Mô hình kinh tế Nuôi Cá Chẽm Tại Hà Tiên Một Nghề Tiềm Năng

Nuôi Cá Chẽm Tại Hà Tiên Một Nghề Tiềm Năng

Ngày đăng 06/02/2015

Nuôi Cá Chẽm Tại Hà Tiên Một Nghề Tiềm Năng

Do có nhiều lợi thế về tài nguyên diện tích mặt nước, nguồn cá tạp làm thức ăn dồi dào... Nghề nuôi cá chẽm tại Hà Tiên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, chất lượng con giống đầu vào và sự hạn chế về thị trường tiêu thụ đang là những trở ngại chính.

Không chỉ có thế mạnh về du lịch, Hà Tiên còn được biết đến như là vùng đất giàu tiềm năng cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS) với diện tích mặt nước lên đến 2.000 ha.

Bên cạnh con tôm, cá chẽm được xem là đối tượng nuôi đầy tiềm năng và có nhiều điều kiện để phát triển.

Cá chẽm dễ nuôi

Hà Tiên về đêm sáng rực không chỉ bởi ánh đèn của một thành phố du lịch trẻ năng động mà còn nhộn nhịp hơn từ hoạt động NTTS đang phát triển mạnh tại đây. Ánh đèn từ hàng ngàn hécta nuôi tôm công nghiệp càng làm cho thành phố thêm lung linh, đẹp mắt. Mặc dù, con tôm là đối tượng nuôi ưu ở đây, nhưng với những ưu thế về tốc độ tăng trưởng, dễ nuôi và hầu như không bị bệnh trong quá trình nuôi nên con cá chẽm cũng là đối tượng được nhiều hộ dân chú ý phát triển.

“Gần đây phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển rầm rộ, nhiều hộ xung quanh đào ao lập trang trại nuôi tôm nhưng tôi vẫn kiên quyết duy trì đối tượng truyền thống gắn bó hơn 10 năm nay. Nuôi cá chẽm thì mỗi sáng có thể uống cà phê nhịp chân, tối có thể ngủ thẳng cẳng, nhưng nuôi tôm thì không được vậy đâu” - ông Huỳnh Văn Cải, một hộ nuôi cá chẽm lâu năm tại Hà Tiên mộc mạc cho biết.

Theo ông Cải, cá chẽm rất dễ nuôi và hầu như không phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh việc đảm bảo khâu chuẩn bị ao, xử lý nước, quản lý, chăm sóc… thì đảm bảo sức khỏe con giống trong quá trình vận chuyển là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả nuôi. Theo ông Cải:“Điều quan trọng là phải đảm bảo tỷ lệ sống khi thả nuôi. Nếu tỷ lệ này đạt từ 80%, 90% trở lên thì xem như thành công cho cả vụ nuôi. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ sống như trên, điều đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo sức khỏe con giống trong quá trình vận chuyển, bằng cách hạ nhiệt độ, cung cấp đầy đủ oxy và nhẹ nhàng tránh để cho cá bị sóc, xây xước….”

Cũng theo kinh nghiệm của ông Cải, cá giống có kích thước nhỏ, sức khỏe yếu, khả năng thích nghi với môi trường kém vì thế sau khi vận chuyện về đến ao nuôi, người nuôi không nên vội vàng thả ngay xuống ao mà phải tập dần cho cá quen với môi trường, phải làm mát và cung cấp đầy đủ oxy cho ao nuôi bằng cách chạy quạt trước khi thả giống. Đặc biệt, thay vì thả cá giống tràn lan ra cả ao, người nuôi nên giữ cá trong một diện tích nhỏ (vèo nhỏ) trong khoảng 20 ngày đầu tiên, dưỡng cho cá thật khỏe, thích nghi với môi trường và cá ăn khỏe rồi mới cho bung ra cả ao.

Bên cạnh yếu tố chất lượng con giống đầu vào, để nuôi cá chẽm thành công, người nuôi cần chú ý theo dõi sự tăng trưởng của cá trong suốt quá trình nuôi, cung cấp đầy đủ thức ăn, tránh để cá bị đói sẽ xảy ra hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Đặc biệt, sau thời gian nuôi 4 tháng - thời điểm cá tăng trưởng rất mạnh, người nuôi phải theo dõi để chạy quạt nước vào ban đêm vì thời điểm này thường xảy ra hiện tượng thiếu oxy, đồng thời kết hợp thay nước ao nuôi hoặc xiphon nền đáy định kỳ từ 1 tuần đến 10 ngày/lần.

Nghề nuôi cần sự hỗ trợ

Tài nguyên mặt nước dồi dào, nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng từ ngư trường Kiên Giang sẽ cung cấp nguồn thức ăn cá phân, cá tạp đầy đủ, kịp thời với giá cả hợp lý cho hoạt động nuôi cá chẽm tại Hà Tiên. Tuy nhiên, nghề nuôi tại đây cũng gặp không ít trở ngại.

Ông Cải cho biết, con giống là yếu tố quan trọng nhất để quyết định sự thành công của nghề nuôi. Tuy nhiên, hiện vấn đề này đang làm đau đầu người nuôi. “Hiện tại, con giống sản xuất tại Việt Namcũng có nhưng chất lượng rất kém. Tôi đã từng bắt giống cá chẽm tại Nha Trang nhưng tỷ lệ hao hụt rất lớn, khi nuôi bị hao hụt tiếp và lại bị dị tật. Nói thực là con giống của chúng ta không có chất lượng gì cả. Hiện tại tôi vẫn nhập con giống từ Thái Lan thông qua một người bạn. Mặc dù, do vận chuyển đường xa nên giá bị đẩy tăng cao, có khi lên đến 2.500 đồng/con (chiều dài 5 phân) nhưng con giống Thái Lan rất tốt, chất lượng, khi nuôi đạt tỷ lệ sống rất cao, thường trên 80, 90%”.

Thực trạng chất lượng con giống trong nước rất đáng quan ngại, cho thấy Nhà nước cần có sự quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý và phát triển hoạt động sản xuất giống thủy sản, đồng thời tăng cường phối hợp với các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu nhằm nâng cao và cải thiện chất lượng con giống một cách hiệu quả.

Trở lại với thực tế nuôi của người dân, được biết với diện tích 1ha mặt nước vụ nuôi năm nay tổng lượng cá thương phẩm ông Cải ước tính thu được hơn 8 tấn. Ông đã xuất bán 5 tấn sang thị trường Campuchia và đã thu hồi được vốn đầu tư. Phần còn lại gần 3 tấn cá trong ao là phần lãi mà ông thu được. “Số cá còn lại, tôi quyết định giữ lại nuôi lớn đến Tết sẽ xuất bán, khi đó cá lớn hơn, thị trường hút hàng, giá lên, chắc chắn gia đình tôi sẽ có một cái Tết sung túc” - ông Cải phấn khởi cho biết. Tuy nhiên không phải hộ nuôi nào cũng may mắn có được thị trường đầu ra tương đối ổn định như thế.

Để có thể hòa vốn thì giá bán tối thiểu cá chẽm thương phẩm phải đạt 80.000 đồng/kg, thế nhưng thị trường đầu ra lại rất hạn chế và bị thương lái ép giá. “Hiện tại, thương lái trong tỉnh, viện lý do vận chuyển xa nên mua với giá rất thấp, chỉ 70.000 – 75.000 đồng/kg, với giá này thì lỗ nặng. Tuy nhiên, tôi vẫn trụ lại được là do có nguồn tiêu thụ ổn định. Dù phải vận chuyển khá xa, bị hao hụt nhưng cá thương phẩm bán trên thị trường Nam Vang khá cao nên lãi khá. Hàng năm, cá nuôi của tôi vẫn được tiêu thụ tại thị trường này”, ông Cải cho biết.

Ngoài ra, nuôi cá chẽm cũng là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Bên cạnh việc giải quyết những bất cập về con giống và thị trường tiêu thụ thì sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng là rất cần thiết để nghề nuôi cá chãm có thể phát triển ổn định và bền vững, tạo ra nghề nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.


Phú Yên Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Huy Động Nhiều Nguồn Lực, Tập Trung Nâng Cao Giá Trị Sản Phẩm Phú Yên Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản… Khánh Hòa Phấn Đấu Khai Thác 89.000 Tấn Thủy Sản Khánh Hòa Phấn Đấu Khai Thác 89.000 Tấn…