Thanh long Nguyên nhân và cách phòng bệnh thối rễ, khô cành trên cây thanh long

Nguyên nhân và cách phòng bệnh thối rễ, khô cành trên cây thanh long

Ngày đăng 02/07/2015

Nguyên nhân và cách phòng bệnh thối rễ, khô cành trên cây thanh long

Qua khảo sát thực tế ở các địa phương trồng thanh long của tỉnh từ Bắc Bình cho đến Hàm Tân, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận xin bổ sung một số ý kiến như sau:

Trong  tháng 6/2015, chi cục đã phát hiện hơn 50 ha thanh long bị thối rễ, cành teo tóp hoặc khô cả cành, tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Thuận Bắc (48 ha) và thị xã La Gi (2 ha). Trong đó có 0,5 ha bị nhiễm nặng tại thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc và 48,5 ha bị nhiễm nhẹ.

Chi cục cũng đã trực tiếp xuống các hộ có thanh long bị bệnh để kiểm tra, kết quả ban đầu cho thấy diện tích thanh long bị thối rễ, cành teo tóp là do những nguyên nhân sau:

- Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo cộng với việc bón vôi vào gốc thanh long quá nhiều hoặc bón quá nhiều loại phân có chứa hàm lượng canxi cao làm cho gốc thanh long quá nóng nên tuột rễ, gây chết khô rễ dẫn đến cành thanh long bị chết và khô (1,5 ha). Đối với trường hợp này, cành thanh long đã bị khô cháy nên không có biện pháp để khắc phục.

- Riêng trường hợp rễ thanh long bị xơ từ chóp vào và đào gốc lên có những trụ thanh long rễ có mùi thối, đồng thời cành thanh long cũng có hiện tượng teo tóp, chi cục đã phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam lấy mẫu đất và mẫu bệnh để phân tích và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Trong lúc chờ kết quả phân tích mẫu đất và mẫu bệnh, chi cục đã kết hợp với Công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí tiến hành thử nghiệm tại một số vườn đã bị héo cành, teo tóp cành, rễ tơ bị chết, trên trụ có một số cành bắt đầu chết tại các xã Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Trí… tiến hành các phương pháp xử lý như sau:

1. Xử lý bộ rễ: Cào hết rơm rạ ra khỏi trụ, xử lý đất và rễ bằng Eddy 72WP + Hợp Trí Super Humic theo liều khuyến cáo ghi trên bao bì, phun ướt đẫm quanh gốc trụ. Sau khi phun được 3 - 5 ngày thì tiến hành bón phân phục hồi rễ bằng lân vôi Địa Long theo liều lượng 0,5 - 1 kg/trụ cộng với Micromate liều lượng 25 - 50 g/trụ (tùy theo độ tuổi của thanh long), rồi tủ rơm lại và tiến hành tưới đủ ẩm (lưu ý không được tưới quá ẩm).

2. Cùng với xử lý bộ rễ, tiến hành phun phân qua lá để bổ sung dinh dưỡng giúp cây nhanh hồi phục: sử dụng Hydrophos Zn + Budbooster phun 2 - 3 lần theo liều khuyến cáo (mỗi tuần phun 1 lần), phun ướt đều toàn bộ trụ.

Kết quả thử nghiệm tại các vườn: sau 10 - 12 ngày thì bộ rễ bắt đầu hồi phục (ra rễ mới) và cành bắt đầu xanh cứng lại (trừ những cành đã chết). Sau khi bộ rễ đã hồi phục, chờ 10 - 15 ngày cho bộ rễ chuyển màu ngà nâu thì tiến hành chăm sóc bình thường. Tuy nhiên, phải chú ý bón các loại phân có hàm lượng lân, kali, canxi, magie, silic và vi lượng cao, với nguyên tắc chia nhiều lần bón (10 - 15 ngày/lần) và mỗi lần bón ít lại (100 - 200 g/trụ). Tuyệt đối không được bón phân hữu cơ tươi, phân NPK có hàm lượng quá cao, đặc biệt lưu ý không được bón các loại phân chưa có thương hiệu, chưa được kiểm định và khuyến cáo.


Bệnh thán thư hại thanh long Bệnh thán thư hại thanh long Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm nâu trên…