Mô hình kinh tế Nuôi tôm trong bể tròn nổi thắng lớn

Nuôi tôm trong bể tròn nổi thắng lớn

Tác giả Việt Khánh, ngày đăng 05/02/2020

Nuôi tôm trong bể tròn nổi thắng lớn

Áp dụng cách nuôi này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, ngược lại tăng vượt trội mật độ thả nuôi.

Kỹ sư Nguyễn Việt Thắng tận hưởng thành quả nhờ sự mạnh bạo và hiểu biết tường tận.

Dọc khắp bãi triều Nghệ An phần đa người nuôi tôm vẫn trung thành với phương thức truyền thống, chỉ một số ít manh nha áp dụng quy trình 2 giai đoạn. Vậy nhưng kỹ sư Nguyễn Việt Thắng đã mạnh bạo tiến tới mô hình nuôi 3 giai đoạn.

Chưa dừng lại, người này còn chủ động đầu tư hệ thống hiện đại bậc nhất để nuôi tôm trong bể tròn nổi hết sức lạ lẫm.  

Kiên nhẫn chờ thời

Tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng thủy sản, Đại học Vinh (liên kết với trường Đại học Nha Trang), anh Nguyễn Việt Thắng công tác nhiều năm tại Công ty Giống Thủy sản Nghệ An, sau "đầu quân" cho Công ty CP Intimex. Giai đoạn này con tôm sú đang thịnh thành, người người nhà nhà khắp vùng bãi triều thi nhau nhân rộng, những doanh nghiệp mạnh về thủy sản cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Hình thức “tay trong tay ngoài” kéo dài gần 20 năm, sau ngần ấy thời gian mải miết trải nghiệm, nắm vững từng đường đi nước bước, khi thấy thời cơ đã chín muồi anh quyết định tách làm riêng. Năm 2018 anh xắn tay xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể tròn nổi.

Anh Thắng là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An áp dụng phương thức này. Đành rằng bản thân là dân chuyên, được đào tạo bài bản, lại nắm vững chuyên môn như lòng bàn tay nhưng việc dám “lĩnh ấn tiên phong” khai phá khía cạnh hoàn toàn lạ lẫm thì hẳn những người dạn dày nhất cũng phải thán phục đến vài phần.

Không chút giấu giếm, người trong cuộc nói thẳng: “Thú thực tôi chỉ tìm hiểu thông tin qua mạng Internet chứ chẳng cất công học hỏi thực tế như nhiều người mường tưởng. Mỗi vùng miền đều mang những nét đặc thù riêng biệt, mình không thể bê nguyên vào áp dụng mà phải có phương án điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Qua hơn một năm thôi nhưng tình hình thực sự khả quan đấy, nhìn chung mọi thứ lúc này đang tiến triển rất đúng hướng”.

Theo kỹ sư Thắng, nuôi tôm trong bể tròn nổi dù rất mới mẻ nhưng hiệu quả “ăn đứt” phương thức thông thường. Áp dụng cách này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, ngược lại tăng vượt trội mật độ thả nuôi.

Xét thực tế, nuôi thông thường chỉ loanh quanh 100 – 150 con giống/m2, giờ đây có thể nhân lên gấp bội, đạt mức 300 con/m2. Diện tích nhỏ gọn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao ngất ngưỡng, đó mới là sự khác biệt lớn nhất.

Nuôi tôm một vốn bốn lời, ấy là khi mưa thuận gió hòa, bằng không nguy cơ mất cả vốn lẫn chài là điều khó tránh. Kinh phí đầu tư vào ao đầm cao vời vợi, lắm khi chỉ một thoáng sơ sẩy là của nả trôi sông trôi biển. Trong nháy mắt đẩy người nuôi vào tình cảnh khốn cùng. Chẳng nói đâu xa đây đang là thực trạng của hàng loạt gia đình dọc khắp vùng triều thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu hay thị xã Hoàng Mai, những hộ vẫn nghiêng theo phương thức “ăn xổi ở thì”.

Chủ động xây dựng hệ thống ương gièo hiện đại.

Thấu hiểu được mối hiểm họa thường trực, từ cơ sở thực tiễn bản thân anh Thắng luôn chủ động đi tắt đón đầu trong mọi tình huống, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” phải được đặt lên hàng đầu.

Chất lượng đầu vào quyết định phần lớn thắng bại, do đó trước sau gia đình luôn kiên định sử dụng nguồn hàng uy tín, có xuất xứ rõ ràng dù giá cả cơ bản “chát” hơn mức bình quân. Đối tác được trao trọn niềm tin là Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP).

Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác là nguồn nước. Áp dụng theo quy chuẩn tiên tiến bậc nhất nên việc kiểm tra rất tỉ mỉ, đòi hỏi qua nhiều công đoạn. Nước trước khi dẫn vào bể nuôi nhất thiết phải được xử lý kỹ lưỡng thông qua hệ thống sàng, lọc, sẽ tiến hành tiệt trùng, diệt khuẩn (nếu có).

Chưa dừng lại, xuyên suốt quá trình nuôi phải liên tục bổ sung nguồn vi sinh cần thiết, bình quân 2 ngày 1 lượt nhằm lấn át các vi sinh gây hại tồn tại trong nguồn nước, đồng thời bổ trợ thêm lượng chất giúp côn tôm: “Đảm bảo được 2 yếu tố trên, cộng với điều kiện thời tiết diễn tiến thuận lợi thì nắm chắc đến 99% phần thắng”, anh Thắng quả quyết.

Hiện gia đình đang triển khai mô hình trên địa bàn 2 xã Nghi Yên (Nghi Lộc) và Diễn Trung (Diễn Châu) với tổng quy mô 2 ha.  

Thành quả ngọt ngào

Nuôi tôm thẻ chân trắng hết sức khó nhằn, chí ít về khoản kinh phí. Tính toán sơ bộ, để hoàn thiện hệ thống nuôi hiện đại bậc nhất (bể tròn nổi, quạt, xục khí, lọc nước, lưới che…) theo quy chuẩn 3 giai đoạn, mỗi khu nuôi của gia đình anh Nguyễn Việt Thắng tiêu tốn đến 3 tỷ đồng, chung quy 2 khu trên dưới 6 tỷ đồng.

Trong đó, khu nuôi số 1 tại xã Nghi Yên gồm 6 bể nuôi tôm thịt, mỗi bể rộng 500 m2 và 2 bể ương gièo, tổng quy mô 300 m2. Kết quả thực tế chỉ rõ, mô hình thực sự mang lại lợi ích song đôi:

“Thoạt nhìn kinh phí đầu tư có thể khiến nhiều người giật mình, tuy nhiên nếu tính toán dài hơi thì lợi đủ đường. Này nhé, hệ thống hiện đại bảo hành trong nhiều năm, diện tích thực tế được thu hẹp đáng kể, mật độ con giống tăng lên, công cán thuê mướn nhân công giảm thiểu, trên hết là chất lượng thành phẩm vượt trội của con tôm. Suy đi tính lại chẳng mất đi đâu mà sợ”, anh Thắng hồ hởi chia sẻ.

Mô hình nuôi tôm trên bể tròn nổi mang lại hiệu quả vượt trội.

Khác với số đông, anh Nguyễn Việt Thắng kiên định áp dụng nuôi tôm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 tiến hành ương giống từ 20 – 25 ngày, xong xuôi chuyển tiếp sang giai đoạn 2, mật độ 600 con/m2, kéo dài trên 1 tháng. Khi con tôm phát triển cứng cáp sẽ chuyển sang giai đoạn sau cuối, lúc này giảm mật độ xuống 300 con/m2, nuôi trong vòng 1 tháng, khi tôm đạt cỡ 50 – 60 con/kg thì triển khai thu hoạch. Nhiều công đoạn hơn nhưng thời gian nuôi lại đương tương, chỉ dao động từ 3 – 4 tháng. Nếu không gặp sự cố bất thường, một năm có thể duy trì đều đặn 3 vụ, mỗi vụ thu về cả biển tiền.

Nói có sách mách có chứng, riêng khu nuôi tại xã Nghi Yên đến nay đã thu hoạch tổng cộng 3 vụ. Vụ 1 sản lượng cao chót vót, đạt bình quân 2,5 tấn/bể, 2 vụ sau do đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài nên sản lượng giảm chút đỉnh, rơi xuống còn 2 tấn/bể.

Dù giảm nhưng mức này vẫn nhiều gấp đôi ngưỡng chuẩn, bởi khi nuôi truyền thống tối đa chỉ thu được 4 – 5 tấn hàng trên diện tích 2.000 m2 (quy mô gấp 4 lần) mà thôi.

Lâu nay thị trường tôm loại 100 con/kg bình ổn giá 125.000 đồng/kg, trong khi loại 1, số lượng 50 con/kg đạt đến 200.000 đồng/kg. Được mùa được giá nên chỉ sau 1 năm đưa vào áp dụng gia đình anh Thắng đã thu về trên 4 tỷ đồng/khu nuôi, cơ bản thu hồi được số vốn khổng lồ đã chi ra trước đó.

Tới đây khi khu 2 tại xã Diễn Trung có thành phẩm (quy mô 10 bể, mới thả giống được hơn 2 tháng), chắc hẳn giá trị còn lớn hơn nhiều.

Tiếng lành đồn xa, nguồn hàng của đơn vị không chỉ gói gọn quanh thị trường nội tỉnh mà từng bước vươn rộng, hiện đang trực tiếp cung ứng lượng lớn cho khu vực phía Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Thành công vang dội nhanh chóng tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, thay vì bán tín bán nghi như những ngày đầu nay nhiều hộ đã cất công tìm đến “tầm sư học đạo”.

Chẳng dấu nghề, trái lại anh Thắng còn tận tình chỉ bảo đến nơi đến chốn: “Buôn có hội bán có phường, thị trường là của chung chứ không riêng cá nhân nào hết.

Bản thân tôi mong muốn các hộ trang bị, nắm vững thêm kiến thức chuyên môn, tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn để cùng nhau đưa nghề nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững nhất”.

Công việc đang xuôi chèo mát mái nhưng trước mắt anh chưa có ý định nhân rộng quy mô, phần vì điều kiện tài chính, xa hơn là lộ trình, ông không muốn vội vàng hấp tập, thay vào đó nên đi từng bước để tạo nên nền móng thực vững chắc.

Kỹ sư Nguyễn Việt Thắng SN 1975, anh có 2 con, đứa lớn đang học lớp 12. Khi được hỏi có ý định cho con mình tiếp nối với nghề hay không, anh cười giòn tan: “Nghề nuôi tôm vất vả hơn nuôi con mọn chứ chẳng chơi, mình định hướng chắc gì chúng nó đã thích”.


Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chình mun châu trúc Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chình… Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán 1 lứa cả năm rủng rỉnh tiền tiêu Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán…