Nông Dân Đắk Glong Mạnh Dạn Ứng Dụng Khoa Học, Kỹ Thuật Vào Sản Xuất
Cùng với việc chịu khó tìm tòi, nghiên cứu cách làm hay, hiệu quả, nông dân huyện Đắk Glong còn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và đã mang lại kết quả cao.
Năm 2011, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, Ban quản lý Dự án Oxfam, Dự án 3EM… tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.
Qua các lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cà phê. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là để biết được đất trồng có phù hợp với cây cà phê hay không thì cần phải mang đi xét nghiệm. Sau một thời gian, bà con được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả xét nghiệm đất như bổ sung phân chuồng, vi lượng... và phương pháp bón phân cũng rất khác so với làm thông thường.
Chị Lê Thị Hợi ở thôn 4, xã Đắk R’măng cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ, đất thì làm sao phải xét nghiệm. Sau mới biết, việc xét nghiệm là để biết trong đất nhà mình có chất gì mà bón cho phù hợp”.
Còn gia đình anh K’Phim ở bon Păng So, xã Đắk Som cũng nhờ đưa đất đi xét nghiệm, không chỉ giúp anh giảm được chi phí mua phân so với trước mà vườn cà phê của gia đình cũng xanh tốt hơn, năng suất cao gấp 3-10 làm. Từ kết quả này, hiện nay, toàn huyện đã có trên 200 hộ mạnh dạn đưa mẫu đi xét nghiệm đất.
Tương tự, gia đình anh K’Bôn ở thôn 4, xã Đắk Som từ khi được huyện mời tham gia các lớp tập huấn cũng như cộng tác với Dự án Oxfam…, anh đã chủ động trong việc chăm sóc hơn 3 ha cà phê, kết hợp với nuôi thêm heo, gà nên hiệu quả nâng cao rõ rệt.
Anh K’Bôn cho biết: “Nhờ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cà phê của gia đình tăng lên đáng kể".
Theo ông Nguyễn Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì hàng năm, đơn vị thường có kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân, như kỹ thuật sản xuất lúa, ngô theo chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, ứng dụng quy trình sản xuất cà phê theo quy chuẩn, đưa cây dược liệu, giống mới vào sản xuất, chăn nuôi bò, heo, thủy sản...
Bên cạnh đó, nhiều hộ còn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới thông qua báo, đài hoặc học tập kinh nghiệm thực tế, nhằm cải thiện năng suất và sản lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhiều nông dân đã mạnh dạn nuôi trồng thử nghiệm, phát triển mô hình sản xuất mới, phá vỡ thế độc canh của các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất.
Từ kết quả này cho thấy, việc nâng cao kiến thức cho nông dân là rất quan trọng. Song để khoa học kỹ thuật thực sự trở thành người bạn của nhà nông thì cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật, ưu tiên các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật kết hợp mô hình thực tiễn... cần phải được quan tâm hơn nữa.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nong-dan-dak-glong-manh-dan-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-36058.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ