Mô hình kinh tế Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Ngày đăng 07/10/2014

Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.

Toàn tỉnh có hơn 190 hợp tác xã (HTX), trong đó HTX nông nghiệp chiếm hơn 66% và đa phần đều đang gặp khó khăn về năng lực lẫn nguồn vốn, dẫn tới quy mô của các HTX còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra tuy có chất lượng nhưng thị trường chưa mở rộng,...

Theo kế hoạch, năm 2013, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu số HTX hoạt động loại giỏi đạt từ 25%, loại khá đạt từ 40%, giảm số lượng HTX yếu kém dưới 10%. Nhưng qua thực tế bình xét vào cuối năm rồi, số lượng HTX yếu kém đã vượt mức 10%. Nhiều HTX đã trì trệ, hoạt động cầm chừng hay đi đến giải thể vì nhiều lý do.

HTX “chết nhưng chưa khai tử”

Làm nông nghiệp luôn nhận lấy rủi ro cao nên HTX nông nghiệp cũng không tránh khỏi khó khăn khi chấp nhận kinh doanh trên lĩnh vực này. Đã có không ít HTX nông nghiệp điêu đứng hoặc chết lịm. HTX Nông nghiệp Hòa Tiến, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp là một minh chứng.

Thành lập từ năm 1999, chỉ 4 năm sau, HTX ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, HTX chỉ còn cái tên trên danh nghĩa. Theo chủ nhiệm HTX trước đây, ông Trương Hoàng Long, mục tiêu ban đầu của HTX là cung ứng phân bón, đem lợi nhuận cho xã viên.

Lúc đầu, ai cũng nghĩ HTX hình thành sẽ góp phần giúp cho xã viên “đi lên”, nào ngờ, qua thời gian hoạt động, do thời tiết không thuận lợi, xã viên sản xuất khó khăn, thất mùa, mất giá, dẫn đến thâm vốn, nợ nần. Số vốn góp ban đầu chưa đến 30 triệu đồng đã sử dụng hết, tiền nợ các công ty phân bón đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lúc đó, HTX không còn vốn hoạt động, xã viên của HTX đa phần là hộ nghèo, không khả năng thanh toán. Bí quá, có hộ bỏ xứ ra đi, HTX tan rã. Ông Long chua chát nhớ lại: “Tôi là chủ nhiệm nên đứng mũi chịu sào, ra lãnh số nợ cho những hộ bỏ xứ. Từ đó đến nay, tôi phải bỏ tiền túi trả dần số vốn điều lệ đã góp lúc ban đầu cho những xã viên còn lại. Còn số tiền các xã viên nợ công ty, tôi không có khả năng chi trả!”.

HTX Thủy sản Hưng Điền gặp khó khăn về vốn ngay từ thuở mới “khai sinh”.

Cũng ở huyện Phụng Hiệp, HTX làm vườn Hưng Thạnh, ở xã Thạnh Hòa cũng giải thể hơn 1 năm nay. “Ban đầu, HTX làm ăn cũng có lãi, các thành viên cũng khấm khá, nhưng do trong quá trình hoạt động, Ban chủ nhiệm không có kinh nghiệm kinh doanh, không biết dự toán kinh phí trừ khấu hao máy móc (máy bơm tưới), tiền lãi mang chia hết cho xã viên.

Đến khi máy hỏng thì không ai chịu sửa vì nghĩ đây là “của chung” và kết quả là chiếc máy bơm tưới bị bỏ rỉ sét, tình cảm xã viên cũng bị rạn nứt. Đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều người vì không biết hạch toán kinh doanh”, ông Nguyễn Chí Sung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết.

Ngoài ra, tại huyện Phụng Hiệp còn có 2 HTX nông nghiệp là Thạnh Điền, Liên Hưng cũng trong tình trạng “chết chưa được chôn”. Hiện tại, có chủ nhiệm đã mất, có chủ nhiệm bỏ xứ đi nhưng vẫn chưa được giải thể.

Thiếu vốn, thiếu cả năng lực

Ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, HTX Thủy sản Hưng Điền (nuôi cá tra) cũng đang “thoi thóp” trước số nợ hàng tỉ đồng mà các thành viên đang vay ngân hàng. Từ khi thành lập đến nay đã được 3 năm, nhưng năm nào HTX cũng thua lỗ.

Lúc mới thành lập, các xã viên phải vay ngân hàng để có tiền đào ao, mua con giống, thức ăn. Tình hình thị trường biến động, giá cá giảm, tiền thức ăn cao là nguyên nhân khiến HTX ngày càng kiệt quệ. Dù vậy, để duy trì, hàng ngày, người nuôi vẫn phải bỏ bạc triệu (thức ăn) xuống ao để nuôi cầm chừng.

Ông Lê Văn Kiềm, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Trong số 25 hộ nuôi thì đã có 16 hộ treo hầm, không dám nuôi nữa. Trong xã viên, có hộ đang nợ ngân hàng 3 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả nợ vay cho ngân hàng gần chục triệu đồng.

Còn HTX mía Quyết Thắng, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp thành lập từ năm 2013 nhưng đến nay, tình hình hoạt động vẫn không mấy khởi sắc.

Suốt 12 tháng ròng hoạt động, số tiền lời mà HTX thu về chỉ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng. Số vốn điều lệ từ lúc khai sinh đến nay chỉ dừng lại ở mức 25 triệu đồng (trong khi đăng ký là 100 triệu đồng). Ngoài ra, HTX không hề có được tài sản cố định chung nào vì nguồn vốn góp ban đầu quá thấp.

Ông Trương Văn Hiền, Giám đốc HTX mía Quyết Thắng, trăn trở: “Tuy 100% diện tích đất trồng mía của xã viên HTX được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu, nhưng chúng tôi vẫn chưa vừa lòng.

Bởi, chúng tôi phải chịu khâu vận chuyển, phải thông qua thương lái. Nếu được ngành chức năng, địa phương hỗ trợ cho vay vốn, HTX sẽ đầu tư mua ghe chở mía cho xã viên, sản phẩm được đến tận nơi, tiêu thụ cũng dễ dàng, suôn sẻ hơn”.

Một số HTX đang hoạt động, dù có danh tiếng, có nhãn hiệu chứng nhận hàng hóa nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ở huyện Long Mỹ, HTX Quýt đường Long Trị, mặc dù tập hợp được lực lượng nông dân sản xuất giỏi, đang sản xuất một trong 10 nông sản có thế mạnh của tỉnh cũng thiếu vốn để mở rộng loại hình kinh doanh, dịch vụ. Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm quýt đường chưa được mở rộng, sản phẩm còn ít nên chưa giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.

Bên cạnh nguồn vốn ít, những người đứng mũi chịu sào (chủ nhiệm và nay là giám đốc, thủ quỹ, kế toán - PV) HTX lại làm việc không trụ sở, không lương, không bảo hiểm xã hội. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự nhiệt tình, chưa đặt cái tâm vào điều hành, quản lý đưa hoạt động HTX đi lên. Song song đó, nhiều HTX chỉ dựa trên kinh nghiệm sản xuất tự có, chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn chiến lược.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Quýt đường Long Trị thì nguyên nhân lớn nhất là cán bộ quản lý HTX xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn thấp, năng lực quản lý hạn chế, kém năng động. Bên cạnh đó, cơ sở làm việc, hội họp thường là nhà của xã viên, đa số xã viên còn khó khăn, họ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước…

Nhiều HTX vẫn chưa bắt kịp yêu cầu phát triển, chưa có phương hướng sản xuất kinh doanh rõ ràng, các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nên là trở ngại trong sự phát triển kinh tế hợp tác. Vậy nên, không ít HTX giậm chân tại chỗ “sống qua ngày” rồi đi đến chết lịm.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong quá trình hoạt động, hầu hết HTX chưa nhận thức đầy đủ và thấu đáo về bản chất, nguyên tắc và giá trị của HTX kiểu mới. Đội ngũ cán bộ của hầu hết các HTX đều có những hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn nhưng mới chỉ được tập huấn bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày. Hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp còn thấp, giá thị trường bấp bênh, biến động.

Vả lại, phần lớn HTX không có khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư, năng lực nội tại yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và quy mô hoạt động. Đa số HTX sản xuất theo lối thủ công là phổ biến nên nhiều HTX vẫn chưa tìm được mục tiêu mà mình hướng đến.


Châu Âu Ra Châu Âu Ra "Tối Hậu Thư" Với Hoa… Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở…