Tin thủy sản Nuôi tôm an toàn thực phẩm

Nuôi tôm an toàn thực phẩm

Tác giả Ngọc Diệp, ngày đăng 04/11/2017

Nuôi tôm an toàn thực phẩm

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm đầu ra ổn định có nghĩa là đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của nhà nhập khẩu, khi đó nghề nuôi tôm mới có thể phát triển bền vững…

Mô hình nuôi tôm vi sinh của Công ty Trúc Anh   Ảnh: PTC

Cạnh tranh từ chất lượng

ĐBSCL - vùng cung cấp nguồn tôm nguyên liệu lớn, xuất khẩu tôm trọng điểm của cả nước, việc bảo đảm chất lượng tôm thương phẩm ngay từ những công đoạn nuôi chính là biện pháp được nhiều địa phương chú trọng. Điều này đòi hỏi cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm cần chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang bằng chất lượng.

Truy xét về nguyên nhân dẫn đến tồn dư lượng hóa chất trong tôm thương phẩm, thì việc dịch bệnh xảy ra nhanh và mạnh trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến người nuôi. Trình độ một số người dân còn hạn chế, chưa nắm chắc kỹ thuật, chủ yếu học hỏi nhau và làm theo kinh nghiệm, cộng thêm trên thị trường có quá nhiều hóa chất, thuốc bổ dưỡng, chất xử lý và cải tạo môi trường, sự quá tải của các thương hiệu, chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ làm cho người nuôi rối trí, sử dụng quá nhiều loại hóa chất một cách không cần thiết, làm môi trường và làm cho giá thành sản phẩm nuôi quá cao.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn có cán bộ kỹ thuật quản lý thì mức độ thiệt hại ít hơn các hộ nuôi theo kinh nghiệm. Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Sóc Trăng, do tâm lý nôn nóng thả nuôi nhiều bà con muốn dùng thuốc trị bệnh hoặc ngừa bệnh trên tôm và sử dụng không đúng cách nên gây tác hại lớn cho chất lượng tôm thương phẩm và môi trường ao nuôi.

Do đó, trong nuôi thủy sản, nuôi tôm muốn đạt hiệu quả tốt đòi hỏi người dân phải nuôi đúng kỹ thuật. Nhất là trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thâm canh, bán thâm canh do môi trường nuôi ngày càng xuống cấp, dịch bệnh xuất hiện nhiều, do đó người nuôi phải quản lý tốt môi trường nuôi, kết hợp áp dụng công nghệ vi sinh đúng phương pháp mới đạt được hiệu quả kinh tế.

Hướng đến mô hình sinh học

Thực hiện nuôi tôm theo xu hướng bền vững, trong kỹ thuật nuôi bắt buộc phải hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc kháng sinh. Sử dụng chế phẩm sinh học được xem là lựa chọn thay thế tốt nhất.

Điển hình như HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã áp dụng thành công việc ứng dụng các biện pháp tự nhiên, các chế phẩm sinh học để nuôi tôm và nhiều năm qua, tỷ lệ thành công của 17 thành viên trong HTX đều trên 80%. Theo bà con, trong quá trình cải tạo ao và gây màu nước, chỉ sử dụng các hóa chất cần thiết để diệt tạp, tạo độ pH, kiềm và gây màu nước. Đặc biệt nước được đưa vào các ao toàn bộ lấy từ các hệ thống ao lắng có nuôi cá rô phi. Người dân cho biết, nước đã qua “màng lọc sinh học” là cá rô phi thường có màu rất đẹp, sạch không có mầm bệnh, có lợi rất nhiều trong khâu xử lý về sau. Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết: “HTX làm theo mô hình này mấy năm nay, chất lượng tôm của HTX xuất ra là đảm bảo, bán được giá”.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh (Bạc Liêu) cho biết, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính, nuôi tôm trải bạt… sử dụng chế phẩm sinh học đang phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được thời tiết, không còn lệ thuộc vào thiên tai bất lợi; kiểm soát được mầm bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học kỹ thuật… Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, cho doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng; mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, có doanh thu 710 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 330 triệu đồng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, tổng doanh thu hơn 900 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng…

Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân sản xuất giảm bớt rủi ro, nâng cao lợi nhuận, ngành nông nghiệp các tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi. Ngoài ra, tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo bệnh nguy hiểm có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục…

>> Theo các chuyên gia, muốn nâng cao chất lượng thủy sản, trong đó có con tôm ngay từ những công đoạn nuôi, người dân cần đầu tư tốt hơn về kỹ thuật và việc thay thế sử dụng hóa chất kháng sinh cấm bằng các chế phẩm sinh học. Kích thích và bổ sung nguồn vi sinh vật có lợi trong ao, không những hạn chế lượng hóa chất kháng sinh tồn dư trong môi trường và trong tôm thương phẩm, đồng thời giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.


Nghệ An: Nuôi tôm VietGAP thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha Nghệ An: Nuôi tôm VietGAP thu nhập gần… Đồng bằng sông cửu long: Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp Đồng bằng sông cửu long: Liên kết sản…