Mô hình kinh tế Nỗ Lực Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Nỗ Lực Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Ngày đăng 11/10/2013

Nỗ Lực Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh với kỳ vọng chấm dứt kiểu khai thác tràn lan, tận diệt.

Khai thác tận diệt

Tại hạ lưu các dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh như Thu Bồn, Trường Giang… rất dễ bắt gặp cảnh nhiều đội ghe thuyền khai thác nguồn lợi thủy sản bằng những chiếc lờ dây có chiều dài hàng chục mét. Loại công cụ được du nhập từ Trung Quốc này hoạt động tự phát khắp các địa phương như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn hay Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Khai thác ở vùng ven bờ, “thâu tóm” tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ, những chiếc lờ dây đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, phá hủy các hệ sinh thái vùng cửa sông, ven biển.

Điều đáng nói là hầu như ai cũng nhận biết nguy hại nhưng hoạt động này vẫn diễn ra công khai. “Sinh kế mà chú, không khai thác bằng nghề này thì gia đình chúng tôi biết lấy gì mà sống. Sông nước rộng lớn, các loài cá sinh trưởng nhanh lắm, biết đâu là suy giảm và cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản ven bờ” - anh Nguyễn Văn Mỹ, một người chuyên khai thác thủy sản bằng nghề đặt lờ dây Trung Quốc ở thôn Hà Thuận (Duy Vinh, Duy Xuyên) nói.

Còn anh Trần Văn Hùng (thôn Kim Đới, Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) thì tâm sự: “Chúng tôi cũng biết đặt lờ dây ảnh hưởng xấu đến các nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nhưng chú thấy đó, chỉ một đoạn sông nhỏ nhưng rất nhiều ghe thuyền khai thác chứ có phải riêng gia đình chúng tôi đâu. Chúng tôi không đánh bắt như vậy thì “chợ sông” vẫn đông”.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho rằng đa số những người mưu sinh trên sông nước đều ít nhiều khai thác thủy sản không đúng theo các quy định hiện hành, nhất là quy định về mắt lưới. Họ biết tác động xấu từ hoạt động của mình nhưng rất khó để giúp họ chuyển nghề. Trong khi đó, ngành chức năng rất khó xử phạt vì hoạt động đó trực tiếp ảnh hưởng đến “miếng cơm, manh áo” của nhiều thành viên trong gia đình.

Cùng với đó, các hoạt động diễn ra tràn lan khắp tỉnh, nhiều nhất là vào ban đêm nên khó xử phạt hết được với lực lượng tuần tra mỏng. “Trong các đợt tuần tra, kiểm soát, khi bắt gặp việc khai thác thủy sản bằng lờ dây Trung Quốc, chúng tôi thường chỉ dừng lại ở mức cảnh báo tác động, nhắc nhở hoặc răn đe chứ phạt thì họ cũng không lấy đâu ra tiền để nộp khi phải lo kiếm sống từng bữa” - ông Định nói.

Để bảo vệ nguồn lợi ven bờ, thời gian qua, bằng các nguồn tài trợ khác nhau, Quảng Nam đã triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho các hộ dân nghèo vốn sinh sống bằng các nghề khai thác làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề cho các hộ thuộc các xã như Duy Vinh (Duy Xuyên) hay Cẩm Thanh (TP.Hội An) không đạt hiệu quả cao do tính nhỏ lẻ của mô hình.

Bên cạnh đó, do tập quán sinh sống bằng các nghề ven sông nên người dân không mấy mặn mà hưởng ứng, tiếp thu các nghề trồng trọt, chăn nuôi thiếu đầu ra sản phẩm. Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các địa phương phải quản lý chặt chẽ khai thác theo kiểu tận diệt ven bờ nhưng vẫn chưa cải thiện tình hình.

Cụ thể, các huyện, thành phải quản lý chặt chẽ các phương tiện khai thác tại địa phương; xây dựng kế hoạch phát triển và tổ chức hoạt động khai thác tại địa phương gắn với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản và tuyên truyền người dân cấm khai thác thủy sản tận diệt, chủ động tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác hủy diệt nguồn lợi tràn lan từ trước đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Bảo vệ, phát triển nguồn lợi

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất khó có thể thấy được các đàn cá chim, cá sủ, cá thiều trên địa bàn tỉnh. Các đàn cá hồng, cá song không còn thấy xuất hiện nữa mà chỉ nhiều cá tạp, cá không rõ nguồn gốc.

Ông Ngô Văn Định cho rằng, điều cấp thiết nhất là từ nay phải chú trọng hơn việc xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền cho người dân, ngư dân. Cụ thể là rất cần mở nhiều lớp tập huấn, các buổi hội thảo để tăng mật độ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; ấn định các pano, áp phích với các nội dung cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc… trong khai thác thủy hải sản.

Cùng với đó là tổ chức điều tra, nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy hải sản, giảm dần cường lực của các nghề khai thác thiếu bền vững; thực hiện công tác dự báo nguồn lợi, khuyến khích cải hoán tàu cá hướng ra biển thay vì quẩn quanh vùng sông nước ven bờ.

Việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt các vi phạm sẽ được tiến hành với mật độ cao hơn. Ví như khi nhận biết nhiều đội tàu giã cào của Quảng Ngãi khai thác trái phép, tận diệt nguồn lợi, làm hư hại nhiều công cụ khai thác của ngư dân, đe dọa các hệ sinh thái ven biển, lực lượng kiểm ngư tỉnh đã ráo riết tổ chức tuần tra, xử phạt mạnh đưa hoạt động khai thác hải sản đi vào nền nếp.

Về bảo vệ, phục hồi và phát triển các nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, ông Định cho biết, Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam đang đề xuất UBND tỉnh tiến hành khảo sát, điều tra để lập quy hoạch chi tiết tiến đến thành lập Khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Vu Gia - Thu Bồn và Khu bảo tồn biển Bàn Than - An Hòa.

Đây là nỗ lực lớn nhằm bảo tồn và tái tạo san hô, thảm cỏ biển, tôm hùm, cá mú, cá cảnh và nhiều loài động vật quý hiếm khác. Bởi vậy, trong thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở KH-CN, Sở TN-MT và các địa phương ven biển khoanh vùng các bãi đẻ, vùng sinh trưởng của các loài thủy sản, qua đó lập quy hoạch xác định khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn (ví như tôm hùm), hạn chế khai thác ở các vùng cửa sông An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (TP.Hội An).

Đồng thời kế hoạch dài hạn về việc thả giống các đối tượng thủy sản cần bảo vệ, cần bảo tồn hay tái tạo nguồn lợi không có hoặc rất hiếm trong tự nhiên (như cá tra) cũng sẽ được tiến hành trong thời gian đến.

Trước thực trạng nguồn lợi cạn kiệt dần, Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, từ nay đến năm 2015 việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ được chấn chỉnh bằng việc chung tay góp sức của nhiều ngành, nhiều địa phương trên toàn tỉnh.

Hơn hết là có một chương trình hành động với đồng bộ các giải pháp tương ứng với từng phạm vi nội dung cụ thể. Quan điểm của Quảng Nam là trên cơ sở quản lý tổng hợp vùng bờ, sẽ khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường và phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá của tỉnh.


Xuất Khẩu Tôm Dễ Đạt Mục Tiêu 2,5 Tỷ USD Xuất Khẩu Tôm Dễ Đạt Mục Tiêu 2,5… Hiệu Quả Nuôi Cá Chình Trong Ao Hiệu Quả Nuôi Cá Chình Trong Ao