Nỗi Lo Mùa Tỏi Mới
Chúng tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày bà con nông dân ở đây làm đất xuống giống vụ hành, tỏi đông xuân. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lo toan của người dân nơi đây, nào là mưa bão, chuẩn bị cho mùa biển mới, nguồn đất, cát cho vụ hành, tỏi đông xuân…
Điệp khúc đói đất - thiếu cát
Tại một số chân ruộng, người dân đào sâu xuống lòng đất tìm đất đỏ bazan với hy vọng lớp đất đỏ nhiều chất dinh dưỡng sẽ giúp cây tỏi xanh tốt và cho năng suất cao hơn. Từ dưới hầm sâu hơn 2m, anh Trần Đức Hoài ở thôn Đông, xã An Hải, bảo: Kinh nghiệm bao đời nay truyền lại, chỉ có lớp đất thịt này cộng với cát trắng lấy từ biển mới có thể tạo ra tỏi Lý Sơn chính hiệu.
Thế nhưng, nguồn đất thịt bây giờ hiếm lắm. Muốn lấy được loại đất này phải đào sâu xuống lòng đất, nhưng chỉ được đào ở chân ruộng của mình chứ không được đi đào ở chân núi như trước kia. Mà đào ở chân ruộng mình mãi như vậy thì dần dần đất sẽ bạc màu, biết là chỉ lợi trước mắt, nhưng chẳng còn cách nào.
Cũng theo anh Hoài, do đất thịt khan hiếm nên giá đất cũng tăng cao. Nếu trước đây một xe đất thịt 3m3 mua tại chân ruộng có giá khoảng 120.000 đồng, thì nay đã lên gần 300.000 đồng. Nguồn cát trắng cũng là một bài toán khó với người trồng tỏi. Trước đây, cát trắng quanh đảo nhiều nhưng giờ dường như cũng cạn kiệt.
Người dân phải ra các vùng biển quanh đảo lấy cát dưới đáy biển. Anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Đông, xã An Hải chuyên hành nghề lấy cát biển bán cho người dân trồng tỏi cho biết, để lấy được cát giờ phải ra cách bờ hơn 3km mới có, mà mấy năm nay mình hút cát nhiều quá nên giờ cát cũng hết rồi và giá bán cũng cao (45-55.000 đồng/m3) nên cả người bán và người mua đều gặp khó.
Bài toán chưa có lời giải
Toàn huyện Lý Sơn có 367ha đất canh tác, trong đó có khoảng 300 ha đất trồng tỏi. Mỗi sào đất trồng tỏi một lần cải tạo cần 12 khối đất thịt và 12 khối đất cát nên nhu cầu đất thịt và đất cát để trồng tỏi là rất lớn. Theo bà con nông dân trên đảo, dù biết việc hút cát để trồng tỏi là tăng thêm nguy cơ thu hẹp đảo nhưng họ chẳng còn cách nào khác. “Nếu không có đất thịt và cát thì làm sao trồng được cây tỏi. Biết làm vậy là ảnh hưởng đến môi trường và tăng thêm nguy cơ sạt lở bờ biển nhưng biết làm sao được”, anh Hoài trăn trở.
Ông Lê Hoài Ân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Lý Sơn, cho biết, việc lấy cát như thế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái biển, gây thêm nguy cơ sạt lở vùng biển ven bờ. “Tuy nhiên, mình không thể cấm người dân lấy cát được. Vì nếu không có cát thì hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn sẽ đình trệ. Do đó, phòng chỉ nhắc nhở người dân không được hút cát ở khu vực gần bờ, nhằm tránh nguy cơ sạt lở thôi”, ông Ân nói.
Cũng theo ông Ân, hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang bắt đầu triển khai dự án “Ứng dụng khoa học – kỹ thuật sản xuất tỏi Lý Sơn theo hướng bền vững”, thí điểm trên 14ha, trong 2 vụ tỏi đông xuân 2012 – 2013 và 2013 – 2014. “Nếu dự án này thành công, sẽ giải quyết bài toán khai thác cát và hạn chế tối đa tình trạng sạt lở bờ biển lâu nay. Đồng thời giúp người dân trồng hành, tỏi an tâm hơn trong sản xuất”, ông Ân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ