Những phương thức nuôi tôm điển hình
Tôm – lúa
Mô hình 2 vụ tôm (một tôm sú, một TCX) – một vụ lúa cho thu nhập cao đối với nông dân Bạc Liêu.
Ông Lâm Thành Phúc ở xã Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu), với 3ha đất nuôi tôm sú, ông Phúc gần như chỉ đủ ăn. Năm 2000, ông là người đầu tiên thả nuôi TCX trong ruộng lúa. Lúc đầu, một số người nói ông Phúc… “bị khùng”, nhưng khi hết mùa lúa, ông thu hoạch TCX bán thu được trên 15 triệu đồng.
Ông Phúc cho biết: “Bây giờ con tôm sú bấp bênh lắm, mình nuôi quảng canh theo mô hình lúa – tôm lãi không còn cao như mấy năm trước. Thấy ao đìa nuôi tôm sú lúc đầu vụ bỏ uổng, tôi thả TCX, không ngờ nuôi được”. Mỗi năm ông Phúc nuôi 2 vụ tôm (một vụ tôm sú, một vụ TCX trong ruộng lúa), trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng/năm. Từ sự chia sẻ kinh nghiệm của ông Phúc, hiện xã Phước Long có trên 100 hộ dân nuôi TCX trong ruộng lúa.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long Trần Văn Hùng cho biết, năm 2012 huyện phát triển mô hình lúa – TCX trên 4.500ha tại các xã vùng ngọt. Mô hình này doanh thu trên 80 triệu đồng/ha/năm. Còn kỹ sư Nguyễn Ngọc Oanh -Trung tâm Khuyến ngư – Khuyến nông Bạc Liêu – cho biết, hiện nông dân trong tỉnh đã thả nuôi trên 7.000ha TCX theo phương thức nuôi thâm canh trong ruộng lúa.
Tôm – rừng
Tôm – rừng, nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao, mô hình tôm sinh thái… đang được nhiều hộ dân áp dụng để tăng năng suất, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Ông Phạm Văn Huấn ở xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải, Trà Vinh) có 4,5 ha đất, dành 40% cho nuôi tôm, còn lại trồng đước. Chi phí nuôi tôm thấp vì chỉ mua giống, còn thức ăn từ thiên nhiên, lại ít dịch bệnh. Năm qua, gia đình ông thả 150.000 con tôm sú giống (thêm vài loại cá, cua), lãi ròng hơn 100 triệu đồng, trong khi nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp quanh lỗ nặng vì dịch bệnh.
Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, ông Nguyễn Văn Kiên, phấn khởi, nhiều hộ trong xã đã bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nuôi tôm, tổng diện tích khoảng 400 ha. Nhờ có rừng, hệ sinh thái ngập mặn ổn định lại, môi trường cân bằng, nuôi tôm đỡ vất vả mà thu lãi vững chắc.
Ở tỉnh Bạc Liêu, kỹ sư Phạm Văn Tới (Phòng NN&PTNT huyện Giá Rai) chủ trì thí điểm nuôi tôm với trồng rừng ở vùng Nam Quốc lộ 1A. Hai hộ được chọn thực hiện. Vùng nuôi tôm chia ra, 50% diện tích nuôi tôm (thêm cua, cá); 30% trồng rừng ngập mặn (đước, mắm); còn 20% diện tích là bờ, cống, mương. Tôm giống thả 5 – 7 con/m2. Từ năm 2011 đến nay, mỗi ha một năm thu được 400 kg tôm (25 – 50 con/kg), 150 kg cua (0,4 – 0,5 kg/con) và một số cá tự nhiên khác, lãi ròng 40 triệu đồng. Cây rừng phục hồi tốt, sống 50%, dự kiến năng suất 100 m3/ha với chu kỳ 15 năm.
Nuôi cộng đồng
Thu hoạch tôm sú ở Đông Giang, Đông Hà.
Đây là phương pháp nuôi tôm chú trọng ý thức cộng đồng, áp dụng cho những nông hộ có ít đất, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Có một dự án mang tên “Thúc đẩy chứng nhận và Quản lý thực hành nuôi tôm tốt hơn cho các hộ quy mô nhỏ tại Việt Nam” do Danida – Đan Mạch tài trợ, áp dụng tại tỉnh Bạc Liêu từ năm 2012. Ngắn gọn gọi là Thực hành quản lý tốt (Better Management Practices – BMP).
Tổ hợp tác nuôi tôm 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hoà Bình, Bạc Liêu) có 15 hộ với khoảng 50 ha, chủ yếu nuôi tôm dưới tán rừng. Tôm-rừng tận dụng lợi thế tự nhiên, không cần thêm thức ăn, không dùng hóa chất, đỡ công chăm sóc mà giá bán thường cao hơn 5 – 10% so với tôm nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế là manh mún, không thống nhất nên khó quản lý nguồn nước, dịch bệnh.
Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm áp dụng BMP, thống nhất lịch thời vụ, ghi nhật ký quá trình nuôi. Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác 30/4 cho biết, nhờ vậy giảm dịch bệnh, tăng năng suất và tôm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Gia đình tôi nuôi tôm – rừng hơn 2,6 ha, mỗi năm trước đây chỉ thu được 500 triệu đồng, nay gấp đôi”, ông Tuấn nói.
Áp dụng BMP còn xây dựng được cơ sở truy xuất nguồn gốc để đi tới các chứng nhận quốc tế, như ASC. Dự án thành công đã mở rộng diện tích nuôi tôm ở Bạc Liêu và đang triển khai ra nhiều địa phương ở ĐBSCL, chú trọng thêm mối liên kết chuỗi từ các tổ hợp tác đến doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Nuôi khép kín
Bà Lâm Kim Huệ đang thu hoạch tôm nuôi khép kín.
Bà Lâm Kim Huệ ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000 m2, vừa thu được 7 tấn tôm thẻ chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4 – 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp. Nay năng suất cao, tôm đạt kích cỡ 48 con/kg, giá bán cao nên lãi nhiều”, bà Huệ phấn khởi.
Cũng ở huyện Đầm Dơi, nhưng xã Trần Phán, ông Phạm Văn Tuấn nuôi tôm khép kín, vừa thu 16 tấn tôm thẻ loại 48 con/kg, lãi trên 1 tỷ đồng. Nuôi tôm khép kín được ông Tuấn diễn giải: “Phải có ao ương, ao nuôi để hạn chế lưu thông với bên ngoài và phải có điện ba pha. Tháng đầu, tôm giống còn nhỏ được nuôi trong vèo ao ương, chăm sóc tốt, hạn chế bệnh chết sớm nên ít hao. Khi tôm đã khoẻ mới chuyển ra ao nuôi nên tôm mau lớn, năng suất và lợi nhuận đều cao”.
Bà Lâm và ông Tuấn tham gia dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Sở KH&CN Cà Mau. Dự án hỗ trợ đầu tư 30% chi phí ban đầu nên các hộ tham gia vượt qua được khó khăn về vốn, làm đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế ảnh hưởng tình trạng ô nhiễm môi trường.
Dự án triển khai tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển. Tôm nuôi khép kín không sử dụng hoá chất nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất được vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao.
Tôm – vườn dừa
Nuôi xen tôm càng xanh trong mương vườn dừa ở Bến Tre.
Nuôi tôm càng xanh trong vườn dừanhằm thích ứng biến đổi khí hậu, có sản phẩm chất lượng tốt, giúp nông hộ tăng thu nhập, đang được Trường đại học Cần Thơ triển khai ở tỉnh Bến Tre. Mỗi hộ tham gia phải có diện tích mương nước trong vườn dừa 3.000- 4.000 m2, sẽ được hỗ trợ 18.000 con giống, vôi cải tạo mương, kỹ thuật trị bệnh thường gặp trên tôm.
Bắt đầu triển khai với 5 hộ, 5.000 m2 ở xã Vang Qưới Đông (Bình Đại) năm 2009; nhanh chóng thành công; nay có trên 25 hộ với diện tích 30.000 m2. Người dân thả nuôi 2 vụ/năm. Ông Nguyễn Văn Thế ở ấp Vinh Xương cho biết: “Hiệu quả khá, 1 ha trồng dừa nuôi tôm càng xanh, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng”.
Từ thành công đó, năm 2013, mở rộng sang ấp Xương Thới 3, xã Thới Thạnh (Thạnh Phú), ban đầu 7 hộ, nay 30 hộ. Ông Nguyễn Văn Đoàn, một trong những hộ thực hiện từ đầu, cho biết: “Xã này mỗi năm bị mặn khoảng 6 tháng, làm ăn khó khăn. Tôi thả 18.000 con tôm giống trên diện tích 3.000 m2, sau 8 tháng thu lãi hơn 55 triệu đồng”.
Các hộ nuôi tôm ở ấp Xương Thới 3 đã lập Câu lạc bộ do ông Nguyễn Văn Đoàn làm chủ nhiệm, hằng tháng sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm. Câu lạc bộ phát hiện ra, con tôm càng xanh vốn sống trong nước ngọt nhưng thích ứng đến độ mặn 4‰, rất hợp vùng này.
Nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, tận dụng nguồn cá tạp địa phương làm thức ăn, ít dùng thuốc hoá học nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2014, từ nguồn vốn thích ứng biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ có kế hoạch mở rộng ra các vườn dừa vùng nước lợ ven biển.
Tags: nhung phuong thuc nuoi tom dien hinh, nuoi tom, mo hinh tom lua, nuoi trong thuy san
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ