Nuôi Dê Hướng Phát Triển Kinh Tế Phù Hợp Với Địa Phương Miền Núi
Nghề nuôi dê ở tỉnh Bắc Kạn đã có từ lâu nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, phương thức chăn thả quảng canh với giống dê cỏ địa phương năng suất thấp, trong khi điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi dê với số lượng lớn hoàn toàn có thể. Mặc dù nhu cầu thị trường dê thương phẩm hiện nay rất cần nhưng đàn dê của tỉnh đang có chiều hướng giảm dần, năm 2010 Bắc Kạn có hơn 40 nghìn con thì đến năm 2013 chỉ còn gần 9 nghìn con.
Nguyên nhân dẫn đến đàn dê giảm là do các giống dê địa phương cho năng suất thấp, con đẻ ra dễ chết, thiếu thức ăn, bà con không biết áp dụng kỹ thuật để nghề chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến dê non đẻ ra thường chết, thoái hóa giống, tầm vóc bé, khối lượng nhỏ, lớn chậm, sản lượng thịt không cao là do giao phối cận huyết(con đực giao phối với các con là anh em trong cùng một đàn).
Trước thực trạng đó nhằm giúp người nông dân khôi phục được nghề nuôi dê góp phần tạo thu nhập xóa đói giảm nghèo các nhà khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và triển khai dự án “Nghiên cứu cải tạo giống dê tại Bắc Kạn”.
Phương pháp tiến hành đó là sẽ chọn lọc đàn dê địa phương tạo ra đàn cái nền có khả năng sinh sản cao, đồng thời nhập về một số giống dê đực từ địa phương khác và dê đực lai và có nguồn gốc nước ngoài cho phối với đàn dê địa phương, từ đó giảm cận huyết, cải tạo được tầm vóc, khối lượng đàn dê con sinh ra, mục tiêu tăng 10-20% năng suất so với giống dê địa phương. Dự án còn trồng thử nghiệm cây chè khổng lồ. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn dê-một vấn đề hết sức khó khăn cho người chăn nuôi dê nhất là vào mùa khô, giá rét.
Sau 3 năm triển khai dự án tại 4 xã gồm Nông Thượng, Huyền Tụng, Xuất Hóa (thị xã Bắc Kạn) và Hòa Mục (Chợ Mới), có thể đánh giá sơ bộ: dự án đã đem lại kết quả khá tốt. Dự án đã xây dựng được 8 mô hình nuôi dê địa phương thuần (mua dê đực từ nơi khác ) ,10 mô hình nuôi dê lai và 12 hộ gia đình nuôi dê địa phương truyền thống làm đối chứng.
Đến nay đàn dê mô hình đã đẻ được 320 dê con trong đó có 203 con dê lai và 117 dê địa phương. Con lai sinh ra to, trọng lượng cao hơn dê địa phương, sức chống chịu với điều kiện tự nhiên của dê lai tốt không kém dê địa phương nên hoàn toàn phù hợp có thể nhân rộng mô hình. Nếu như trọng lượng của dê địa phương lúc 9 tháng tuổi trung bình là 14,5kg thì dê địa phương làm tươi máu (lai với dê đực từ nơi khác) có trọng lượng là 16,16kg và dê lai 3 máu là 23,8kg.
Như vậy dê lai 3 máu có trọng lượng lớn hơn cả. Đối với mô hình triển khai ở 3 xã của thị xã Bắc Kạn trọng lượng dê còn cao hơn, dê địa phương truyền thống là 15kg, dê địa phương làm tươi máu là 17kg và dê lai 3 máu là 24,8kg.
Một trong những vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc dê sau đẻ đó là đa phần dê con bị chết do rơi vào chỗ đọng nước hay đống phân ướt, khi phát hiện thì dê đã bị ngạt thở chết. Người chăn nuôi cần ghep ổ đối với những dê cái đẻ sinh ba hoặc trực một vài ngày đầu cho dê con bú nhằm tăng tỷ lệ nuôi sống cũng như khả năng sinh trưởng sau này của dê con.
Dê chỉ có 2 vú nếu dê mẹ đẻ từ 3 con trở lên rất khó để tất cả dê con cùng được bú nên tỷ lệ chết đến cai sữa rất cao, bởi vậy người chăn nuôi cần có kế hoạch ghép ổ để những dê mẹ đẻ một con cùng thời điểm nuôi hộ trong một vài ngày sẽ quen.
Trên đàn dê thường xuất hiện các bệnh viêm phổi, ghẻ, viêm loét miệng, lứa tuổi mắc chủ yếu ở giai đoạn 1-3 tháng tuổi, nguyên nhân chính là do sàn chuồng không được thoáng mát, còn đọng phân. Vệ sinh chuồng trại không được thường xuyên, lưu cữu nhiều phân, không có biện pháp xử lý. Dê chết còn do ngộ độc ăn phải túi ni lông hoặc chăn thả dê chạy vào nương rẫy ăn cỏ trong khi nương rẫy vừa phun thuốc trừ sâu…
Gia đình ông Nguyễn Văn Lai, Bế Lãng Hải ở xã Nông Thượng và Hà Văn Tình ở xã Hòa Mục huyện Chợ Mới là những hộ tiêu biểu tham gia mô hình cải tạo đàn dê. Từ con đực của dự án và con cái của gia đình đến nay đàn dê của ông Lai đã nhân lên 40 con, khối lượng dê lai đạt từ 24-28kg lúc 6-7 tháng tuổi. Gia đình đã bán 25 con thu về trên 50 triệu đồng.
Theo ông cây chè khổng lồ lần đầu tiên được trồng rất phù hợp, vạt đồi chè lúc nào cũng xanh tốt, nhờ nó mà đàn dê thậm chí cả đàn trâu của gia đình ông lúc nào cũng đủ thức ăn xanh ngay cả những ngày mưa rét.
Ngoài ra gia đình còn được cung cấp giống cỏ Gine, dê rất thích ăn, gia đình sẽ nhân giống và giúp đỡ các hộ dân khác nếu có nhu cầu. Gia đình ông Tình ở Hòa Mục cho biết đàn dê lai của ông hiện nay có 30 con, dê lai to hơn dê địa phương mà trước đây ông đã từng nuôi từ 20-25%, khả năng theo đàn tìm kiếm thức ăn và sức chống bệnh của dê lai cũng không thua kém giống dê địa phương.
Ông Hải ở Nông Thượng đã bán được 27 con trong số 30 con dê được tạo ra từ giống đực (làm tươi máu) do dự án mua từ địa phương khác thu về 40 triệu đồng, đây là khoản thu nhập đáng kể cho gia đình. Gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi dê bởi thấy đây là một nghề khá phù hợp với khả năng của mình.
Nhu cầu thị trường cũng như giá dê thịt luôn tăng trong những năm gần đây, năm 2011 giá dê chỉ 80-85 nghìn đồng/kg thì đến nay đã lên tới 125-130 nghìn đồng/kg. Tiềm năng, lợi thế đất đai của tỉnh để phát triển nghề nuôi dê rất thuận lợi nhất là việc cải tạo đàn dê cũng như đưa vào trồng các loại cỏ chất lượng cao đã được thực hiện thành công, đây là hướng phát triển kinh tế cần được nhân rộng ở các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ