Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung - Mô Hình Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung - Mô Hình Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Ngày đăng 26/10/2013

Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung - Mô Hình Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mô hình gây, nuôi động vật hoang dã hiện đang phát triển rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Và, một trong những mô hình mới hiện đang được bà con nông dân gần đây đang rất quan tâm, đó là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Một số hộ nuôi hươu sao ở xã Tân Hà (Lâm Hà) cho biết, hươu sao rất dễ nuôi và có khả năng kháng bệnh cao, hệ thống chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, trong khi đó chi phí đầu tư thức ăn cho hươu thấp, ít rủi ro và cho hiệu quả kinh tế khá cao

 Trở lại Tân Hà vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ, chúng tôi được ông Phùng Văn Quyến - Bí thư Đảng uỷ xã dẫn đến thăm mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tại gia đình ông Lê Xuân Trường, thôn Đan Phượng I, xã Tân Hà. Cảm nhận đầu tiên đối với chúng tôi là hình ảnh những chú hươu sao vươn cổ ngơ ngác có vẻ sợ sệt khi nhìn thấy người lạ. Thế nhưng, khi chủ của chúng cầm những quả chuối trên tay, thì chúng ngoan ngoãn tiến lại gần chủ để thưởng thức những quả chuối mà chủ ban cho. Ông Lê Xuân Trường cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi heo, song việc chăn nuôi heo vất vả, công sức bỏ ra nhiều mà thu nhập lại không đáng kể, trong khi đó tình hình dịch bệnh heo tai xanh bùng phát liên tục làm cho ông không mấy mặn mà với loại vật nuôi này nữa. Tuy nhiên, trong cái khó ló ra cái khôn, sau một thời gian trăn trở bôn ba khắp nơi tìm hướng phát triển kinh tế, ông nhận thấy mô hình nuôi hươu sao đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thức ăn không nhiều, lại ít rủi ro. Theo ông Trường, khí hậu, đất đai và nguồn thức ăn ở Tân Hà cũng rất thích hợp với nghề nuôi hươu sao. Vì thế, cuối năm 2009, ông quyết định bán hết đàn heo và đầu tư tiền của sửa chữa lại chuồng trại nuôi hươu sao lấy nhung. Với số vốn ít ỏi dành dụm được từ tiền bán heo, cộng thêm tiền vay mượn từ bà con, bạn bè, ông Trường mạnh dạn đầu tư 60 triệu đồng khăn gói ra Hương Sơn (Hà Tĩnh) mua 4 cặp hươu sao về nuôi thử nghiệm. Do chưa hiểu biết nhiều về quy trình kỹ thuật chăm sóc loại vật nuôi mới này, nên sau 3 tháng đưa hươu về nuôi đã có 4 con hươu bị chết. Nguyên nhân hươu chết được lý giải là do tận dụng những chuồng heo để nuôi nhốt hươu tập trung trong một diện tích hẹp, vốn hươu là loài nhút nhát, khi thấy người lạ đến gần rất dễ hoảng loạn, chạy nhảy dẫn đến trượt ngã nên đã để xảy ra sự cố trên.

 Không nản chí, ông Trường vừa nuôi, vừa tìm tòi, học hỏi và dần dần đã nắm bắt được những kinh nghiệm nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tân Hà. Vậy là, từ 8 con hươu sao vào năm 2009, đến nay, gia đình ông Trường đã gây dựng được đàn hươu hơn 30 con, trong đó có 13 con hươu đực đã cho nhung. Ông Trường bộc bạch: “Nuôi hươu nhẹ nhàng và sướng hơn nuôi heo lại cho thu nhập nhanh. Mô hình nuôi hươu sao có hiệu quả kinh tế cao và rất phù hợp với những lao động lớn tuổi tại nông thôn. Hươu rất sạch, không ăn các loại thức ăn bẩn, ôi thiu nên chúng ít bị bệnh, thỉnh thoảng mới bị các loại bệnh đường ruột và chỉ cần điều trị bằng cách cho ăn lá xoan là khỏi. Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ và các loại lá, củ, quả có tại địa phương, đặc biệt hươu cũng rất thích ăn quả chuối, đậu, bắp, đây là những loại thực phẩm chứa nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng rất cần thiết nhằm tăng thêm sức khoẻ cho hươu vào trước và sau mùa cắt nhung, sinh sản”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ cần sau hơn 1 năm nuôi, hươu đực bắt đầu ra sừng, hay còn gọi là nhung. Trọng lượng của mỗi cặp nhung hươu nặng từ 0,5 - 0,7 kg, nếu được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng có cặp nhung nặng trên 1 kg. Thường thì mỗi năm người nuôi hươu có thể cắt nhung từ một đến hai lần ở mỗi con, riêng gia đình ông Trường có 1 con hươu đực cắt nhung được 3 lần/năm. “Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc như cưa và được khử trùng cẩn thận, cắt xong phải tiến hành cầm máu nhanh để tránh mất sức cho hươu. Sau đó cho hươu ăn nhiều hơn ngày thường và bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức. Nếu chăm sóc tốt, hươu có thể cho nhung lên tới 30 năm” - ông Trường chia sẻ kinh nghiệm. Hiện tại, nhu cầu nhung hươu trên thị trường là rất lớn, cung không đủ cầu, với giá bán bình quân khoảng 20 triệu đồng/kg nhung hươu. Không chỉ nuôi hươu đực lấy nhung, ông Trường còn nuôi thêm hươu cái để sinh sản, nhân đàn. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần, hươu cái giống chừng từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng/con, hươu đực 12 triệu đồng/con. Xét về hiệu quả kinh tế, ông Trường cho rằng, tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu để nuôi hươu sao có thể lớn hơn một số vật nuôi khác, nhưng về lâu dài lợi nhuận mang lại là cao hơn và có nguồn thu nhập ổn định, ít bị biến động bởi thị trường giá cả. Ông Trường nhẩm tính, với giá bán nhung, con giống như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng.

 Sau hơn 3 năm chuyển hướng làm mô hình mới này, nhờ những cặp nhung hươu và bán con giống mà gia đình ông Lê Xuân Trường khá giả hẳn lên. Ông đang ấp ủ kế hoạch nhân đàn lên khoảng 100 con. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, ít rủi ro, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình ông hiện được nhiều người dân trong và ngoài huyện biết và tìm đến học tập kinh nghiệm. Hy vọng rằng, nghề nuôi hươu sao sẽ mở ra một cơ hội làm giàu mới cho người dân Lâm Hà nói riêng và trong tỉnh nói chung.


Xử Lý Và Chế Biến Thức Ăn Trước Khi Cho Hươu Ăn Xử Lý Và Chế Biến Thức Ăn Trước… Kỹ Thuật Chăn Nuôi Hươu Sao Kỹ Thuật Chăn Nuôi Hươu Sao