Nuôi tôm điêu đứng
Ông Đậu Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Trung cho biết, từ giữa tháng 3, tôm nuôi xuất hiện bệnh đường ruột, phân trắng. Từ 3,7 ha tôm nhiễm bệnh ban đầu, đến nay đã tăng lên 13,18 ha, trong đó hội chứng hoại tử gan tụy 2,75 ha, đường ruột và phân trắng 10,43 ha.
Ngày 20/7, tôm nuôi của gia đình ông Lê Minh ở xóm 10 tiếp tục nhiễm bệnh chết, trạm Thú y huyện đã về lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.
“Một số hộ đã phải thu hoạch trước để vớt vát đồng vốn nhưng giá tôm năm nay quá thấp, hộ nào may mắn thì được một nửa vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, do bị sốc mặn, có 25 ha tôm bị chết. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, trên 38 ha tôm của xã Diễn Trung gần như mất trắng, tổng thiệt hại ước tính gần 30 tỷ đồng. Các hộ dân đang vệ sinh, xử lý hóa chất, phơi đầm để chuẩn bị thả vụ mới”, ông Hòa cho biết.
Ông Ngô Xuân Đại, người được coi là “vua tôm” đất Diễn với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi tôm thẻ bất bại cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Chưa năm nào thất bát như năm nay. Tôi thả 2,4 triệu con giống trên diện tích 4 ha, riêng tiền giống đã trên 260 triệu đồng. Tầm này năm trước, tôi thu 25 tấn tôm thương phẩm, đút túi trên 5 tỷ đồng. Còn năm nay, sau gần 1 tháng thả tôm giống, tôi phát hiện tôm bị phân trắng, nổi lờ đờ trên mặt nước, lượng thức ăn tiêu thụ lúc tăng, lúc giảm.
Điều trị lần 2 với thuốc TRI-ALPHA nhưng không hiệu quả, tôi phải thu hoạch non, được gần 5 tấn. Giá tôm thẻ loại 250 - 300 con/kg thời điểm này là 50 nghìn đồng/kg. Như vậy, tôi chỉ thu về gần 250 triệu đồng, chừng đó chi phí cho tiền giống, nhân công, thức ăn… Có thể khẳng định, đến thời điểm này, trên 95% diện tích nuôi tôm ở xã Diễn Trung thất bại thảm hại”.
Ông Đại cho rằng, hạn hán kéo dài, thiếu nước ngọt cấp cho hồ tôm là nguyên nhân chủ yếu. Bình thường, tôm thẻ phù hợp với độ mặn dưới 20 phần nghìn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chỉ có 1 vài trận mưa nhỏ, nguồn nước ngọt cạn kiệt, không đủ cung cấp cho hồ nuôi, độ mặn có thời điểm lên đến 45 phần nghìn. Tôm sốc mặn, khả năng miễn dịch kém nên dễ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một nguyên nhân nữa là, một số hồ nuôi năm trước bị nhiễm bệnh đã xử lý không triệt để, thải nước bẩn ra ngoài môi trường khiến dịch bệnh có cơ hội lây lan và bùng phát ra diện rộng.
Theo thống kê của UBND xã Diễn Trung, toàn xã có 45 ha nuôi tôm thẻ thì có trên 38 ha gần như mất trắng vì tôm mới thả được 10-15 ngày đã nhiễm bệnh. Hộ thiệt hại nhiều nhất là 4 ha, ít nhất là 0,3 ha. Một số hồ tôm đang trong giai đoạn sắp thu hoạch nhưng cũng đã xuất hiện dấu hiệu nhiễm bệnh khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Nghệ An, từ ngày 13/4 - 3/7, dịch bệnh tôm đã xảy ra tại 467 đầm của trên 400 hộ tại 13 xã thuộc 5 huyện, thành, thị với tổng diện tích gần 200 ha. Trong đó, thị xã Hoàng Mai (150 ha), huyện Quỳnh Lưu (14 ha), Nghi Lộc, Diễn Châu (2 ha) và TP Vinh (11 ha)... Trong đó, bệnh đốm trắng 6 ha; hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính 11 ha; bệnh đường ruột và phân trắng 150 ha.
Chi cục đã cấp 22,8 tấn chlorine cho các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hoàng Mai và TP Vinh để xử lý môi trường ao nuôi. Tại huyện Diễn Châu, ngoài việc cử cán bộ thú y xuống cơ sở cùng bà con chống dịch, chính quyền địa phương đã lập biên bản, đề nghị chủ đầm có tôm nhiễm bệnh không được cho nước thoát ra ngoài nếu chưa được xử lý triệt để.
Tại xã Diễn Trung, duy nhất hồ tôm của ông Nguyễn Hữu Sỹ, xóm 4 không bị nhiễm bệnh. “Tôi là hộ duy nhất đến thời điểm này thu được 4 tấn tôm thương phẩm. Tuy nhiên, giá chỉ 150.000 đồng/kg nên lãi không được bao nhiêu”, ông Sỹ cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ