Mô hình kinh tế Nhìn từ chuyện quả trứng xuất khẩu

Nhìn từ chuyện quả trứng xuất khẩu

Ngày đăng 12/11/2015

Nhìn từ chuyện quả trứng xuất khẩu

Việt Nam có tổng đàn vịt đứng thứ 2 thế giới, thuộc top 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.

Việt Nam từng xuất khẩu trứng vào một số thị trường châu Á, số lượng hàng trăm triệu quả mỗi năm.

Ít ai biết, mỗi quả trứng tuy chỉ có giá trị ba bốn ngàn, nhưng doanh nghiệp nếu làm bài bản lại có thể thu về hàng chục triệu đô la…

Cuối tuần trước, công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm) xuất khẩu lô trứng muối đầu tiên vào thị trường Brunei.

Đã lâu lắm rồi, thông tin có một doanh nghiệp xuất khẩu được trứng muối đi các thị trường châu Á mới xuất hiện trở lại bởi trong suốt ba năm nay, công việc này thường xuyên bị gián đoạn do Việt Nam công bố dịch cúm gia cầm.

Ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc Vietfarm, nói số trứng này (khoảng 120.000) sẽ được bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị Brunei cho cộng đồng người bản địa và người Hoa du nhập.

Ngoài Brunei, thời gian tới Vietfarm sẽ xuất khẩu khoảng 20 container mỗi tháng sang thị trường Singapore.

Sau khi trở lại được thị trường Singapore, Vietfarm cũng dự kiến đẩy mạnh liên kết chăn nuôi để xúc tiến xuất khẩu trứng sang Malaysia và một số nước khác.

Trứng gia cầm nói chung, trứng vịt muối nói riêng của Việt Nam nổi tiếng thơm, ngon và bổ dưỡng.

Ít quốc gia nào trên thế giới có lợi thế tự nhiên về khí hậu và những cánh đồng lúa bạt ngàn, nguồn nước phù sa tạo ra sinh khối thức ăn tự nhiên nuôi vịt chạy đồng hấp dẫn như Việt Nam.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hàng tỉ quả trứng trên những cánh đồng lưu vực Mekong.

Ba năm liền, từ 2011 – 2014, mỗi năm Việt Nam cũng xuất khẩu không dưới 30 triệu quả trứng vào thị trường khó tính Sigapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật.

Mỗi quả trứng tuy có giá trị nhỏ, chừng ba, bốn ngàn, nhưng khi gộp số lượng hàng chục triệu quả có thể đem về doanh số cả chục triệu USD.

Hơn hết còn mang lại đầu ra ổn định, giúp người nuôi có lãi, tạo động lực phát triển đàn gia cầm.

Tuy nhiên, sản xuất tự nhiên có chất lượng trứng vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, như tồn dư kháng sinh, chì, sắt… trong nguồn nước nuôi hay chất sudan tạo lòng đỏ do người nuôi bỏ vào thức ăn.

Do vậy, khó nói việc xuất khẩu là bền vững.

Từng có nhiều container trứng nhiễm kháng sinh, nhiễm Salmonella, Enterobacteriaceae, chất sudan bị đối tác trả về.

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không được kiểm soát dịch bệnh, không được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn… vẫn tồn tại ở nghề nuôi vịt chạy đồng.

Ông Đàm Văn Hoạt lại nhắc lại chuyện cũ: chúng ta phải tổ chức lại chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển hệ thống các cơ sở chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh (mô hình chăn nuôi vịt khép kín, an toàn sinh học).

Trong một hội nghị cách nay hơn tháng về nội dung xuất khẩu thực phẩm, có doanh nghiệp còn thừa nhận những lô trứng vịt muối bị đối tác phát hiện chất sudan trả về được công ty… bán vào các lò làm bánh.

Từ lò bánh lại bán cho người tiêu dùng.

Đây là điều có thực và đang tồn tại ở đất nước đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như Việt Nam.

Các tiêu chuẩn về quả trứng xuất khẩu chưa được làm bài bản, doanh nghiệp và nông dân vẫn ăn xổi.

Bắt đầu lại từ đầu! Liệu có làm được không khi mà hàng ngày người dân ra chợ giữa trung tâm thành phố vẫn thấy đầy rẫy trứng trôi nổi không qua kiểm dịch, bê bết lông, phân vịt được bày bán công khai?


Kiểm soát chặt nhập khẩu gia súc gia cầm Kiểm soát chặt nhập khẩu gia súc gia… Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam sản xuất thực phẩm sạch Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam sản…