Tin nông nghiệp Nông dân Nghệ An làm mái che chống nóng cho tôm

Nông dân Nghệ An làm mái che chống nóng cho tôm

Tác giả Việt Hùng, ngày đăng 09/06/2016

Nông dân Nghệ An làm mái che chống nóng cho tôm

Tại vùng nuôi tôm xã Quỳnh Thanh, những ngày nắng nóng, các hộ nuôi tôm tích cực ra ao kiểm tra sức khỏe của tôm để có biện pháp chống nóng kịp thời.

Anh Hồ Xuân Diệu ở xóm 12, xã Quỳnh Thanh có gần 1ha diện tích nuôi tôm cho biết: Nuôi tôm vào mùa nắng nóng cần phải chống nóng và cấp nước đầy đủ vào trong ao để tôm sinh trưởng. Cần duy trì mực nước trong ao nuôi ≥ 1,4m.

Tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc trong khi mưa lớn giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Ngoài ra, anh Diệu còn khử trùng ao nuôi bằng bằng viên sủi VICATO để tăng sức đề kháng cho tôm.


Hầu hết các hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đều tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước.

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi nên hiện nay tôm nuôi trong ao của gia đình đang sinh tốt tốt. Tôm nuôi được 40 ngày đạt trọng lượng 90 con/kg; dự kiến gần 1 tháng nữa thì gia đình anh sẽ thu hoạch.

Thời tiết nắng nóng và có thể kèm theo những cơn mưa trái mùa sẽ làm sự biến đổi các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột, tăng nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản tại các vùng nuôi trong huyện. Bệnh vi khuẩn trên tôm nuôi phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

Trước tình hình đó, một số hộ nuôi tôm đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống màng che để chống nóng, hạn chế rủi ro cho tôm.


Hệ thống nuôi tôm có màng lưới che của gia đình ông Vũ Văn Đức ở xã Quỳnh Lương. Ông cho biết, nhờ nuôi tôm có mái che nên tôm phát triển khỏe mạnh, cho sản lượng cao.

Ông Vũ Văn Đức, chủ hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Lương cho biết: Gia đình có 7ha diện tích ao tôm, trong đó có 2ha tôm đang nuôi. Để chống nóng cho tôm, năm 2013, gia đình ông đầu tư 400-500 triệu đồng để xây dựng hệ thống màng lưới che trong ao nuôi với diện tích 3000m2. Do đó, nhiệt độ trong ao có mái che luôn ở mức 30-31 độ C, đủ điều kiện để tôm phát triển.


Sử dụng lưới che sẽ giảm tác động trực tiếp từ nhiệt độ cao ngoài trời, điều hòa nhiệt độ nước phù hợp từ 30 - 31 độ C.

“Người nuôi tôm cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe tôm nuôi.” Ông Đức chia sẻ thêm.

Huyện Quỳnh Lưu có 9/33 xã có nghề nuôi tôm, với diện tích 460ha ao đầm. Nhiều nhất là các xã: Quỳnh Bảng gần 200ha, Quỳnh Thanh gần 80 ha, Quỳnh Lương 60ha… Nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại trên tôm nuôi trong mùa nắng nóng, ngay từ đầu vụ, huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi tôm khuyến cáo tới người dân trong việc phòng, trừ và bảo vệ tôm mùa nắng nóng.


Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu đã thí điểm thả 3.400 con tôm giống thẻ chân trắng trong ao nuôi có lưới che ở khu vực Hói Nồi, xã Quỳnh Đôi.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu khuyến cáo: Vụ nuôi thả tôm chính ở địa phương từ tháng 4 - 8 hàng năm, nhiệt độ thích hợp cho tôm phát triển là từ 25 – 30 độ C. Tuy nhiên, những tháng hè nhiệt độ ngoài trời ở địa phương luôn cao từ 38 – 40 độ C nên sẽ gây ra một số dịch bệnh ở tôm.

Các hộ đang nuôi tôm cần cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát cho tôm, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin.., cần đầu tư hệ thống màng che để giảm tác động trực tiếp từ nhiệt độ cao ngoài trời, điều hòa nhiệt độ nước phù hợp, hạn chế việc phân tầng nhiệt độ trong hồ nuôi, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo; đồng thời tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước.


Bón phân cho cây cà phê sau khô hạn Bón phân cho cây cà phê sau khô… Trong tháng 5, xuất khẩu gạo tụt dốc cả lượng lẫn giá Trong tháng 5, xuất khẩu gạo tụt dốc…