có tôm bị bệnh, nghiêm cấm các hộ nuôi tôm không tháo mở nước nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, dịch bệnh đốm trắng ở tôm he chân trắng trên địa bàn huyện Kỳ Anh có thể do thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe con tôm. Bên cạnh đó, hầu hết người nuôi chưa thật sự chú trọng đến chất lượng con giống và xử lý môi trường ao nuôi không đảm bảo dẫn đến mầm bệnh tiềm tàng ở trong ao hồ rất dễ gây dịch bệnh cho tôm…

“Nguy cơ dịch bệnh đốm trắng có thể lan ra cả vùng nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Phú Khánh xã Kỳ Khang. Bởi nhẽ, chỉ sau vài ngày, hộ ông Đường có tôm bị bệnh thì tại đây phát sinh thêm 2 hộ nuôi có diện tích 1,6 ha, thiệt hại 44 vạn con giống. Được biết, các hộ trên cũng lấy tôm giống tại một trại giống ở Đà Nẵng” - chị Thủy cho biết thêm.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 20 ha nuôi tôm bị bệnh đốm trắng của 26 hộ nuôi tại các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, số giống thiệt hại hơn 500 vạn con. Ngay sau khi nhận được báo cáo, Chi cục Thú y tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh, đồng thời cấp gần 2.000 kg hóa chất chlorine hỗ trợ xử lý dịch bệnh.

Ngành chuyên môn cũng đã tập trung hướng dẫn người dân xử lý sau khi phát hiện tôm chết do nhiễm virus đốm trắng, tiến hành tiêu hủy toàn bộ ao tôm bằng hóa chất chlorine (nồng độ 30 ppm); quản lý chặt nước trong ao sau 7 - 10 ngày mới được thải nước đi và lấy nước vào để nuôi mới, hoặc chuyển đổi nuôi đối tượng khác. Còn đối với các ao có tôm chết còn nghi ngờ, có thể do môi trường nước trong ao nuôi bị ô nhiễm thì xử lý ngay môi trường ao nuôi bằng vôi bột, zeolite và BKA...

Bà Đặng Thị Thu Hoàn - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nguy cơ bệnh đốm trắng ở tôm tiếp tục phát triển và lây lan sang các vùng khác rất cao. Đến thời điểm này, một số diện tích ao nuôi có tôm bị bệnh vẫn chưa được chính quyền địa phương và người dân xử lý kịp thời... Trong điều kiện thời tiết nắng nóng xen lẫn các đợt mưa lớn, nhất là tiết tiểu mãn sắp tới sẽ gây bất lợi cho quá trình nuôi. Việc kiểm soát mầm bệnh từ hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến rất khó do nguồn nước cấp chung; người nuôi tôm còn chủ quan, tùy tiện trong thực hiện quy trình kỹ thuật, quản lý các yếu tố môi trường nuôi, tính cộng đồng chưa cao. Những yếu tố trên chính là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở tôm bùng phát và lây lan nhanh.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, ngoài sự giúp đỡ của các ngành chuyên môn về mặt kỹ thuật, người dân cần đảm bảo dinh dưỡng và môi trường hợp lý trong ao nuôi để tăng sức đề kháng cho con tôm; triển khai các biện pháp dập dịch hiệu quả. Chính quyền địa phương sớm vào cuộc vận động cộng đồng, người nuôi tôm cùng nhau bảo vệ môi trường vùng nuôi, tránh lây lan dịch từ hộ này sang hộ khác, giảm thiểu thiệt hại.

Xã Hộ Độ (Lộc Hà) có hơn 80 ha nuôi trồng thủy sản với hơn 10 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú được thả trong vụ sản xuất xuân hè. Đến thời điểm này, đã có 5 ao nuôi (2,7 ha) với 32 vạn con giống tôm sú bị nhiễm bệnh đốm trắng và chết, tổng thiệt hại ước gần 200 triệu đồng.

Nguyên nhân được xác định là do mầm bệnh đã có sẵn từ trước, việc cải tạo, xử lý kỹ thuật ao hồ trước lúc nuôi thả chưa đảm bảo. Trong ao nuôi có các loại tôm, cua, cá tự nhiên hỗn hợp, dễ xẩy ra dịch bệnh cho tôm.

Trước tình trạng trên, xã Hộ Độ phối hợp với ngành chức năng và hộ nuôi triển khai kịp thời công tác dập dịch. Chi cục Thú y tỉnh đã cung cấp 700 kg hóa chất cloraminB để tiêu độc khử trùng, dập dịch tại chỗ, đồng thời làm vệ sinh kênh mương thoát và lấy nước cho ao hồ, nhằm ngăn chặn dịch lây lan.


Làm Giàu Từ Nuôi Chình Làm Giàu Từ Nuôi Chình 100% Cá Tầm Nhập Lậu Không Đảm Bảo Tiêu Chuẩn Quốc Tế 100% Cá Tầm Nhập Lậu Không Đảm Bảo…