Khoai môn Nhân giống khoai môn Bắc Kạn theo công nghệ mới

Nhân giống khoai môn Bắc Kạn theo công nghệ mới

Tác giả Thế Kiên, ngày đăng 24/09/2016

Nhân giống khoai môn Bắc Kạn theo công nghệ mới

Cây khoai môn đã được người dân ở một số vùng thuộc tỉnh Bắc Kạn trồng từ nhiều năm nay. Sự sinh trưởng và phát triển của cây khoai môn khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết nơi đây nên chất lượng sản phẩm rất tốt. Khoai môn Bắc Kạn được đánh giá có những ưu điểm như: vị thơm, ngon, bở. Loại nông sản này được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng trong bữa ăn hoặc làm quà tặng, trở thành một đặc sản của Bắc Kạn. Đầu mùa, giá khoai môn Bắc Kạn có khi dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, đem lại cho người nông dân nguồn thu nhập khá cao so với nhiều loại nông sản khác.

Cây khoai môn đã phát triển tốt trên một số khu vực đất đồi núi và cả đất ruộng một vụ của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc trồng loại cây này vẫn chỉ mang tính tự phát, chưa được đầu tư để có năng suất cao và canh tác đại trà.

Theo thống kê của Sở KH&CN Bắc Kạn, một số huyện như: thị xã Bắc Kạn, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông… những năm qua đã trồng khoảng 150-200ha, năng suất trung bình đạt 40-45 tạ/ha. Việc phát triển cây trồng này ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi thu hoạch, đa số củ nhỏ được bảo quản làm giống, còn củ cái được sử dụng vào làm thực phẩm. Vì vậy nguồn giống để nhân cho vụ sau là rất ít, có khi chỉ đủ trang trải cho diện tích vụ trước. Do đó, diện tích trồng khoai môn của Bắc Kạn gần như dậm chân tại chỗ từ năm nay đến năm khác…

Mặt khác, việc bảo quản và sơ chế khoai môn theo phương pháp truyền thống đã không phát huy được giá trị của mặt hàng này. Để sử dụng hiệu quả đất đai, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả từ khoai môn, việc nghiên cứu nhân giống, bảo quản và sơ chế khoai môn theo phương pháp mới là hết sức cần thiết.

Từ thực tiễn trên, Sở KH&CN Bắc Kạn đã triển khai hai đề tài: “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy Invitro để nhân giống khoai môn phục vụ sản xuất tại tỉnh Bắc Kạn” và “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, sơ chế khoai môn hàng hoá tại Bắc Kạn”.

Dự án nhân giống khoai môn bằng công nghệ Invitro (nuôi cấy mô) được triển khai trong năm 2009, do Viện Di truyền nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Đến nay, các nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành. Lần đầu tiên việc nhân giống khoai môn bằng phương pháp Invitro đã thành công ở Việt Nam.

Qua nghiên cứu hoàn chỉnh môi trường từ ống nghiệm ra giá thể, ngành chức năng đã thử nghiệm thành công trồng khoai môn nhân giống bằng phương pháp Invitro ra đồng ruộng. Đến nay đã thử nghiệm trồng được 0,5ha, cây sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt cây trồng từ củ của cây nhân giống bằng phương pháp Invitro có hệ số nhân giống rất cao. Cây trồng từ giống do người dân tự nhân có hệ số nhân 3-4, nhưng cây từ giống nhân bằng phương pháp Invitro có hệ số nhân 8-9. Hiện nay Sở KH&CN Bắc Kạn đã cử cán bộ đi nhận chuyển giao quy trình, kỹ thuật; các trang thiết bị phục vụ việc nhân giống ngay tại tỉnh cũng đang được triển khai nhằm sớm đưa ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn.

Đối với dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, sơ chế Khoai môn hàng hoá tại Bắc Kạn”, được xây dựng và thực hiện bởi Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN- thuộc Sở KH&CN Bắc Kạn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Mục tiêu cụ thể của dự án là quy hoạch vùng sản xuất khoai môn trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế -xã hội và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Kạn có sự tham gia của người dân; xây dựng mô hình sản xuất giống, thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho sản xuất khoai môn tại 3 huyện với qui mô 60 ha trong 3 năm 2008-2010; bước đầu sơ chế bột khoai môn giới thiệu ra thị trường; đào tạo cán bộ kỹ thuật và đào tạo nông dân về kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật thâm canh, bảo quản.

Sau 3 năm triển khai, đến nay dự án đã xây dựng được 4ha mô hình sản xuất củ giống, 60 ha mô hình thâm canh khoai môn tại 3 địa phương: Thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn), xã Dương Phong (Bạch Thông), các xã Lương Thành, Lương Thượng, Lạng San và Lam Sơn (Na Rì). Dự án cũng đã tập huấn cho 360 hộ dân về kỹ thuật thâm canh khoai môn, đào tạo được 09 cán bộ kỹ thuật. Hiện nay việc xây dựng nhà xưởng, dây chuyền chế biến khoai môn đã được tiến hành xong, đang vận chuyển thiết bị để lắp đặt.

Có thể nói, việc triển khai nghiên cứu thành công các dự án này đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân Bắc Kạn trong việc phát triển cây khoai môn theo hướng hàng hoá, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả./.


Hướng dẫn qui trình trồng, chăm sóc khoai môn KM1 Hướng dẫn qui trình trồng, chăm sóc khoai…