Nuôi Cá Lăng Cho Thu Nhập Khá
Ông Nguyễn Văn Cường (50 tuổi) ở thôn 5, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk) là người rất đam mê nghề nuôi thuỷ sản. Trước đây, gia đình chỉ quen nuôi các loại cá thông thường, nhưng thời gian gần đây, ông mạnh dạn nuôi cá lăng đuôi đỏ là loại đặc sản của địa phương và đã cho thu nhập khá.
Trước đây, từ kinh nghiệm của mình, gia đình ông tập trung nuôi các loại thuỷ sản truyền thống như trắm cỏ, mè trắng, chép, trôi, pô phi. Nhờ đầu tư sản xuất hợp lý, hàng năm gia đình ông đã sản xuất được 3 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt với nguồn thu trên 100 triệu đồng.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh và tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, ông Cường nhận thấy cá Lăng ở sông Sê Rê Pốc đang là loại đặc sản có nhiều triển vọng phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao. Loại cá quý này đã được một số hộ dân nuôi và đã cho kết quả khả quan.
Từ đầu cuối năm 2008, ông Cường bắt đầu chuyển từ việc nuôi cá thông thường sang nuôi cá Lăng đặc sản. Ông đã đưa 5 ao với diện tích mặt nước trên 1 ha để nuôi cá Lăng. Về nguồn cá giống, hàng ngày ông mua các loại cá giống với nhiều loại kích cỡ khác nhau từ những người chuyên câu cá con và đánh bắt lưới trên sông Sê Rê Pốc. Sau khi phân loại theo kích cỡ, độ tuổi, ông đưa cá giống thả xuống 5 cái ao với mật độ khác nhau. Trong đó, cá giống kích cỡ nhỏ thì thả mật độ cao, cá có kích thước lớn thì thả mật độ ít hơn.
Để chủ động nguồn thức ăn cho cá Lăng, ông Cường đã dùng 3 ao chuyên nuôi các loại cá tạp như rô phi, rô đồng, cá trắng, cá diếc... Hàng tuần, ông dùng lưới đánh bắt cá tạp rồi thả xuống các ao hồ làm mồi sống cho cá Lăng. Bằng cách nuôi cá tạp, hàng năm ông Cường đã sản xuất được 3-4 tấn thức ăn làm mồi sống cho cá Lăng.
Cá Lăng từ môi trường tự nhiên của sông Sê Rê Pốc sau một thời gian ngắn nuôi dưỡng, đã làm quen với điều kiện nuôi ao đất. Nhờ chăm sóc đầy đủ và luôn cung cấp đủ thức ăn, cá Lăng nuôi tỉ lệ con giống nuôi sống đạt trên 90%, chóng lớn. Đối với cá Lăng giống 40-50 gam/con đưa vào ao thả nuôi 1 năm đạt trọng lượng từ 1,5 đến trên 2 kg; nuôi 2 năm đạt từ 4,5 đến 5 kg. Tại thị trường Đăk Lăk, giá bán cá lăng thương phẩm là 200-220.000 đồng/kg.
Với các ao nuôi có số lượng cá nhiều, hàng tuần, ông Cường đánh bắt 3 đợt, mỗi đợt từ 25-40 kg cá Lăng cung cấp cho khách quen là các nhà hàng khách sạn tại TP Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, ông còn bán cả con Lăng giống sau khi đã thuần dưỡng tại ao nhà một thời gian cho một số hộ dân. Theo ông Cường, nuôi cá Lăng không khó lắm, nhưng nhờ giá cao và dễ tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao gấp 6-7 lần so với nuôi cá thông thường.
Vừa qua, khi biết tin ông Cường nuôi cá Lăng thành công và thu được hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân tỉnh, Sở Khoa học-Công nghệ, cán bộ ngành thuỷ sản đã thường xuyên đến tìm hiểu kinh nghiêm để phổ biến và áp dụng sản xuất cho nông dân địa phương.
Thường ngày, nhiều nông dân ở các huyện Krông Pách, Ea Kar, Krông Ana, Buôn Đôn và TP Buôn Ma Thuột đã tìm đến ông Cường học tập trao đổi kinh nghiệm nuôi cá Lăng. Qua việc học thực tế từ mô hình nuôi cá Lăng ao nhà, một số hộ dân vùng lân cận, các huyện đã bắt đầu chuyển hướng từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá Lăng và đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ