Mô hình kinh tế Nuôi Cá Trắm Đen Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nhiều Triển Vọng

Nuôi Cá Trắm Đen Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nhiều Triển Vọng

Ngày đăng 31/12/2014

Nuôi Cá Trắm Đen Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nhiều Triển Vọng

Trong các loại cá nước ngọt, cá trắm đen được xếp là một trong những loại cá quý nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều địa phương đã chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp như một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.

Trước đây, cá trắm đen thường được nuôi ghép với một số loài cá truyền thống để sử dụng diện tích và nguồn thức ăn tự nhiên trong ao như ốc, rêu… Tuy nhiên, việc thực hiện nuôi thả cá trắm đen theo phương pháp truyền thống cá lớn chậm, dễ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước.

Năm 2008, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành nuôi thử nghiệm cá trắm đen theo hình thức công nghiệp, sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm thay đổi tập tính của loài cá trắm đen từ một loài ưa thích ăn ốc, thức ăn tự nhiên sang ăn thức ăn công nghiệp, để giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên. Khi mô hình này được áp dụng vào thực tế đã được nông dân ở nhiều địa phương đánh giá cao.

Tại Dak Lak, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm làm chính trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp tại huyện Buôn Đôn và Krông Pak, với quy mô 450 m2/mô hình, bằng phương pháp nuôi ghép (80% cá trắm đen, 15% cá chép V1, 5% cá mè). Hộ ông Nguyễn Văn Đá (buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak) cho biết, được Chi cục Thủy sản lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, gia đình được hỗ trợ 360 con giống, thức ăn công nghiệp, kỹ thuật nuôi thả cá trắm đen.

Sau gần 8 tháng, tỷ lệ sống của cá ước đạt 80%, trọng lượng cá trung bình đạt 1,2 kg/con, ước tính trừ chi phí gia đình thu lãi trên 15 triệu đồng. Còn hộ bà Trịnh Thị Thơ (thôn 3, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) cho biết, sau thời gian 8 tháng nuôi cho thấy cá lớn nhanh, trung bình đạt 1,5kg/con, chất lượng cá thương phẩm tốt.

Với giá bán hiện nay khoảng từ 140.000 - 180.000 đồng/kg thì lợi nhuận mà cá trắm đen mang lại là rất lớn và cao hơn các loại cá truyền thống khác từ 3 - 4 lần. Gia đình dự kiến sẽ để nuôi thêm một thời gian để cá đạt trọng lượng và chất lượng cao hơn mới bán ra ngoài thị trường với giá tốt hơn. Nhiều nông dân đến tham quan mô hình cũng đã đánh giá cao về hiệu quả kinh tế của loại cá này.

Theo anh Trần Công Bảy (thôn 3, xã Ea Wer, Buôn Đôn), gia đình anh hiện có 5 sào mặt nước nuôi các loại cá rô phi, trắm cỏ… nhưng đầu ra rất bấp bênh. Anh đã tìm hiểu và thấy loại cá trắm đen rất có tiềm năng về kinh tế vì giá trị cao mà nhu cầu cũng đang nhiều, nhất là các tỉnh phía Bắc. Thời gian tới, anh sẽ thử nuôi lồng ghép để tìm kiếm thị trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, Dak Lak có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản nội đồng, có sự đa dạng về loại hình có thể đưa vào nuôi trồng, khai thác như ao hồ nhỏ (hộ gia đình), ruộng trũng, sông suối và đặc biệt là trên các hồ đập (hồ thủy lợi, hồ thủy điện, đập dâng, hồ tự nhiên).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 42.000 ha diện tích mặt nước chuyên dùng và sông suối có khả năng nuôi trồng và khai thác thủy sản. Năm 2014, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản 9.522 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 16.500 tấn, gồm các đối tượng cá truyền thống, cá rô phi, thủy đặc sản và cá nước lạnh.

Những năm qua, Chi cục luôn khuyến cáo người dân chuyển đổi tỷ lệ cơ cấu đàn cá nuôi, chuyển dần sang các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, tận dụng diện tích mặt nước hồ chứa để phát triển nghề nuôi cá theo hướng công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Chính vì vậy, sự thành công của mô hình cá trắm đen sẽ mở ra hướng mới để nông dân lựa chọn chuyển đổi cơ cấu đàn cá nuôi bởi đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Dak Lak.

Bên cạnh đó, cá trắm đen trên thị trường Dak Lak rất ít, giá bán lại khá tốt, nhu cầu người mua rất nhiều, nhất là các nhà hàng, quán nhậu. Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, trên địa bàn huyện có khoảng 80 ha mặt nước ao, hồ nuôi các loại cá truyền thống quy mô nhỏ, giá trị kinh tế không cao.

Nuôi cá trắm đen bằng cám viên tổng hợp là mô hình phù hợp đối với phát triển thủy sản trên địa bàn, sau khi tham quan mô hình, rất nhiều hộ có ý định sẽ chuyển sang nuôi giống cá này. Do vậy, địa phương cần có sự hỗ trợ của Chi cục về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, cán bộ Chi cục Thủy sản, cá trắm đen là loại cá quý, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cá truyền thống khác nhưng nông dân không nên phát triển theo phong trào dẫn đến thị trường bão hòa, rớt giá.

Bên cạnh đó, để có được con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, người nuôi nên tìm đến các trại giống, các trung tâm có uy tín để mua được con giống tốt. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cũng như tư vấn về con giống cho cá nhân và địa phương có nhu cầu nuôi.


Bắc Ninh Cung Ứng 80.000 Con Cá Lưu Qua Đông Năm 2014 Bắc Ninh Cung Ứng 80.000 Con Cá Lưu… Ngư Dân Phấn Khởi Với Vốn Ưu Đãi Đóng Tàu Ngư Dân Phấn Khởi Với Vốn Ưu Đãi…