Nuôi thỏ 3 sạch
Gần 2 năm nuôi thỏ theo hình thức “3 sạch” (chuồng sạch, thức ăn sạch, con giống sạch), gia đình cô Đặng Thị Nguyệt, ngụ ấp Bình Tiên, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm đã cung cấp ra thị trường nhiều lứa thỏ thịt chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cô Đặng Thị Nguyệt chăm sóc đàn thỏ của gia đình mình. Ảnh: Minh Mừng
Vốn ít, dễ chăm sóc
Hiện nay, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, mô hình nuôi thỏ không chỉ giúp gia đình cô Nguyệt phát triển kinh tế, mà còn giúp nhiều hộ gia đình khác vươn lên phát triển kinh tế, giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Năm 2017, đang trong thời điểm thỏ rớt giá đến đỉnh điểm nhưng cô Đặng Thị Nguyệt vẫn mạnh dạn mua thỏ về nuôi, bởi cô dự đoán giá thỏ sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Cô Nguyệt dùng 5 triệu đồng tiền tích góp mua 40 con thỏ nái. Tận dụng đất vườn nhà, cô trồng rau lang và cỏ để làm thức ăn cho thỏ.
Theo cô Nguyệt, nuôi thỏ vốn ít, lại dễ chăm sóc, mỗi ngày cô có thể vừa chăm sóc đàn thỏ vừa làm các công việc khác trong gia đình. Đối với hệ thống chuồng, cô làm thành từng hộc nhỏ, có đệm lót sinh học để hạn chế mùi hôi. Cô dùng phân thải từ thỏ bón cây, vừa tiết kiệm một phần chi phí, vừa góp phần giảm tối đa dịch bệnh cho đàn thỏ và bảo vệ môi trường xung quanh. Ở tuổi 60, sức bền lao động giảm, nhưng với mô hình này, cô Nguyệt cảm thấy phù hợp với mình, vì việc chăm sóc thỏ không đòi sức lao động nhiều.
Đàn thỏ của cô Nguyệt hiện có hơn 50 thỏ nái sinh sản, 200 thỏ lứa. Theo cô Nguyệt, nuôi thỏ đơn giản nhưng phải chăm sóc tỉ mỉ, chú ý tiêm vắc-xin phòng các bệnh nấm, ghẻ, tụ cầu trùng… Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ từ 5 - 7 ngày phải được phun thuốc diệt khuẩn. Mùa lạnh, đàn thỏ cần được che chắn giữ ấm. Cô Nguyệt chia sẻ: “Mỗi năm, thỏ mẹ có thể đẻ từ 8 - 9 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng hơn 1 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,2kg là có thể xuất bán. Mô hình nuôi thỏ này đem lại cho người nông dân thu nhập ổn định”.
Hiện tại, mỗi tháng cô Nguyệt xuất bán khoảng 100 con thỏ thịt, mỗi con trung bình từ 2 - 2,2kg, với giá hơn 70.000 đồng/kg. Trừ đi các khoản chi phí, cô thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng. Nguồn thịt thỏ trong thời điểm này khá hút hàng nên cô yên tâm trong việc tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại.
Mô hình phù hợp
Không giấu nghề, cô Đặng Thị Nguyệt luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ cho các hộ gia đình có nhu cầu. Hiện cô cung cấp cho hơn 20 hộ gia đình ở địa phương và các xã khác trong huyện nguồn thỏ giống để chăn nuôi, cùng nhau phát triển kinh tế hộ.
Chị Trương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thành cho hay: “Mô hình nuôi thỏ của gia đình cô Nguyệt là một trong những mô hình phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Xã Bình Thành qua một thời gian bị xâm nhập mặn, việc canh tác lúa gặp khó khăn, cho nên người dân dùng đất canh tác lúa trồng cỏ hoặc rau để chăn nuôi thỏ rất phù hợp. Đặc biệt, đối với lao động nữ, đây là công việc khá nhẹ nhàng, ít tốn công chăm sóc. Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã rất quan tâm, khuyến khích hội viên phụ nữ nhân rộng mô hình này và hướng tới sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ để phát triển kinh tế cho bà con”.
Hiện nay, trong khi các loại vật nuôi khác gặp khó khăn về nguồn giống, chi phí đầu tư cao, giá bán đầu ra thấp, mô hình nuôi thỏ của gia đình cô Đặng Thị Nguyệt là một hướng đi có tính ổn định. Bởi giá bán khá cao và ổn định, mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Từ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ của gia đình cô Nguyệt, hy vọng rằng nhiều người dân trên địa bàn huyện sẽ mở rộng sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ