Mô hình kinh tế Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh

Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh

Ngày đăng 08/09/2015

Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh

Chuyển hướng thâm canh

Gắn bó với nghề nuôi tôm đã nhiều năm nhưng do thiếu vốn nên anh Trương Quang Thư ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) chỉ thả nuôi quảng canh tôm sú, thu hoạch bập bõm, vụ được, vụ mất. Năm 2013, sau khi tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, phát triển mô hình trong chương trình nông thôn mới, anh Thư đã có được điểm tựa để chuyển hướng sang nuôi thâm canh.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Xuân Thành ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) thu hoạch tôm thẻ đạt năng suất 40 tấn/ha.

Cùng với một phần kinh phí hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình anh mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức lót bạt, vỗ bờ xi măng.

Cũng từ đó, môi trường nguồn nước được đảm bảo, dịch bệnh phần nào được hạn chế, nguồn thu nhập từ nuôi tôm của anh ngày một tăng lên. Vụ đầu tiên, anh thu hoạch được 4 tấn trên diện tích 0,5 ha, sau khi trừ chi phí, lãi ròng gần 400 triệu đồng, gấp nhiều lần nuôi tôm sú trước đây.

Niềm vui chuyển đổi được tư duy sản xuất mới, áp dụng kỹ thuật nuôi mang tính bền vững không chỉ đến với gia đình anh Thư mà còn của nhiều người nuôi tôm ở Cẩm Lộc.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên - Lê Ngọc Hà cho biết: Vốn là địa phương có truyền thống, thế mạnh trong nghề nuôi tôm nhưng trước đây, các mô hình chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, tỷ lệ dịch bệnh khá cao.

Các chính sách hỗ trợ lớn cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền trong tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực đã tạo cơ hội để Cẩm Xuyên vận dụng, động viên người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi phần lớn diện tích từ hình thức nuôi tôm quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Đến thời điểm này, toàn huyện đã xóa bỏ hoàn toàn hình thức nuôi quảng canh, chuyển đổi 15% diện tích nuôi bán thâm canh và 85% diện tích nuôi thâm canh.

Những năm trước đây, NTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, thiếu sự đầu tư bài bản, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến dịch bệnh xẩy ra thường xuyên. Nhiều vùng nuôi tôm sú, tôm he chân trắng “thất bát” triền miên, người dân nợ nần chồng chất... Song, từ khi có các chính sách hỗ trợ của tỉnh và các địa phương khuyến khích NTTS theo hướng thâm canh đã mang lại niềm vui cho bà con nuôi tôm.

Không chỉ ở Cẩm Xuyên mà nhiều vùng nuôi tôm ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà... sau khi áp dụng hình thức nuôi tôm trên ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng đều đạt năng suất bình quân 3-4 tấn/ha, mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục NTTS, chính sách hỗ trợ phát triển NTTS của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 có vai trò là đòn bẩy, thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, các nguồn lực hỗ trợ để chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác sang nuôi tôm cho hiệu quả cao hơn, khuyến khích chuyển mạnh từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi công nghiệp, công nghệ cao, an toàn sinh học đã mang lại kết quả rõ rệt.

Năm 2015, diện tích nuôi thâm canh ước đạt 600 ha, tăng 4 lần so với năm 2011. Việc chuyển đổi trong sản xuất đã hạn chế được dịch bệnh, đưa lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy NTTS phát triển mạnh mẽ.

Khai hoang vùng cát

Không chỉ các vùng nuôi truyền thống, những năm gần đây, nghề NTTS ở Hà Tĩnh còn bước sang trang mới khi con người chinh phục những vùng đất cát hoang hóa, bạc màu để xây dựng nên những đầm tôm, ao cá công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Công ty nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương thả giống cá mú tại Dự án nuôi trồng thủy sản thương phẩm công nghệ cao ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân).

Tiên phong trong việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi theo công nghệ cao trên cát là anh Hồ Quang Dũng (Xuân Phổ, Nghi Xuân). Mạnh dạn huy động vốn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống ao đầm bài bản, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, ngay trong vụ đầu tiên, mô hình nuôi tôm trên cát của anh đã cho năng suất 20 tấn/ha - lập kỷ lục ở thời điểm 2010.

Anh Dũng cho biết, sau thành công đó, anh tiếp tục ứng dụng quy trình nuôi tôm theo công nghệ sinh học đạt năng suất gần 40 tấn/ha. Mô hình của anh đã đón rất nhiều bà con nuôi tôm đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Từ những mô hình điểm, phong trào nuôi tôm trên cát đã lan tỏa, phát triển mạnh mẽ trên khắp toàn tỉnh, nhiều diện tích đất cát hoang hóa ven biển, đất sản xuất muối kém hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Phát triển nuôi tôm theo hình thức thâm canh, thâm canh công nghệ cao được sở tập trung chỉ đạo với quyết tâm nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế trên vùng đất hoang hóa bao đời.

Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công trên 100 ha từ đất cát hoang hóa hoặc trồng cây hiệu quả thấp sang nuôi tôm trên cát cho năng suất, hiệu quả vượt trội, đồng thời, phát triển mới hàng chục trang trại nuôi tôm trên cát cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm, diện tích nuôi tôm trên cát năm 2015 ước đạt 160 ha, tăng 4 lần so với năm 2011.

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trên vùng cát, 2 năm gần đây, dự án nuôi cá bơn, cá mú đang được triển khai ở các xã: Xuân Liên (Nghi Xuân); Thạch Lạc, Thạch Trị (Thạch Hà); Cẩm Dương (Cẩm Xuyên). Đến thời điểm này, cá mú phát triển tốt, đạt kích cỡ từ 0,3–0,5 kg, dự kiến cho thu hoạch vào tháng 10 năm nay, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn từ đối tượng thủy sản chất lượng cao này.


Thương lái lạ lại thu mua cau non Thương lái lạ lại thu mua cau non Thu hoạch lúa hè thu chạy đua với mưa lũ Thu hoạch lúa hè thu chạy đua với…