Mô hình kinh tế Nông dân vùng Đông Bắc Gia Lai liên tiếp đón mưa vàng

Nông dân vùng Đông Bắc Gia Lai liên tiếp đón mưa vàng

Ngày đăng 06/05/2015

Nông dân vùng Đông Bắc Gia Lai liên tiếp đón mưa vàng

Một phần TP. Pleiku cũng như các huyện: Chư Pah, Đak Đoa, Ia Grai… đã rơi vào tình trạng khô hạn suốt nhiều tháng trời. Đây đều là những vùng trọng điểm canh tác cây cà phê. Khi cây cà phê ra hoa, kết trái cũng là lúc cần một lượng nước lớn để đảm bảo cho một vụ mùa bội thu.

Thế nhưng, hạn hán kéo dài, mực nước tại các hồ, suối đều xuống thấp khiến người nông dân lo lắng bởi quá trình kết trái bị ảnh hưởng lớn. Ở nhiều nơi, người nông dân phải tưới tranh thủ dẫn đến việc vườn cà phê phát triển không đồng đều và tốn khá nhiều thời gian, kinh phí.

Đa số nông dân chọn cách “chữa cháy” là cảo giếng sâu thêm để có đủ nước hoặc đào giếng mới. Tuy nhiên, khi các mạch nước ngầm cũng rơi vào tình trạng khô kiệt thì đây cũng không phải là phương án triệt để. Ông Phạm Văn Mạnh (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Ở vùng này nhà nào cũng phải cảo giếng để tưới cà nhưng đào sâu thêm mấy mét cũng không ăn thua, chỉ tưới được vài trăm cây cà rồi lại trơ đáy.

Mà cảo giếng thì đâu có rẻ, giá 1,2 triệu đồng/mét đấy chứ. Đào giếng khoan mất khoảng 15 - 20 triệu đồng/giếng 100 mét thì chắc ăn hơn nhưng nếu khoan phải đá thì cũng vất vả lắm”. “Vắt chân lên cổ” để tìm nguồn nước vẫn không đạt hiệu quả, người dân đành phải trông chờ vào ông trời với những cơn mưa đầu mùa. Trước thời điểm nghỉ lễ vừa qua đã xuất hiện 1 - 2 cơn mưa rải rác ở vài nơi nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tình trạng khô cằn kéo dài.

Bởi vậy, dù đã đón nhận những cơn mưa giải hạn nhưng người nông dân vẫn như ngồi trên đống lửa khi nắng nóng gay gắt trong thời gian qua. Nỗi lo ấy chỉ được giải tỏa khi trong 3 ngày lễ đã có hai cơn mưa lớn đổ xuống vùng Đông Bắc Gia Lai. Từ khoảng 15 giờ ngày 29-4, mưa rào đã đổ xuống đồng loạt khiến người dân khấp khởi mừng vui.

Niềm vui ấy càng được tăng lên khi từ khoảng 17 giờ ngày 1-5, cơn mưa nặng hạt lại tiếp tục đổ xuống khiến các vườn cây được tưới mát. Tùy từng vùng khác nhau, cơn mưa kéo dài từ 45 phút đến hơn 1 giờ đồng hồ, thậm chí nhiều nơi đã xuất hiện mưa đá. Và với lượng mưa lớn, đất đã thấm đẫm nước thì người nông dân đã có thể yên tâm khi mùa mưa đã đến gần.

Ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai-nơi được coi là thủ phủ cà phê, những ngày này người dân đang nô nức đi phun thuốc trừ rệp khi cơn mưa rào đã rũ bỏ những bông hoa khô để lộ ra quả non mới nhú. Ông Đỗ Văn Thoại-thôn Tân Lập, xã Ia Sao phấn khởi: “Nhà tôi có hơn 1,5 ha cà đang chờ nước tưới cả tháng nay.

May mà có cơn mưa rào chứ không thì lại phải kéo ống tưới rồi. Mọi năm tưới 3 đợt là xong, năm nay nhiều nhà tưới đến đợt thứ 4 rồi đấy. Thế này thì khỏi lo quả cà non bị héo nữa”. Cùng chung niềm vui với người nông dân ở xã Ia Sao, ông Nguyễn Văn Hải, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah cho biết: “Nhà tôi đang tưới dở vườn cà thì trời đổ mưa nên lại thu ống về.

Mỗi ha cà tưới mất khoảng 2 - 3 triệu đồng, giờ mưa xuống thấm đất thế này thì giảm được biết bao nhiêu. Mong là sắp tới trời mưa thường xuyên hơn chứ cứ nắng như mấy tháng gần đây thì người dân lại khổ”.

Hy vọng, những cơn “mưa vàng” vừa qua sẽ là tín hiệu vui cho một mùa màng đầy bội thu với người nông dân.


Mô hình sản xuất bắp lai đạt năng suất cao Mô hình sản xuất bắp lai đạt năng… Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè có lãi cao Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè…