Nuôi cua Nuôi Cua Biển Trong Thùng Nhựa

Nuôi Cua Biển Trong Thùng Nhựa

Ngày đăng 27/02/2014

Nuôi Cua Biển Trong Thùng Nhựa

Tận dụng những cái thùng nâng giàn quạt nước trong vuông tôm công nghiệp, anh Nguyễn Văn Nguyên (ở Bến Tre) đã cải tiến thành thùng nuôi cua biển. Năm 2009, anh nuôi thử nghiệm 700 thùng cua biển, đạt hiệu quả rất khả quan, thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng.

Người nuôi tôm sú công nghiệp thường sử dụng thùng đựng oxy để làm trái nổi, nâng giàn quạt nước trong vuông tôm. Mỗi thùng rộng 4 tấc vuông, dài 6 tấc. Từ những cái thùng nhựa này, anh Nguyễn Văn Nguyên khoan thủng nhiều lỗ (để nước dễ ra vào trong thùng nhựa khi thả xuống ao), mỗi lỗ có đường kính 12 mm, mỗi lỗ cách nhau 5 cm. Phần đáy thùng thì khoan ít lỗ để hạn chế thức ăn rơi xuống đáy ao.

Trước khi nuôi trong thùng nhựa, cua biển con còn gọi là “cua nhướng” được anh Nguyên nuôi trong ao theo hình thức quảng canh. Khi cua được 1 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 35 g/con, chiều dài mai cua đạt khoảng 4 cm, anh Nguyên thu hoạch cho vào thùng nhựa để nuôi thành cua thương phẩm. Thời gian nuôi cua biển từ tháng 9 (âm lịch) đến hết tháng 1 (âm lịch) năm sau, đó là vụ nghịch (giá cao từ 100 đến 170 ngàn đồng/kg).

Trước khi nuôi phải chuẩn bị ao bằng cách tháo cạn nước, vét hết bùn. Bón vôi xuống đáy ao để khử phèn. Lượng vôi bón tùy độ pH trong đất. Phơi đáy ao từ 5 đến 7 ngày. Sau đó, cho nước vào ao ngâm thêm 3 - 5 ngày. Khoảng 10 ngày sau, tảo sẽ phát triển, cho nước vào thêm khoảng 30 cm. Để có nguồn thức ăn tự nhiên cho cua, nên bón phân urê và phân tổng hợp NPK liên tiếp khoảng 5 ngày.

Sau khi bón phân khoảng 7 ngày thì thả cua vào các thùng nhựa đã được kết thành bè để nuôi. Cứ 10 thùng kết thành 1 bè. Miệng thùng phải được nâng lên cách mặt nước khoảng 7 cm. Bè phải được cố định trên mặt nước, không được để bè trôi nổi lung tung.

Cua thả vào nuôi phải chọn những con có kích cỡ đồng đều. Chọn nhiều cua đực càng tốt, vì cua đực phát triển nhanh hơn cua cái. Chọn cua có phản xạ tốt, định hướng nhanh, vận động tốt, không có dấu hiệu lạ trên thân, cua nguyên vẹn, vỏ cứng, màu sắc tươi tự nhiên, không bị các sinh vật bám trên thân.

Trước khi thả cua vào thùng nhựa, phải kiểm tra độ mặn của ao nuôi, nếu độ mặn chênh lệnh quá 5‰ thì phải thuần dưỡng cua giống để phù hợp với môi trường nước trong ao. Miệng thùng nhựa phải cột chặt để cua không thoát ra ngoài. Để cua mau lớn, cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ thùng nhựa, bằng cách dùng bàn chải nhựa chà nhẹ mặt ngoài thùng, tránh làm cua sợ và đục nước trong ao nuôi cua.

Luôn thay nước (theo thủy triều), nhưng phải bảo đảm màu nước trong ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra độ mặn trong ao nuôi. Thức ăn cho cua có 2 loại (thức ăn tự nhiên là sinh vật phù du được tạo bằng cách bón phân gây màu nước và thức ăn chính được chế biến từ cám, bột, cá, tép, ruốc, trùn quế…).

Muốn cua biển “lên gạch” đều, trong thời gian nuôi thức ăn cho cua hàng ngày phải lớn hơn 20% trọng lượng của cua, mỗi ngày cho cua ăn 2 - 3 lần vào sáng sớm, chiều mát và lúc nửa đêm. Khi cua đạt trọng lượng từ 200 g/con trở lên thì thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Nguyên cho biết, nuôi cua biển trong thùng nhựa thành công rất nhiều so với nuôi thả tự nhiên trong ao. Nuôi cua biển trong thùng dễ quản lý, chăm sóc, thu hoạch, ít thất thoát trong quá trình nuôi. Năm ngoái anh Nguyên nuôi 700 con cua biển trong thùng nhựa, sau khi trừ chi phí lãi gần 50 triệu đồng.


Nuôi Cua, Chạch Trong Ruộng Lúa Nuôi Cua, Chạch Trong Ruộng Lúa Mô Hình Kỹ Thuật Nuôi Cua Đồng Mô Hình Kỹ Thuật Nuôi Cua Đồng