Mô hình kinh tế Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang

Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang

Ngày đăng 27/05/2013

Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang

Trước tình hình sản xuất mía gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư tăng cao, giá cả trồi sụt thất thường, đầu ra bấp bênh, điều kiện tự nhiên không phù hợp,... khiến cho nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thua lỗ, buộc lòng phải chuyển sang cây trồng khác.

Hiệu quả kinh tế thấp

Mặc dù có hơn 30 năm gắn bó với cây mía, nhưng trước tình hình giá cả bấp bênh, sản xuất không có lời, ông Phan Văn Năm, ở ấp Hòa Quới B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cũng đành ban dần 3ha đất mía để trồng lúa. Đến nay, toàn bộ đất mía của ông đã chuyển sang sạ lúa, với hy vọng có được nguồn thu nhập ổn định. Ông Năm cho biết: “Hai vụ mía liên tiếp, gia đình tôi không biết cảm giác lợi nhuận là như thế nào. Gần 1 năm chăm sóc chỉ phá huề thì làm sao có nguồn kinh phí trang trải cuộc sống gia đình. Tuy có tiếc nhưng tôi vẫn quyết định bỏ mía để trồng lúa. Bởi, làm lúa lỡ giá có thấp cũng có thể vựa lại chờ giá lên hoặc để ăn, còn mía nếu giá thấp và tới lứa mà không thu hoạch thì bị khô và chết”.

Cũng theo tính toán của ông Năm, với giá mía như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng thu được 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian 10 tháng/vụ, nông dân trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng, thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. “So với lúa và rau màu, cây mía có thời gian sinh trưởng khá dài, chăm sóc cả năm mới thu hoạch một lần, nguồn thu nhập lại thất thường. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nông dân quyết định không tiếp tục trồng mía” - ông Lê Văn Tấn, ở ấp Thạnh Lợi B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp chia sẻ.

Có chung tâm trạng trên, ông Nguyễn Văn Láng, nông dân ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Vùng đất nơi đây do bị nhiễm mặn nên năng suất và chữ đường mía không cao, thông thường khoảng 100 - 110 tấn/ha, chữ đường từ 7-9CCS. Hàng năm, tuy các nhà máy đường có đến hợp đồng bao tiêu và đưa ra mức giá sàn, nhưng có rất ít nông dân bán được giá mà nhà máy đường đưa ra do không đạt chữ đường hoặc bị thương lái ép giá. Cụ thể, vụ mía 2012 - 2013 vừa qua, tuy giá bao tiêu được nhà máy đưa ra là 900 đồng/kg, mía 10CCS tại cầu cảng nhà máy, nhưng thực chất nông dân nơi đây chỉ bán với giá từ 700 - 820 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, nhân công lao động mỗi vụ tăng từ 5 - 10%, từ đó khiến người trồng mía không có lợi nhuận”.

Diện tích mía giảm

Trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, ngành nông nghiệp các địa phương đã chủ động khuyến cáo bà con ở một số vùng trồng mía kém hiệu quả tiến hành cải tạo lại đất để chuyển sang trồng lúa, rau màu hoặc cây có múi. Hai huyện của tỉnh mạnh dạn trong vấn đề này là huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ. Việc chuyển đổi này, được cho là một hướng đi phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất. Đặc biệt, thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ hiện nay là khuyến khích nông dân giữ và phát triển diện tích đất trồng lúa với nhiều chính sách ưu đãi, điển hình là Nghị định 42.

Vụ mía 2013 - 2014, huyện Phụng Hiệp xuống giống được hơn 9.000ha, giảm khoảng 50ha so với cùng kỳ. Nguyên nhân do một số khu vực vùng trũng, điều kiện sản xuất không thuận lợi, tập trung tại các xã: Hòa An, Phương Bình, Phụng Hiệp, Hòa Mỹ… bà con đã mạnh dạn chuyển từ cây mía sang trồng rau màu hoặc làm lúa. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: Một số xã trên địa bàn huyện thường xuyên bị ngập nước nên trồng mía đạt hiệu quả không cao. Chủ trương của huyện trong thời gian tới chỉ giữ lại khoảng 5.000 - 6.000ha đất trồng mía nằm trong dự án đê bao khép kín đang được UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương gấp rút triển khai thực hiện. Đây là việc làm nhằm đảm bảo đời sống cho người dân trồng mía.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho biết: Niên vụ mía 2013 - 2014, toàn tỉnh xuống giống khoảng 14.000ha, giảm khoảng 300ha so với cùng kỳ. Định hướng của ngành đến năm 2015 chỉ giữ lại từ 10.000 - 12.000ha mía, nhằm đảm bảo đủ cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Những vùng không có điều kiện canh tác, ngành sẽ kết hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển sang trồng màu, lúa hay cây ăn trái mang tính bền vững hơn.

Một thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, cây mía không giữ được “vị ngọt” với nông dân, thêm vào đó là việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến cây trồng khác lấn dần diện tích mía là chuyện tất yếu. Để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, ổn định diện tích thì rất cần có những chính sách hỗ trợ từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhất là sớm khắc phục trong khâu tiêu thụ, tránh tình trạng người trồng mía tự bơi trong cơ chế thị trường như hiện nay...


Trồng Nấm Rơm - Nghề Làm Giàu Ở Nông Thôn Ở Lào Cai Trồng Nấm Rơm - Nghề Làm Giàu Ở… Giống Gà Ta Chưa Đáp Ứng Nhu Cầu Chăn Nuôi Trong Tỉnh Ở Bà Rịa - Vũng Tàu Giống Gà Ta Chưa Đáp Ứng Nhu Cầu…