Nuôi tôm nước mặn trong ao nuôi nước ngọt
Khi ngành công nghiệp nuôi tôm trong khu vực đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do hội chứng tử vong sớm (EMS) bùng phát, mất mùa thường xuất hiện ở những ao nuôi nước mặn hoặc nước lợ nhiều hơn so với những ao nuôi ở vùng nước ngọt.
Chính điều này đã dẫn đến sự phổ biến rộng rãi việc nuôi tôm biển trong các ao nuôi nước ngọt. Xu hướng này phát triển không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau một vài mùa vụ thành công trong ao nuôi nước ngọt, người nuôi không thể tiếp tục gặt hái được những thành công tương tự.
Mất mùa do tôm bị bệnh mềm vỏ hoặc tôm chết sau những cơn mưa lớn là những vấn đề thường gặp nhất trong các ao nuôi nước ngọt. Nhiều nông dân bất đắc dĩ phải tiếp tục nuôi tôm sau những vụ mùa không thành công.
Để duy trì sản xuất tôm, nuôi tôm trong ao nước ngọt là một lựa chọn tốt, nhưng để đảm bảo tính bền vững, cần phải có sự hiểu biết sâu hơn, rằng các hệ thống nuôi trong vùng nước ngọt hoàn toàn không giống như trong vùng nước mặn hoặc nước lợ. Kỹ thuật nuôi cũng khác nhau. Điểm mấu chốt là tôm cần lượng khoáng chất (trong đó chúng hấp thụ từ ba nguồn chính; đất, nước và thức ăn) cho vỏ và chức năng sinh lý của chúng.
Trong vài vụ nuôi đầu trong ao nước ngọt, chúng ta có thể sử dụng lượng khoáng chất sẵn có từ đất.
Nguồn khoáng chất này sẽ cạn kiệt sau một vài vụ và các vấn đề chẳng hạn như tôm chết rải rác, mềm vỏ, mỏng vỏ và tình trạng xanh vỏ, cong thân, tăng trưởng chậm, cỡ tôm không đều sẽ tăng lên. Sự biến động lớn trong quần thể sinh vật phù du gây nên tình trạng tảo suy tàn.
Như vậy, để thành công khi nuôi tôm ở môi trường nước ngọt yêu cầu một sự hiểu biết thấu đáo về nhu cầu và vai trò của các loại khoáng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng của tôm. Hai vấn đề cốt lõi để có vụ nuôi thành công là thả nuôi mật độ tôm vừa phải và cung cấp đầy đủ các loại khoáng chất chất lượng cao là hết sức cần thiết để có đàn tôm khoẻ mạnh.
Trong bài viết này, tôi sẽ minh họa cách người nuôi tôm Thái Lan đạt được trong ao nuôi nước ngọt mà không bị bất kỳ vấn đề nào trong 17 năm qua.
Trang trại Chaiwat
Trang trại thuộc sở hữu của vợ chồng ông Chaiwat Teintongkam (Wat) 56 tuổi và và bà Naruemol Tientongkam (Da) 53 tuổi. Cả hai đều rất thân thiện và tốt bụng.
Trang trại của họ nằm ở Lumsai Subdistrict, Quận Lumlukka, tỉnh Pathumtani, thuộc vùng Đông Bắc của Bangkok và cách vịnh Thái Lan khoảng 50 km. Nguồn nước có độ mặn chính xác là 0 ppt (phần ngàn). Khu vực này được bao quanh bởi những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả và rau.
Chaiwat Teintongkam (bên phải) và Naruemol Tientongkam
Khoảng 21 năm trước, Chaiwat và Naruemol quyết định rời bỏ công việc có lương cao ở Bangkok để bắt đầu xây dựng một trang trại nuôi thủy sản. Họ bắt đầu nuôi cá trê lai, nhưng sau 4 năm phát hiện nguồn gen của nó là không phù hợp và rất khó để kiểm soát sản xuất, họ đã tìm kiếm một giải pháp thay thế và thấy rằng tôm sú là một lựa chọn tốt.
Tuy nhiên, ban đầu họ cũng phải đối mặt với cùng một vấn đề như những người nông dân khác – chỉ thành công trong 2-3 vụ nuôi đầu và sau đó gặp những vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, họ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm kiếm những kiến thức và thông tin về nuôi tôm trong nước ngọt cho đến khi họ đã tìm thấy phương pháp quản lý hoàn hảo phù hợp cho trang trại của mình.
Trong năm 1998, họ kết thúc nuôi tôm sú sau 6 năm, sau đó chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng 6 năm tiếp theo, trước khi quay trở lại với tôm sú 5 năm trước đây.
Thành công theo cách đơn giản
Tại trang trại, Chaiwat nói rằng sau hơn 14 năm, họ đã có một sản lượng tôm ổn định khoảng 5 tấn/ha mỗi vụ nuôi và thua lỗ hay mất mùa ít hơn 10%. Họ có 31 ao, với kích cỡ khác nhau từ 3.000-4.000 m2. Tổng diện tích trang trại bao gồm hồ chứa và ao xử lý nước, nhà ở cho cán bộ và đường đi là 30 ha.
“Sau 115 ngày nuôi, tôi đã đạt được tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trung bình (FCR) là 1,3. Kích thước tôm thu hoạch trung bình luôn là 40-50 con/kg.
“Chúng tôi luôn chia sẻ những kinh nghiệm của chúng tôi và tư vấn miễn phí cho 23 trang trại lân cận. Bây giờ 23 trang trại đó ít khi nuôi thất bại và đa số họ đều mở rộng thêm trang trại. Tôi đã sử dụng cùng một kỹ thuật nuôi trồng trong hơn 10 năm qua, tôi tự tin rằng phương pháp này hiệu quả,” Chaiwat nói.
Chuẩn bị ao
Chaiwat cũng nêu chi tiết phương pháp chuẩn bị ao nuôi của mình. Ở trang trại, sau mỗi vụ thu hoạch, họ sẽ sử dụng một máy kéo để dàn trải bùn trong ao. Chúng sẽ được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cho đến khi khô bề mặt. Thông thường điều này mất một tháng. Tiếp theo là bón vôi dolomite để làm giàu đất với các khoáng chất quan trọng nhất đối với tôm cũng như để tăng độ Kiềm và duy trì pH.
Lấy nước từ hồ chứa vào các ao với tốc độ chậm, nước được bơm vào ao qua nhiều lớp túi lọc vải có đường kính khoảng 10 cm và dài 3-5 m/túi lọc. Nguồn nước cấp trở nên sạch và không còn bất cứ mầm bệnh nào. Chaiwat cũng đề nghị chỉ bơm lấy nước ở tầng giữa, để tránh mang bùn, khí độc và vi khuẩn gây bệnh vào ao. Độ sâu của nước là 1 m.
Bởi vì ao của họ đang nằm giữa cánh đồng lúa, Chaiwat treo một túi vải chứa 5 kg kali permanganat (KMnO4) ở phía nguồn nước cấp.
Phương pháp này để trung hòa thuốc trừ sâu từ ruộng lúa. Nước trong ao được giữ nguyên trong 3 ngày để trứng của động vật thủy sản sẽ nở ra và sau đó sử dụng thuốc diệt giáp xác để tiêu diệt các con non. “Sử dụng một /chiếc thuyền/ để kéo đáy ao hai lần mỗi ngày trong khoảng một tuần, để trộn vôi đều vào trong đất. Chiếc thuyền này được thiết kế đặc biệt với nhiều ngạnh (giống như cái cào đất) để có thể cày xới đất khi di chuyển” Chaiwat nói.
Chiếc thuyền này được thiết kế đặc biệt có thể cày xới đất khi di chuyển
Phương pháp khác được áp dụng là sử dụng chất khử trùng trong trường hợp xảy ra bệnh dịch nghiêm trọng. Họ cũng sử dụng phương pháp lên men sinh học với nguyên liệu là các loại rau, mật đường, men vi sinh Bacillus và nước.
Hỗn hợp trên được sục khí và để lên men trong 7 ngày với mục đích là để kích thích sự phát triển của thực vật và động vật phù du. Chaiwat cũng khuyến cáo sục khí nước ao nuôi ngay từ những ngày đầu để thúc đẩy sự tăng trưởng của sinh vật phù du tự nhiên và loại bỏ tất cả các loại khí độc tích tụ.
Nước có độ mặn cao (nước ót ruộng muối) được thêm vào ao khoảng 8.000 L/4.000 m3 để cung cấp nguyên tố vi lượng và khoáng chất thiết yếu trước thả giống. Màu nước được điều chỉnh tốt bằng cách sử dụng phân bón hòa tan để có được một lượng sinh vật phù du ổn định trong vòng 10 ngày trước khi thả giống.
Ương tôm và thả giống
Trang trại thắt chặt quan hệ với những trại giống uy tín để có nguồn giống chất lượng. “Chúng tôi thường đề nghị giá cao hơn 15% giá trên giá thị trường để có được nguồn tôm giống tốt nhất. Chúng tôi thả tôm với một số chính xác và ở xung quanh mức 35 PL/m2 .
Chúng tôi không thả tôm vượt quá con số này. Chúng tôi yêu cầu các trại giống giảm độ mặn từ từ trong bể ương, mức giảm khoảng 3-5 ppt hàng ngày để đạt mức 12-13 ppt trước khi vận chuyển. Chúng tôi làm điều này để tôm thích nghi với độ mặn thấp, phù hợp với độ mặn ao nuôi và để tránh sốc độ mặn” Naruemol nói.
Trong ao chúng tôi che chắn một diện tích khoảng 220 m2 trong ao nuôi bằng bạt ngay cạnh bờ ao và có bố trí quạt nước. Nguồn nước ở đây được pha trộn với nước có độ mặn cao (120-150 ppt) thu được từ các ruộng muối gần đó. Lượng nước là 7.000 L để đảm bảo độ mặn trong ao nuôi là 8-10 ppt. Nguồn nước sau đó được sục khí trong 3 ngày trước khi thả giống.
Hình bên trái: Nước mặn chảy trong ống PVC qua rất nhiều lỗ nhỏ, đặt trước giàn quạt. Hình bên phải: Khu vực được bao chắn bằng bạt nhựa đặt ở một góc ao có hệ thống sục khí. Nguồn nước ở đây được trộn với nước ót (độ mặn 120-150 ppt) ở những ruộng muối bên cạnh
“Bước tiếp theo là chúng tôi thả giống trong khu vực gièo này nhưng trước tiên chúng tôi sẽ đặt các bao tôm giống nổi trên mặt nước nhằm cân bằng nhiệt độ của nước trong bao với nhiệt độ nước trong ao.
Các bao giống sau đó được mở ra từ từ để nước ao trộn với nước trong bao khoảng 5-10 phút trước khi thả giống ra ngoài”, Naruemol giải thích. “Ngoài ra, chúng tôi chỉ thả giống lúc 7 giờ tối. Số lượng giống thả phải được tính chính xác. Thả giống quá nhiều có thể phá vỡ hệ thống canh tác của chúng tôi và dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai”.
Một phương pháp thú vị là sử dụng một lồng lưới màu xanh nhỏ để thả 100 PL nhằm kiểm tra tỷ lệ sống của tôm. Số lượng tôm giống sống sót trong lồng lưới này sau một tuần được sử dụng để ước tính tổng số tôm còn lại trong ao và tính toán chính xác lượng thức ăn phù hợp.
“Tôm được cho ăn thức ăn số 1 hoặc viên thức ăn có kích thước nhỏ nhất ở mức 150g/100.000 PL/ngày và tôm giống được cho ăn ba lần/ngày. Chúng tôi tăng lượng thức ăn 5-7% vào ngày hôm sau. Độ mặn nước trong gièo cũng sẽ được hạ từ từ xuống 0 ppt sau 3 ngày. Sau một tuần, chúng tôi dìm các cạnh của gièo xuống dưới nước (30 cm) để cho những con tôm khoẻ bơi ra”
Tôm giống được thả sau khi cân bằng nhiệt độ. Thả tôm lúc 7 giờ sáng và sử dụng lồng nhựa màu xanh chứa 100 PL để tính toán tỉ lệ sống
Cho ăn sát theo nhu cầu
Sau khi thả tôm từ gièo vào ao, thức ăn sẽ bắt đầu từ 1 kg/ 100.000 PL/ngày. Thức ăn được tăng hàng ngày và sẽ đạt khoảng 300g tăng thêm trong một tuần. Điều này được theo dõi bằng cách quan sát lượng thức ăn trong vó. Thời điểm cho ăn là 7h00, 12h00, 17h00 và 21h00.
“Chúng tôi cho thức ăn vào vó theo tỷ lệ 2-2,5 g/kg thức ăn/vó. Chúng tôi sử dụng một vó cho mỗi 1.500 m2 diện tích nuôi. Việc kiểm tra được thực hiện mỗi 2 giờ. Chúng tôi sử dụng vó để kiểm tra xác định tỷ lệ thức ăn như trong bảng. Ngoài ra, chúng tôi điều chỉnh lượng thức ăn theo thời tiết, điều kiện nước, màu sắc nước, oxy hòa tan trong ao, và tình trạng tôm lột.
Quản lý các thông số môi trường nước
Chúng tôi trộn hỗn hợp khoáng chất với thức ăn trong mỗi cữ cho tôm ăn. Điều này rất quan trọng vì tôm cần nồng độ khoáng cao và vì trong ao nước ngọt, nguồn khoáng chất rất hạn chế. Nếu nguyên tắc này không được tuân thủ, có thể dẫn đến tình trạng tôm bị mềm và mỏng vỏ, cong thân, đóng rong hoặc chết rải rác.
Các con tôm bị mềm vỏ có thể dễ dàng bị ăn bởi các con tôm khác. Người nông dân sẽ không bao giờ nhận thấy được tình trạng tôm chết, nhưng tỷ lệ sống sẽ thấp khi thu hoạch tôm.
“Chúng tôi sử dụng nước có độ mặn cao hàng tháng hoặc sau khi chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu của sự thiếu hụt khoáng chất của tôm. Lúc đầu trước khi thả, liều lượng sử dụng là 8.000 L/4000 m^3 nước ao và lần thứ hai vào cuối tháng nuôi đầu là 10.000 L.
Lần thứ ba là vào cuối tháng thứ hai với lượng 14.000 L và cuối cùng trước khi thu hoạch là 14.000 L. Lượng nước mặn sẽ không làm tăng độ mặn nhiều nhưng sẽ góp phần làm tăng khoáng chất.
“Chúng tôi cũng sử dụng magnesium oxide (MgO) ở mức 10 kg/ha hàng tuần, khoảng một ngày trước khi trăng tròn hay nhật thực. Trong trường hợp tôm lột xác đồng loạt cần phải áp dụng liều lượng cao hơn vào ban đêm và khi tôm được lột xác nhiều.
Liên quan đến độ mặn của nước, chúng tôi sử cung cấp nước mặn thông qua một ống PVC có nhiều lỗ nhỏ, được đặt ở phía trước các quạt nước hoặc hệ thốngsục khí. Chúng tôi để nước mặn pha trộn với nước ao. Không nên cho trực tiếp nước mặn vào ao bằng cách khác như đã mô tả vì nước mặn nặng hơn nước ngọt, và nước mặn sẽ đi xuống và nằm ở phía đáy ao, ngày hôm sau, chúng tôi sẽ thấy tôm chết.
Chaiwat cũng nhấn mạnh rằng nước rất mặn có nghĩa là độ mặn phải có từ 120-150 ppt, để tránh ô nhiễm và để có được các thành phần khoáng chất hoàn toàn từ nước biển. Ở độ mặn thấp hơn 100 ppt, Vibrio vẫn hoạt động. Độ mặn cao hơn 160 ppt, sẽ kết tinh muối và một số khoáng chất thiết yếu. Ông sử dụng 300kg muối/ha sau mỗi 10 ngày trong khu vực nhiều bùn, và sử dụng vi sinh trong hai ngày tiếp theo.
Các trang trại cũng tuân thủ một số nguyên tắc phổ biến như giữ độ kiềm ở mức hơn 120 ppm, sử dụng vôi. pH đo buổi sáng được duy trì ở mức không dưới 7,5 và chiều không quá 8,2. Khi pH biến động, cần phải được điều chỉnh bằng cách dùng vôi hoặc bằng cách kiểm soát sinh vật phù du và thức ăn. Phương pháp khác là sử dụng vi sinh hàng tuần cùng phân hữu cơ hòa tan.
Vitamin C được bổ sung vào thức ăn cho mỗi cữ ăn để ngăn chặn tình trạng stress và tăng cường sức đề kháng của tôm. Mức độ sục khí bằng dàn quạt 40 cánh là 5HP mỗi ao ở tốc độ 80 vòng quay/phút. Tắt quạt nước trong hai giờ cho ăn, trong tháng đầu tiên.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra tôm vào buổi sáng sớm. Quan sát tôm vào buổi sáng sớm có thể cho thấy những dấu hiệu và dự đoán các vấn đề có khả năng xảy ra trong 2-3 ngày kế tiếp. Thời gian tốt nhất để kiểm tra là 2:00-5:00 giờ sáng”, Chaiwat nói.
Thông điệp
Chaiwat có nhiều thông điệp cho những người nuôi tôm khác. “Khi các bạn quyết định dấn thân vào nghề nuôi tôm, bạn cần phải cam kết với bản thân hoàn toàn rằng nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải là một chuyên gia trong công việc của bạn.
Để trở thành một chuyên gia cần có những hy sinh. Đối với tôi đó là thời gian, tình yêu, sự quan tâm, nguồn cung cấp kiến thức, học tập, suy nghĩ, phân tích và đánh giá. Kiên nhẫn là cần thiết và suy nghĩ đột phá là rất quan trọng. Bạn cũng cần phải thiết lập một kế hoạch tốt và thực hiện các quyết định đúng đắn.
“Khi bạn thất bại, không tập trung vào đổ lỗi cho người khác nhưng bạn cần phải tìm lý do tại sao bạn đã thất bại. Ghi chép và phân tích với các đánh giá thống kê là rất quan trọng.
Da là một cựu kiểm toán viên và được giao thực hiện công việc này. Bảng trên cho thấy số liệu thực tế từ ao nuôi của tôi và của những người nuôi xung quanh được thu thập và thống kê trong 12 năm qua”
Tags: tom, nuoi tom, tom sach, thuy san, nuoi trong thuy san, quy trinh nuoi tom
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ