Tin nông nghiệp Nuôi gia cầm theo hướng VietGAP: Bảo đảm môi trường chăn nuôi

Nuôi gia cầm theo hướng VietGAP: Bảo đảm môi trường chăn nuôi

Tác giả Hải Minh, ngày đăng 31/10/2016

Nuôi gia cầm theo hướng VietGAP: Bảo đảm môi trường chăn nuôi

Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn gia cầm đứng thứ 3 toàn quốc, nhưng các hộ nông dân chủ yếu nuôi gà thả vườn để tận dụng nguồn sản phẩm phụ làm thức ăn, do đó việc phòng ngừa dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Không ít năm, gà bị dịch bệnh, chết hàng loạt khiến cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng về kinh tế.

Để giúp nông dân từng bước tiếp cận với phương pháp chăn nuôi an toàn, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, năm nay, Trung tâm xây dựng điểm mô hình nuôi gà theo hướng VietGAP tại gia đình ông Đỗ Minh Thực ở thôn Bến 4, xã Khám Lạng (Lục Nam) với quy mô 500 con gà Lương Phượng lai với gà Sacsso. Đây là mô hình được thực hiện lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các hộ nuôi gà cùng tham quan, học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong ảnh: Người dân nuôi gà theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình nuôi gà an toàn theo hướng VietGAP, đó là: Mua gà giống ở cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; nuôi nhốt ở chuồng trại xa khu dân cư, cách xa đường giao thông, bệnh viện; tiêm vắc-xin, uống thuốc phòng bệnh theo định kỳ; sử dụng thức ăn, nước uống sạch sẽ; hằng ngày thu gom chất thải để xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường...

Ngoài ra, gia đình ông Thực được hỗ trợ 60% kinh phí mua gà giống, một phần thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát để giúp gia đình ông Thực tháo gỡ kịp thời khó khăn gặp phải trong chăn nuôi. Sau gần 3 tháng nuôi, mới đây, Trung tâm tổ chức hội thảo đánh giá, kết quả cho thấy, đàn gà được nuôi theo hướng VietGAP không mắc bệnh, tỷ lệ sống đạt hơn 95%, trọng lượng đạt 2,2 - 2,5 kg/con.

Ông Thực cho biết: "So với phương pháp nuôi gà truyền thống, quy trình nuôi gà an toàn theo hướng VietGAP tuy có yêu cầu khắt khe hơn nhưng hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt". Theo tính toán, với lứa gà 500 con, sau 3 tháng nuôi, gia đình ông bán hơn 1 tấn gà, trị giá hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 10 triệu đồng.

Mức lãi còn khiêm tốn nhưng cái được lớn nhất của quy trình chăn nuôi này là bảo đảm được sự an toàn cao cho đàn gà. Hiện nay, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi gia cầm theo hướng VietGAP với số lượng hơn 1.500 con.

Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì mô hình nuôi gà theo hướng VietGAP ở Lục Nam bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững cho người dân.

Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ đạt được 6/12 tiêu chí trong quy trình. Để nhân rộng mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT đã và sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học, các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm khi xảy ra dịch, giới thiệu quy trình thực hành chăn nuôi tốt, sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ con người.


Sự thật về nguồn gốc táo đá Hà Giang đang gây sốt thị trường Sự thật về nguồn gốc táo đá Hà… Rau quả Trung Quốc được bỏ thuế khi vào Việt Nam - “Sức ép cực lớn” Rau quả Trung Quốc được bỏ thuế khi…