Mô hình kinh tế Nói không với FIPRONIL trên cây chè

Nói không với FIPRONIL trên cây chè

Ngày đăng 09/07/2015

Nói không với FIPRONIL trên cây chè

Tuy nhiên, lâu nay nhiều cơ sở kinh doanh thuốc BVTV vẫn bán rộng rãi và nông dân vùng chè Lâm Đồng vẫn dùng phun xịt trên chè để phòng kiến và phối trộn với các thuốc trừ sâu để trừ sâu bệnh. Điều đáng nói là sự có mặt của hoạt chất này trên cây chè là một trong những nguyên nhân khiến không ít lượng lớn chè đen xuất khẩu của Việt Nam bị phía Đài Loan từ chối.

Tại sao Fipronil bị từ chối?

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 3.620 tấn chè đen bị tồn kho. Trong đó, 36 tấn bị nhiễm dư lượng Fipronil và trên 46 tấn bị phía Đài Loan trả về do nhiễm Dioxin; số còn lại không xuất khẩu được do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định của Đài Loan. Thạc sỹ Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2015, có 23 công ty sản xuất, kinh doanh chè đen, chè xanh gửi 105 mẫu (tương đương 1.200 tấn hàng) phân tích dư lượng thuốc BVTV Fipronil. Kết quả có 42,86% số mẫu có dư lượng Fipronil vượt ngưỡng so với quy định của Đài Loan. Phía Chi cục BVTV tỉnh cũng đã lấy ngẫu nhiên 5 mẫu chè đen thành phẩm phân tích định lượng thì cả 5 mẫu đều có mức dư lượng Fipronil vượt ngưỡng quy định giới hạn tối đa cho phép từ 1,6 - 4 lần”. Mức giới hạn tối đa cho phép đối với hoạt chất này từ phía Đài Loan là 0,002mg/kg, nghĩa là gần như bằng 0.

Ông Lê Thanh Sơn - Đại diện Công ty THNH Nam Bắc, đơn vị đã có hơn 13 năm nghiên cứu, sản xuất và phân phối các sản phẩm nông dược cũng như các loại thuốc BVTV và phân bón lá... cho biết: “Fipronil là loại thuốc rất độc. Trên côn trùng, nó sẽ phá vỡ hệ thần kinh não và tủy sống, bằng cách can thiệp đến các tế bào thần kinh, cho đến sự dẫn truyền xung động thần kinh. Kết quả là côn trùng bị chết do không kiểm soát được các dẫn truyền xung đột thần kinh. Chúng ta không nên sử dụng hoạt chất này trên chè và trên các loại cây trồng khác. Một khi đã sử dụng, chu kỳ bán phân hủy của Fipronil kéo dài đến 120 ngày, nghĩa là hết một vụ mới phân hủy được một nửa. Trong khi đó, ngưỡng quy định của Đài Loan đối với hoạt chất này chỉ 0,002mg/kg. Đây là một ngưỡng quy định ngặt nghèo. Vì ngay cả khi không sử dụng Fipronil trên cây chè, nhưng nếu vườn cà phê bên cạnh có sử dụng hoạt chất này, thì cây chè vẫn bị ảnh hưởng và khả năng vượt ngưỡng quy định là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Việc lấy mẫu và gửi đi phân tích dư lượng các loại thuốc BVTV cũng được tiến hành trên sản phẩm chè Oolong của các công ty sản xuất, kinh doanh chè Đài Loan. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trên sản phẩm chè búp tươi và chè thành phẩm đều cho kết quả trong ngưỡng an toàn theo quy định của phía Đài Loan, nhưng lại có một số mẫu có dư lượng 7 loại thuốc BVTV vượt ngưỡng theo quy định của EU.

Cũng theo Thạc sỹ Lại Thế Hưng, so với nhu cầu thực tế, việc lấy mẫu kiểm tra của Chi cục mới chỉ đạt một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, kết quả đạt được trên phần rất nhỏ này cũng đã khẳng định một thực tế khá rõ ràng rằng, hầu hết sản phẩm chè đen đều có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng so với quy định. Thống kê cũng cho thấy, chỉ có khoảng 19% công ty chủ động kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên lô hàng tại VN trước khi xuất, 81% còn lại chưa bao giờ làm việc này. Thực trạng trên đặt ngành nông nghiệp địa phương trước yêu cầu bức thiết về việc cần nhìn nhận lại việc mua, bán và sử dụng thuốc BVTV trên cây chè ở các địa bàn trọng điểm trồng chè trong tỉnh.

Thuốc BVTV được quản lý như thế nào?

Hiện, trên địa bàn các xã trồng chè của tỉnh có 254 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV với khá nhiều chủng loại. Tại thị trường Lâm Đồng, danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành có 37 hoạt chất thuốc trừ sâu, 13 hoạt chất trừ bệnh, 4 hoạt chất thuốc kích thích sinh trưởng và 2 hoạt chất thuốc trừ cỏ. Ngoài những hoạt chất được phép sử dụng trên chè, một số cơ sở ở Bảo Lộc, Bảo Lâm còn bán các hoạt chất đăng ký trên cây trồng khác (cà phê, lúa, rau). Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, tại 2 địa bàn này, có 55/57 cơ sở có buôn bán thuốc chứa hoạt chất Fipronil với tổng số 14 loại thuốc thương phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở này cho biết là không hề hướng dẫn nông dân sử dụng hoạt chất này trên chè.

Trong thực tế, việc người nông dân sử dụng hoạt chất này trên chè là khá phổ biến. Bà Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, cho biết: “Nông dân và ngay cả tôi cũng không hề biết cái chất Fipronil gì đó là chất bị cấm sử dụng trên chè. Lâu nay, dân mình vẫn nôm na gọi là thuốc diệt kiến và thường mua về sử dụng trên chè trước thời điểm thu hoạch”. Theo khuyến cáo, khi sử dụng loại thuốc này trên cây trồng, cần phải cách ly tối đa 7 - 14 ngày mới có thể thu hoạch. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Trà Việt Vương (xã Đamb’ri, TP Bảo Lộc): “Sau khi phun thuốc, chúng tôi đã cách ly 14 ngày trong điều kiện thời tiết bình thường thì dư lượng còn lại vẫn rất cao. Chỉ khi gặp 1, 2 cơn mưa thì dư lượng mới có thể giảm bớt. Vậy thì phải khuyến cáo rõ cho nông dân biết là nên cách ly trong điều kiện như thế nào? Hoặc nếu không sử dụng hoạt chất này nữa, thì có hoạt chất nào thay thế hay không?”. Cũng theo bà Thủy, nếu muốn nông dân và doanh nghiệp không sử dụng Fipronil, biện pháp duy nhất là “cấm” các nhà phân phối bán hoạt chất này.

Ở một quan điểm khác, ông Bùi Quang Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Chè Lâm Đồng, lại cho rằng: “Hiện nay, hầu hết các nhà máy sản xuất chè đen đều không có vườn chè và đều phải mua nguyên liệu từ người nông dân; do đó, không thể nào kiểm soát được quá trình trồng và chăm sóc chè, cũng như những hoạt chất thuốc BVTV nào đã được sử dụng trên nguyên liệu từ trước đó. Cho nên, việc kiểm soát sử dụng thuốc BVTV phải bắt đầu từ người nông dân. Mọi yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm cuối cùng đều bắt nguồn từ quá trình trồng và chăm sóc. Và do vậy, nông dân là người quyết định chất lượng nguyên liệu chè búp tươi. Muốn “tẩy chay” hoạt chất Fipronil trên cây chè, cần phải tác động mạnh và thường xuyên vào nhận thức và ý thức của người nông dân.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trao đổi: “Cần phải đi đến một quyết định cuối cùng là giảm thiểu tối đa việc sử dụng hoạt chất Fipronil trên cây chè và những hoạt chất thuốc BVTV không có trong danh mục quy định. Tuy nhiên, không chỉ hoạt chất Fipronil, vẫn còn khá nhiều hoạt chất khác để lại dư lượng vượt ngưỡng mà chúng ta chưa kiểm soát được. Vấn đề là nếu khuyến cáo nông dân không sử dụng những hoạt chất bị cấm, thì có loại thuốc nào để thay thế hay không?”.

Theo ông Lê Thanh Sơn - Công ty TNHH Nam Bắc: “Chúng ta có nhiều chất có thể thay thế Fipronil. Tuy nhiên, một số hoạt chất này vẫn chưa được kiểm nghiệm thực tế và chưa có mặt trong danh mục được lưu hành. Vấn đề là, chúng ta có mạnh dạn và được phép đưa các hoạt chất này vào nghiên cứu và ứng dụng hay không?”

“Trước mắt, chúng ta cần phải cam kết với nhau rằng, hoạt chất Fipronil không thể tồn tại trên cây chè. Song song đó, ngành nông nghiệp địa phương sẽ nghiên cứu và đưa vào danh mục những sản phẩm có thể thay thế, vừa đáp ứng yêu cầu của nông dân vừa thỏa được tiêu chí của hàng hóa khi xuất khẩu. Vấn đề là chúng ta có đủ uy tín và trách nhiệm khi cam kết với nhau điều đó hay không?” - Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trăn trở như thế.

* Thạc sỹ Nguyễn Đức Thiết, cố vấn cho Chi hội Thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng và cố vấn cho nhiều công ty sản xuất, kinh doanh chè Đài Loan: “Hầu hết các sản phẩm chè Đài Loan khi xuất khẩu đều không bị “vướng” dư lượng Fipronil, nhưng lại vướng những hoạt chất khác. Vậy, đặt trường hợp chúng ta cấm sử dụng Fipronil trên cây chè và thay đổi bằng những hoạt chất khác, thì liệu có đảm bảo rằng sẽ không có những hoạt chất tương tự Fipronil trong tương lai? Trong thực tế, có những hoạt chất không hề được sử dụng trong quá trình sản xuất và chế biến, nhưng khi phân tích thì lại tìm thấy dư lượng, vậy thì chúng từ đâu ra?! Nên chăng, khi phân phối hàng hóa đi thị trường nào, thì cần nghiên cứu rõ đặc điểm và nhu cầu thực sự của thị trường đó. Điều này không phải mang tính đối phó mà là cần thiết để thiết lập một mối quan hệ thị trường hàng hóa bền vững và lâu dài cho cả đôi bên”.

* Ngày 30/6, tại TP Bảo Lộc, Cục BVTV (Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị bàn các biện pháp giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trên cây chè. Hội nghị đã đi đến thống nhất 6 giải pháp nhằm giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV trên cây chè, gồm giải pháp về chính sách; về tín dụng; về tổ chức sản xuất; về kỹ thuật; về quản lý Nhà nước và về tuyên truyền. Những nhóm giải pháp này kêu gọi tổng lực cùng tham gia, từ các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp đến các đơn vị quản lý, nhà sản xuất, chế biến, đóng gói. Mục tiêu cuối cùng của Hội nghị này, là đi đến cam kết sẽ “tẩy chay” hoạt chất Fipronil trên cây chè; đồng thời, kêu gọi sự “vào cuộc” của các cơ quan truyền thông, các “chân rết” khuyến nông ở cơ sở và vai trò quản lý của các ngành chuyên môn trong việc tuyên truyền, kêu gọi và nâng cao nhận thức của người nông dân đối với việc sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV trên cây chè. (TRỊNH CHU)


Chè Shan Tuyết Mộc Châu mở rộng chỉ dẫn địa lý Chè Shan Tuyết Mộc Châu mở rộng chỉ… Triển khai dự án lúa tôm trên vùng đất phèn mặn Triển khai dự án lúa tôm trên vùng…