Mô hình kinh tế Nuôi Gà Ai Cập

Nuôi Gà Ai Cập

Ngày đăng 23/06/2013

Nuôi Gà Ai Cập

Anh Lã Tuấn Anh (26 tuổi) ở tiểu khu Hoa Ban, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) nuôi gà Ai Cập quy mô trang trại trên 2.000 con, trong đó 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thương phẩm.

Lã Tuấn Anh cho biết: “Đây là giống gà dễ nuôi, ăn tạp và khỏe nên chóng lớn. Hơn 2 tháng tuổi đã đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg/con, thịt thơm, ngon như thịt gà ta. Nhà mình tận dụng vườn chè để thả vì vậy gà tự đào bới kiếm thức ăn là chính, khả năng đề kháng của chúng rất cao”.

Theo cách tính của Tuấn Anh cứ 1 con gà Ai Cập nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán chỉ tốn khoảng 70.000 đ chi phí, bán được từ 100.000 - 120.000 đ. Thịt gà Ai Cập thơm ngon, có giá cao hơn gà phổ biến tại địa phương từ 20 - 25%.

Nhà nông chỉ cần nuôi 20 con gà Ai Cập đẻ trứng, mỗi tháng ít nhất cũng thu 1,2 - 1,5 triệu đồng. Nuôi vài trăm con thương phẩm và mái đẻ mỗi tháng thu 7 - 8 triệu đồng không khó. Loài gà này rất phù hợp với khí hậu ở Mộc Châu, chóng lớn, ít bệnh tật.

Trứng gà Ai Cập nhỏ nhưng lòng đỏ to, thơm ngon. Xuất bán ra thị trường giá dao động từ 3.000 - 5.000 đ/quả. Gà già bán cũng bán được 70.000 - 80.000 đ/con. Trừ đi các khoản chi phí, một tháng gia đình Tuấn Anh thu lãi hơn 20 triệu đ.

Hỏi về chăn nuôi lớn như vậy, song lâu nay dịch bệnh không có cơ hội bùng phát, Tuấn Anh chia sẻ: Gà con mới mua vẫn còn nhỏ, trong 1 tháng đầu phải dùng quây úm. Có thể dùng cót ép, tấm nhựa hoặc lưới sắt để quây, bên dưới rải trấu và thắp bóng điện để giữ ấm cho chúng, chú ý điều chỉnh nhiệt độ từ 30 - 35 độ C, trong 2 tuần đầu cho ăn tự do, sau đó ăn theo định lượng.

Xây chuồng trại phải chọn nơi cao ráo, đảm bảo giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, cách xa khu dân cư sinh sống. Nền chuồng bằng bê tông, chất độn chuồng bằng trấu đã được rắc vôi và phun khử trùng, tiêu độc.

Khi đưa gà vào nuôi cần chuẩn bị vật chất kỹ thuật như lồng úm, chụp sưởi, máng ăn, chất độn chuồng... Thời điểm gà xuống chuồng nên để nhiệt độ giảm dần cho chúng thích nghi với nhiệt độ môi trường ngoài tự nhiên, phù hợp nuôi thả vườn. Thức ăn chủ yếu là cám tổng hợp, có thể trộn lẫn thức ăn với tinh bột ngũ cốc, rau xanh.

"Nên bổ sung vào thức ăn một số chất như bột đá, vỏ sò để tạo vỏ trứng, cho gà uống nước đầy đủ, cho ăn thêm rau xanh để bổ sung vitamin. Tiêm phòng vacxin đúng và đầy đủ theo chu kỳ. Đây là loại gà ưa yên tĩnh, thích hợp với vùng đồi Mộc Châu. Nếu chăm sóc tốt gà có thể đẻ từ 260 - 270 quả trứng/năm", Tuấn Anh chia sẻ.

Khi gà lớn cho ăn thêm chuối để tăng cường chất xơ, đôi khi trộn thêm bã bia và cám gạo. Nhờ được đầu tư hệ thống chuồng trại khá bài bản, kết hợp với kiến thức thú y mà anh đã được học tại Trường Cao đẳng Nông lâm Thái Nguyên và kinh nghiệm đi làm thuê nên việc chăn nuôi nhanh chóng mang lại kết quả tốt.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà đẻ, Tuấn Anh cho biết: Ở giai đoạn gà hậu bị, chú ý đến chế độ ăn, tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, điều này quyết định đến khả năng sinh sản sau này, chế độ ăn bảo đảm 45 gr thức ăn/ngày/con ở tuần thứ 7, sau đó tăng 3 - 4 gr/ngày/con. Thời điểm này nên bấm mỏ của gà trên để tránh xây xát khi chúng mổ nhau.

Giai đoạn gà đẻ trứng phải chú ý đến chế độ ăn và làm ổ đẻ. Chuồng phải luôn sạch sẽ, khử trùng trước khi thả gà vào từ 2 - 3 tuần; máng ăn, máng uống cũng được sát trùng trước đó. Gà 20 tuần tuổi bắt đầu cho trứng, ở giai đoạn này cho ăn theo định mức 100 gr thức ăn/ngày/con, sau tăng dần lên duy trì ở mức 115 gr/ngày/con. Đến khi gà chuẩn bị thải thì giảm lượng thức ăn.


Nuôi Tắc Kè, Làm Chơi Ăn Thật Nuôi Tắc Kè, Làm Chơi Ăn Thật Ưu Điểm Của Chăn Nuôi Gà Thả Vườn Và Một Số Giống Gà Đặc Trưng Ưu Điểm Của Chăn Nuôi Gà Thả Vườn…