Tin nông nghiệp Nhàn như nuôi dê

Nhàn như nuôi dê

Tác giả Nguyễn Hải Tiến, ngày đăng 26/09/2019

Nhàn như nuôi dê

Nhờ nuôi gần 80 con dê các loại, anh Đỗ Văn Chinh ở thôn Khúc Lộng (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã "đút túi" trên 10 triệu đồng mỗi tháng.

Dê tự kiếm ăn trên đồng.

Không ít nhà nông ở xã Vĩnh Khúc đã phải bỏ hoang ruộng từ nhiều năm nay vì gieo cấy lúa không có lãi. Anh Nguyễn Văn Chinh ở thôn Khúc Lộng (trong xã) còn mượn ý bài ca dao xưa cũ để ví von: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề...” nhằm mô tả tâm trạng cực chẳng đã của mình khi phải bỏ hoang ruộng.

Tuy nhiên, tất cả số hộ sau bỏ ruộng đều tự tìm được việc làm có thu nhập gấp hàng chục lần canh tác lúa nhỏ lẻ. Riêng anh Chinh đã mạnh dạn bỏ ra hơn 90 triệu đồng, mua 34 con dê giống về chăn thả ngay trên những chân ruộng hoang của gia đình và các nhà nông sở tại.

Kết quả, chỉ sau một năm chăn nuôi, anh Chinh đã thu hồi đủ vốn đầu tư, và còn lãi nguyên vẹn được cả đàn dê bố mẹ ban đầu, để khai thác sinh lợi 7-8 năm sau mới phải đầu tư trở lại.

Tâm sự với chúng tôi, anh Chinh cho biết: Sở dĩ chọn con dê làm kế sinh nhai của gia đình là do, chi phí chăn nuôi thấp, chu kỳ chăn nuôi ngắn, chăm sóc không vất vả, lợi nhuận lại cao. Đặc biệt, thịt dê đang là món ăn đặc sản, hiện chưa có hàng nhập ngoại nên dê luôn giữ được giá ở mức rất cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi dê, anh Chinh đã khái lược như sau: Dê là gia súc lành tính, có nguồn gốc từ các vùng đồi núi cao mát mẻ, chủ yếu ăn cỏ và lá non các loại. Vì vậy khi nuôi dê ở đồng bằng, cần tạo các điều kiện ngoại cảnh tương tự như miền núi, để dê sinh sống và tăng trọng thuận lợi, bao gồm:

Chuồng trại phải cao ráo thoáng mát và cách xa khu dân cư. Phải làm sàn cho dê ở cách mặt đất 0,7-0,8m. Vật liệu làm sàn có thể ghép bằng các cây tre, nứa hoặc thanh gỗ chắc chắn. Giữa các thanh ghép phải có khe để chất thải từ dê lọt xuống dễ dàng. Chuồng phải có ngăn nhốt riêng dê đực giống với các dê chửa gần đẻ, dê mẹ và dê con. Gom dọn phân định kỳ và mỗi tháng 1 lần tiến hành vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng vôi bột.

Chăn thả tùy theo mùa vụ và thời tiết, mỗi ngày chỉ cần cho dê ra ngoài kiếm ăn 5-6 giờ, không chăn thả khi trời mưa, thời tiết quá nắng hoặc quá lạnh, trước khi mang dê đi chăn cần cho uống nước sạch, để tránh dê phải uống nước trên đồng, dễ phát sinh dịch bệnh.

Trong quá trình chăn nuôi cần kết hợp theo dõi các con dê kém ăn, bỏ cỏ hoặc có biểu hiệu khác thường để tìm cách khắc phục. Ưu tiên chăn thả dê trên các gò đồng, ven trục đường lớn, bờ cao và ruộng hoang để tránh dê ăn phải cỏ mới phun hóa chất.

Vào những thời điểm khan hiếm cỏ non (mùa đông hanh khô, đồng ruộng mới gieo cấy), có thể cho dê ăn thêm một số cám công nghiệp chuyên dùng nhưng phải thơm và mới. Riêng với dê mang thai khi đi chăn cần tránh đánh quật và cách xa dê đực giống nhằm tránh nhảy phối ngoài ý muốn, dễ bị sảy thai.

Nuôi dê ở đồng bằng cũng phù hợp như miền núi.

Dê thương phẩm nuôi từ sơ sinh tới 7-8 tháng tuổi, trọng lượng đạt 25-27kg/con sẽ cho xuất bán. Dê bố, mẹ khai thác giống 6-7 năm phải loại thải, thay mới bằng con giống nuôi hậu bị.

Chọn giống nuôi hậu bị từ các dê mẹ đẻ lứa thứ 2-8, dê bố có từ 2-5 năm tuổi. Dê con được chọn phải ở các lứa đẻ sinh đôi trở lên và khối lượng sơ sinh đạt trên 1,8kg/con với dê cái, trên 2,5kg/con với dê đực.

Dê hậu bị phải có khả năng kháng bệnh tốt, tăng trọng nhanh và được sinh ra từ những dê mẹ có nhiều sữa, trong đó dê cái hậu bị khi trưởng thành phải có ngoại hình thanh thoát, phần sau phát triển hơn phần trước, mình dài, đầu nhỏ, da mỏng, lông mịn, bầu vú to mềm mại và đều.

Dê đực phải khỏe mạnh, không khuyết tật, đầu to ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, 6 tháng tuổi phải đạt trọng lượng từ 15kg trở lên, không quá béo hoặc quá gầy, phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, 4 chân chắc khỏe, 2 quả cà cân đối.

Tỷ lệ nuôi đực/cái trong đàn là 1/20-1/25. Tốt nhất chọn dê đực hậu bị từ các đàn dê ngoài khu vực để tránh cận huyết và không để dê đực non giao phối với dê cái già. Dê sau sinh cho bú mẹ đến 21 ngày tuổi mới thả cho ra đồng tập ăn cỏ.

Phòng dịch cho dê gồm một số bệnh chính: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm phổi, tiêu chảy và chướng bụng đầy hơi.

Nhờ cách nuôi lồng ghép dê thương phẩm với dê bố mẹ như trên, đã giúp anh Chinh chủ động con giống đầu vào chất lượng tốt, đạt thu nhập ổn định. “Thấy anh Chinh chăn dê nhàn hạ, mà đạt thu nhập cao, nhiều hộ trong xã đã học hỏi và làm theo”, ông Đinh Xuân Thao – Trưởng thôn Khúc Lộng cho hay.


Tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao Tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ… Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 24 - 30/9) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong…