Mô hình kinh tế Nông dân Mỹ Hòa đầu tư trồng tiêu

Nông dân Mỹ Hòa đầu tư trồng tiêu

Ngày đăng 17/11/2015

Nông dân Mỹ Hòa đầu tư trồng tiêu

Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa, đưa chúng tôi về xóm 6, thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa để “mục sở thị” vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Phinh.

Ông Lộc cho biết: Đây là hộ trồng tiêu đầu tiên của xã, với hơn 300 trụ tiêu trên diện tích 600 m2, vừa thu hoạch xong mùa thứ 3.

Ông Phinh chia sẻ: “Buổi đầu mới trồng tiêu rất vất vả do thiếu kinh nghiệm, cây chết nhiều.

Sau này tui mới hiểu cây tiêu chỉ chịu phân chuồng hoai mục; và đặc biệt, mùa nắng cần giữ độ ẩm thường xuyên, còn mùa mưa thoát nước cho tốt là được.

2 năm trước mỗi năm tui thu 40 - 50 triệu đồng; năm nay tiêu có giá 220 ngàn đồng/kg, tui thu về hơn 66 triệu đồng rồi.

Cây tiêu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng khoai, trồng mì trước đây”.

Với hiệu quả tích cực mang lại từ cây tiêu, chúng tôi hiểu lý do gia đình ông Phinh thu hẹp diện tích ruộng lúa, hoa màu, đầu tư trồng thêm 100 gốc tiêu bằng trụ xi măng trên đất thổ cư của mình.

Còn ông Võ Văn Tỳ, ở thôn Hội Khánh, trồng hơn 100 dây tiêu cho leo trên gốc điều, bộc bạch: “Tui trồng thử mà ăn thiệt, cho dây tiêu leo lên gốc điều, nó xài phân, xài nước từ việc tui chăm sóc cây điều, vậy mà coi bộ chịu dữ, mới 2 năm đã cho trái bói, đến năm thứ 3 thì mỗi cây đã cho hơn 1 kg.

Hiện tui đang có dự định phủ hết 500 dây tiêu trên khắp vườn điều này”.

Cách nhà ông Tỳ không xa, chúng tôi nghe tiếng ồn ào như ở một công trường lớn.

Nào xe ủi san mặt bằng, nào thợ xây bể nước, đổ đúc trụ, người đào hố… chuẩn bị xuống giống khi mấy ngày qua mưa đã đủ độ ẩm trong đất.

Anh Lê Đình Phong, ở thôn Hội Khánh, chủ công trình này, kể: “Trước đây tôi làm tại doanh nghiệp khai thác đá, lương phạn cũng đỡ nhưng nhọc nhằn quá nên quyết định về đây cùng với gia đình đầu tư vốn, chặt phá mấy héc ta điều già cỗi, thuê máy móc cải tạo đất, đúc trụ, mua giống về trồng 1.000 gốc tiêu”.

Sau khi giới thiệu công trình của mình, anh quả quyết: “Đầu tư mấy trăm triệu, lớn đấy, nhưng không sao, cây tiêu chịu đất này lắm, bà con đã làm được mấy năm rồi, mình đi sau có nhiều thuận lợi hơn mà…”.

Ông Nguyễn Lộc cho biết: Hiện toàn xã có hơn 50 hộ đã tham gia trồng tiêu với diện tích hàng chục héc ta, trên chân đất thổ cư, đất sỏi gò đồi cao, nhất là ở những vườn điều già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp… Nhìn chung, cây tiêu thích nghi với thổ nhưỡng ở đây nên tỉ lệ sống cao, hầu hết vườn tiêu sinh trưởng phát triển tốt, cho nhiều tín hiệu vui.

Cũng theo ông Lộc, không chỉ động viên, khích lệ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, chính quyền địa phương xã Mỹ Hòa còn tạo điều kiện cho nông dân trồng tiêu tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các vườn tiêu đạt hiệu quả cao trong tỉnh.

Đặc biệt, UBND xã đã quyết định trích ngân sách 150 triệu đồng để hỗ trợ 15 mô hình trồng tiêu có số lượng 100 trụ trở lên, được trồng đúng quy trình, mỗi mô hình 10 triệu đồng…, nên đã góp phần thúc đẩy nông dân Mỹ Hòa mạnh dạn trồng mới và tích cực đầu tư thâm canh trên vườn tiêu của mình.


Tây An đã về đích Tây An đã về đích Xây dựng nông thôn mới hiệu quả phong trào xã hội hóa Xây dựng nông thôn mới hiệu quả phong…