Mô hình kinh tế Nông Dân Lao Đao Vì Tôm Rớt Giá

Nông Dân Lao Đao Vì Tôm Rớt Giá

Ngày đăng 29/04/2014

Nông Dân Lao Đao Vì Tôm Rớt Giá

Nếu như năm 2013, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phú Tân (Cà Mau) phấn khởi bấy nhiêu thì hiện nay lại lo lắng bấy nhiêu. Giá cả sụt giảm là một tác động mạnh vào tư tưởng của người nông dân.

Hiện tại, toàn huyện có trên 1.850 ha đất nuôi tôm công nghiệp, tăng hơn 700 ha so thời điểm giữa năm 2013. Nếu như đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm sú chiếm hơn 90%, thẻ chân trắng chỉ khoảng 10% thì hiện nay, tỷ lệ này hoán đổi vị trí cho nhau. Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm mạnh đã trở thành vấn đề nóng bỏng đối với nhiều người.

Giá thấp, người dân gặp khó

Ông Nghiêm Việt Kháng, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân vừa thu hoạch vội đầm tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 1.300 m2, sản lượng gần 1,5 tấn. Tôm có trọng lượng hơn 60 con/kg. Với giá hiện tại, ông có thu nhập chỉ hơn 150 triệu đồng.

Trừ các khoản chi phí, ông Kháng còn lời khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, ông Kháng bị mất đi khoảng 60 triệu đồng so với giá trước đây. Ông Kháng cho biết, tôm chưa đến lúc phải thu hoạch và cũng không có hiện tượng gì nhưng chỉ sợ rớt giá nữa nên thu hoạch sớm.

Rõ ràng tâm trạng chung của nhiều người nuôi tôm công nghiệp hiện nay là lo lắng giá không ổn định nên thu hoạch sớm, thậm chí tôm chưa đến lứa thu hoạch. Từ đó, tư thương có cơ hội ép giá làm cho giá thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngoài ra, ai cũng ùn ùn thu hoạch, làm cho sản lượng tôm nguyên liệu bị thừa, xuất khẩu chưa được, tồn kho, nhiều doanh nghiệp cũng phải hạ giá.

Với trường hợp trên, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha, nhưng chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, nếu năng suất thấp hơn thì chắc người nuôi sẽ hoà hoặc lỗ.

Tôm rớt giá, bà con phải đứng trước hàng loạt vấn đề khó khăn. Bởi hiện nay, nhiều hộ không được áp giá điện, không được vay vốn ngân hàng… nên chi phí cao hơn nhiều so với người nuôi đã được áp giá.

Cùng với các biện pháp mang tầm vĩ mô để giải quyết vấn đề giá cả, thì hiện nay, yếu tố quan trọng là làm thế nào để giảm chi phí đầu vào nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực tế hiện nay, nếu bà con thu hoạch được 100 triệu đồng thì chi phí sản xuất đã lên đến hơn 80 triệu đồng. Nếu có quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, thì rõ ràng chi phí về điện, thức ăn… sẽ giảm đáng kể. Để đáp ứng yêu cầu này, công tác quy hoạch phải được thực hiện đồng bộ, điều đó đòi hỏi trước hết là tầm nhìn của các cấp và chính quyền địa phương.

Đầu năm 2014, huyện Phú Tân tiến hành điều tra lại và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên cơ sở dựa vào tình hình phát triển thực tế của loại hình nuôi tôm công nghiệp. Cơ bản hiện nay, phần lớn diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đã được nằm trong quy hoạch.

Tuy nhiên, để bảo đảm về hệ thống thuỷ lợi và điện phục vụ sản xuất, đòi hỏi phải đầu tư số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng và trong một thời gian ngắn rõ ràng không thể thực hiện được. Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có khoảng 3.000 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 300 hộ có được hệ thống điện ba pha phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, một số bà con tuy trong vùng quy hoạch nhưng chẳng khác gì bên ngoài.

Thiếu đồng bộ về hạ tầng cũng như những bất cập trong quản lý con giống, thức ăn là yếu tố làm cho nuôi tôm dễ thất bại. Do đó, để bảo đảm cho nhu cầu sản xuất của người dân trong thời gian tới, huyện Phú Tân đang tranh thủ các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ đầu tư từng bước về hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý vật tư đầu vào để bảo đảm cho sản xuất hiệu quả và giảm chi phí.

Chọn con đường bền vững

Trong khi mọi người ùn ùn nuôi tôm thẻ chân trắng thì ông Tô Văn Chuộng, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận vẫn chọn nuôi tôm sú. Bởi theo ông, nuôi tôm sú yếu tố bền vững cao hơn. Thực tế cho thấy, hiện nay mô hình nuôi tôm sú ít bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy giá cả như tôm thẻ chân trắng.

Không những vậy, ông Tô Văn Chuộng còn rất thận trọng để xây dựng cho mình mô hình sản xuất bền vững. Trong khi nhiều người vì lợi nhuận từ tôm thẻ chân trắng mà không ngần ngại cho cơ giới vào xây dựng ao đầm hết phần đất của mình, thì ông Chuộng chỉ xây dựng 1 đầm để nuôi công nghiệp.

Diện tích còn lại dành nuôi tôm quảng canh. Theo ông, làm như vậy sẽ có sự hỗ trợ nhau giữa cái mũi nhọn và cái đại trà. Nếu nuôi thành công đầm tôm công nghiệp thì phần đó để tích luỹ, còn nếu bị gãy thì tôm truyền thống vẫn còn để có thu nhập trang trải gia đình.

Tương tự ông Chuộng, ông Lương Tấn Đạt, ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, cũng chọn cho mình mô hình bền vững. Với kinh nghiệm 13 năm sản xuất lúa - tôm, trên diện tích đất hơn 10.000 m2 của gia đình, ông Đạt dành gần 3.000 m2 làm đầm nuôi tôm công nghiệp, diện tích còn lại nuôi tôm quảng canh kết hợp trồng lúa. Năm qua, ông Đạt thu lời từ tôm công nghiệp hơn 100 triệu đồng, tôm quảng canh khoảng 100 triệu đồng, lại còn có lúa để dự trữ với gần 100 giạ.

Như vậy, rõ ràng yếu tố bền vững không chỉ ở quy hoạch tổng thể, mang tầm bao quát mà cái chính là nằm ngay ở cách thức tổ chức sản xuất ở từng hộ gia đình. Kết hợp đồng bộ giữa nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm truyền thống và sản xuất lúa chính là yếu tố bền vững mà với diện tích khoảng 1 ha trở lên có thể thực hiện được.


San Phẳng Mặt Ruộng Bằng Tia Laser, Nâng Hiệu Quả Sản Xuất Nông Nghiệp San Phẳng Mặt Ruộng Bằng Tia Laser, Nâng… Hồi Hộp Sò Huyết Hồi Hộp Sò Huyết