Nhìn vườn cam VietGAP toàn quả thế này, bảo sao thu 3 tỷ đồng/năm
Hơn chục năm vất vả, trải qua bao ngọt đắng cùng cam, giờ đây ông Trần Văn Bình (SN 1953) ở thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã được đền đáp với thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.
Với ông Bình, chăm sóc vườn cam không chỉ là thêm thu nhập mà còn là niềm đam mê, yêu thích. Ảnh: Thu Hà
Thầy giáo bén duyên trồng cam
Ông Bình là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ. Kể về cơ duyên đến với nghề trồng cam, ông Bình cho biết, ông vốn là giáo viên dạy môn địa lý ở Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Công tác lâu năm tại Văn Giang - nơi có truyền thống làm vườn giỏi, nhất là trồng cam quýt, ông thấy “yêu từng thớ đất”.
Tham gia tổ hợp tác, các thành viên đã đóng góp trên 100 triệu đồng làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng; tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục”. Ông Trần Văn Bình
Dù ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông vẫn ấp ủ mong muốn trở thành chủ sở hữu một vườn hoa thơm, quả ngọt. “Năm 2006, tôi thuê 1 mẫu đất ở quê nhà Kiêu Kỵ trồng 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam Canh” - ông Bình cho biết.
Sau những khó khăn ban đầu, sau 2 năm, vườn cam đã cho những trái ngọt đầu tiên. Từ ngày có vườn cam, vợ chồng con cái ông Bình cùng tập trung chăm sóc vườn. “Thành công bước đầu là động lực thôi thúc tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam” - ông Bình thổ lộ. Năm 2014, ông Bình về hưu và tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích trồng cam. Hiện, gia đình ông Bình đã thuê thầu 23 mẫu đất để trồng cam Vinh và cam Canh.
Liên kết trồng cam VietGAP
Điều đáng chú ý, ông Bình là người đầu tiên ở Kiêu Kỵ thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, ông Bình đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn được khách hàng tin dùng. Hầu hết những vườn cam từ 2 - 8 năm tuổi của ông Bình đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Năm 2016, ông Bình xuất bán 150 tấn cam với giá 25.000 đồng/kg, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Không chỉ làm vườn giỏi, ông Bình còn truyền tình yêu lao động và niềm đam mê làm vườn cho các con và các hộ khác trong thôn. Hiện, 3 người con của ông không chỉ là giáo viên THPT giỏi mà còn là 3 nhà làm vườn tích cực như ông. Cũng từ mô hình tiêu biểu của ông Bình, đến nay, toàn thôn Báo Đáp đã có hơn 30 hộ chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cam với diện tích trên 20ha. Nhằm hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, đầu năm 2015, ông Bình đã vận động 38 hộ làm vườn vào tổ hợp tác trồng cam VietGAP xã Kiêu Kỵ.
Ông Chu Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân TP.Hà Nội đang hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam Cầu Chùa”. Thời gian tới, cùng với quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh, xây dựng mô hình trồng cam theo hướng VietGAP, Hội Nông dân huyện Gia Lâm còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, ông Bình là 1 trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong trồng cam VietGAP ở huyện Gia Lâm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ