Mô hình kinh tế Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả

Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả

Ngày đăng 27/10/2015

Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả

Mô hình nuôi vỗ béo bò được Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh triển khai từ nhiều năm nay và đã được nhân rộng ra 6/7 xã, thị trấn trên địa bàn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Bà con không nuôi với hình thức chăn thả truyền thống mà nuôi trong rông, áp dụng khoa học kỹ thuật vỗ béo bò theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.

Thức ăn chủ yếu là rau, cỏ; ít tinh bột, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích, tiêu thụ thuận lợi.

Trong thời gian vỗ béo 3 tháng, trung bình mỗi con bò tăng trọng được hơn 90 kg thịt hơi, lợi nhuận hơn 2,5 triệu/con, số tiền này có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân miền núi, nhất là hộ nghèo.

Anh Phạm Minh Tuấn, ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển, là trụ cột trong gia đình nhưng lại bị đau cột sống, sức lao động hạn chế; nhờ nuôi vỗ béo bò, công việc vừa sức, cho thu nhập cao mà gia đình anh đã có cuộc sống ổn định và có tích lũy.

Chị Nguyễn Thị Trí, ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, cũng nhờ nuôi vỗ béo bò mà đã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.

Chị chia sẻ: “Bò dễ nuôi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, dây đậu phụng, trồng thêm cỏ voi, ủ rơm… để làm thức ăn cho bò; cũng không cần chuồng trại quy củ như nuôi heo, nuôi gà; giá cả lại ổn định nên thích hợp với hộ nghèo”.

Nhờ chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa và nuôi vỗ béo bò mà nhiều gia đình ở 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển không những đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Từ những con bò gầy yếu được mua về với giá thấp, sau khi vỗ béo từ 3 - 4 tháng, đã mang lại thu nhập lớn cho người dân nơi đây.

Ông Mai Văn Đạt, cán bộ khuyến nông xã Canh Hiển, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ thực hiện rất thành công mô hình vỗ béo bò, thu nhập vài chục triệu đồng/hộ/năm.

Ở thôn Hiển Đông, nhà nhà nuôi vỗ béo bò thịt trước khi xuất bán.

Hiện tổng đàn bò của 2 xã khoảng hơn 6.300 con, trong đó bò lai chiếm hơn 55%, là điều kiện thuận lợi để các hộ thực hiện vỗ béo bò hiệu quả.

Phong trào chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa và nuôi vỗ béo bò thịt đã bắt đầu phát triển ở một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Đinh Văn Hà, ở làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận, cho biết nhờ trồng cỏ nuôi bò mà gia đình anh và một số hộ trong làng đã thoát nghèo.

Phát triển chăn nuôi bò hàng hóa nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò thịt nói riêng đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của huyện miền núi Vân Canh.

Phong trào nuôi vỗ béo bò đã góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, huyện Vân Canh sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, trong đó chú trọng các giải pháp chuyển giao tiến bộ KHKT trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc; vận động người dân đẩy mạnh và mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò, với mục tiêu ổn định đàn bò 15.500 con, trong đó có 65% là bò lai.


Xây dựng 60 cánh đồng có sự liên kết 4 nhà trong vụ Đông Xuân 2015-2016 Xây dựng 60 cánh đồng có sự liên… 5 năm, huy động hơn 3.600 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới 5 năm, huy động hơn 3.600 tỉ đồng…