Nuôi Trâu Lấy Thịt
Việc chuyển chăn nuôi theo hướng phát triển đàn trâu lấy thịt đang được nhiều địa phương miền núi Đại Lộc chú trọng.
Thực tế tại nhiều địa phương của Đại Lộc như: Đại Hồng, Đại Chánh, Đại Sơn, Đại Hưng… trâu là vật nuôi được bà con chú trọng. Việc nuôi trâu để tạo sức kéo, cày bừa không còn được quan trọng mà tạo sản phẩm hàng hóa mới là vấn đề cốt lõi tại các địa phương này.
Giá thành một con trâu 12 tháng tuổi trên thị trường không thua kém giá thành của một con bò. Thành phần dinh dưỡng thịt trâu không thua thịt bò, tỷ lệ mỡ trong thịt trâu (1,6 - 5,6%) thấp hơn ở thịt bò (10 - 22%)…
Nhu cầu về lượng nghé, trâu giống lẫn thị hiếu sử dụng thịt trâu ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ địa phương, chợ đầu mối, thịt trâu trở thành nguồn thực phẩm ưa chuộng tại các nhà hàng, siêu thị. Bà Trần Thị Thê, thôn Tân Đợi, Đại Sơn chia sẻ: “Nuôi trâu chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra, giá thành của trâu cũng không kém bò. Khi cần bán là chúng tôi gọi thương lái tới tận nơi mua.
Hơn nữa, nuôi trâu có phần dễ hơn nuôi bò vì đây là con vật dễ thích nghi, ít dịch bệnh”. Hiện, gia đình bà Thê có đàn trâu lên tới 14 - 15 con, nhờ nuôi trâu, cuộc sống gia đình bà ngày càng được cải thiện, nhà cửa trở nên khang trang. Tại Đại Sơn, hộ nuôi ít nhất là 1 - 2 con và có gia đình đã nhân nuôi đàn với số lượng lên tới hàng chục con.
Với địa hình vùng rốn lũ Đại Hưng thì nuôi trâu là mô hình triển vọng, ít bị thiệt hại do thiên tai hay ít bị dịch hại tấn công. Đặc biệt, trâu nước (trâu đầm lầy) vốn dễ nuôi, dễ thích nghi với khí hậu, thời tiết. Tận dụng ưu thế nguồn thức ăn tự nhiên từ rừng đồi, đồng ruộng, bãi bồi hoang ven sông bên cạnh nguồn rơm rạ dự trữ sử dụng dần dần hay trồng cỏ trong vườn đồi, bà con đã mạnh dạn nhân đàn.
Ông Hà Xuân Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng: Nuôi trâu lấy thịt đang là xu hướng phát triển mới ở Đại Hưng những năm qua, hiện các thôn An Điềm, Đại Mỹ, Thạnh Đại… là những thôn có đàn trâu phát triển mạnh.
“Để hạn chế việc để trâu bò xâm hại tài nguyên rừng, phá hoại mùa màng, tài sản của dân, địa phương đã tuyên truyền người dân phát triển chăn nuôi theo hướng thâm canh, thay đổi thói quen thả rông đại gia súc, mà thay vào đó là xây dựng chuồng trại, trang trại bài bản. Nhờ đó, đàn trâu không ngừng lớn mạnh” - ông Minh nói.
Tổng đàn trâu trên địa bàn Đại Lộc năm 2014 là 4.200 con. Trước, chất lượng đàn trâu chưa được chú trọng, người chăn nuôi sử dụng giống địa phương để lai tạo khiến chất lượng đàn suy giảm và thoái hóa. Hơn nữa, do lượng đực giống tại các địa phương khá ít nên khâu phối giống, lai tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Nay, công tác giống ngày càng được cải thiện khi trên địa bàn huyện đã du nhập tinh trâu của Việt Nam do Trung tâm Giống Moncada sản suất để lai tạo.
Giống trâu này đã được trung tâm giống chọn lọc nên chất lượng tốt, tránh được sự đồng huyết và một số bệnh khi giao phối trực tiếp. Hiện, tại thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng đã có một số nghé con ra đời từ nguồn giống chất lượng này, ví như hộ ông Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sáu… Qua theo dõi, những cá thể nghé con lai tạo sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và thời tiết, khí hậu tại địa phương.
Tính đến nay, xã Đại Thắng đã lai tạo được trên 30 con nghé. Anh Nguyễn Văn Sự, kỹ thuật dẫn tinh viên xã Đại Thắng chia sẻ: “Do kỹ thuật này còn mới nên người nuôi trâu chưa tiếp cận được thông tin, còn bỡ ngỡ, chưa tin tưởng nên số lượng trâu lai tạo còn hạn chế. Để phát triển tốt, rất cần sự thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi trong việc tiếp cận kỹ thuật lai tạo nhằm tạo ra đàn trâu có chất lượng và phẩm chất thịt tốt”.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201412/nuoi-trau-lay-thit-570190/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ