Ông Nguyễn Văn Vàng Khá Lên Nhờ Mô Hình Trồng Xen Canh
Trở về cuộc sống đời thường, không vốn, không kinh nghiệm sản xuất, những người cựu chiến binh (CCB) đã gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Thế nhưng, với tinh thần không lùi bước, dám nghĩ dám làm, CCB Nguyễn Văn Vàng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã nỗ lực vươn lên, từng bước ổn định kinh tế gia đình.
Xuất thân từ gia đình nông dân, năm 1984, ông Vàng đi bộ đội và tham gia ở chiến trường Campuchia, đến cuối năm 1987, ông trở về quê hương. Những năm tháng ác liệt của chiến trường khói lửa, đạn bom, mỗi khi nhắc tới, ông vẫn còn nhớ như in, bởi nơi đó, ông đã may mắn sống sót trở về trong khi và biết bao đồng đội đã ngã xuống.
Trở về địa phương, ông bắt tay ngay vào lao động, sản xuất. Chính những gian khổ của thời chiến, đã tôi luyện cho người lính cụ Hồ bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách. Bước đầu, ông ra sức cải tạo số đất ít ỏi chưa đầy 1.000 m2 của gia đình và trồng bông huệ, do lợi nhuận không cao, ông chuyển sang trồng táo, ổi, thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch thì lại rớt giá, có lúc ông định bỏ đất. Thế nhưng, ông bàn với vợ, lấy hết vốn dành dụm của gia đình và mua thêm 2 công đất về trồng sa pô. Lần này, "đất lành nở hoa", cây phát triển tốt đúng như sự mong đợi của gia đình.
Thấy đất còn trống, ông trồng xen canh các loại rau từ tía tô, rau quế, cần tàu, ngò gai... vừa giữ ẩm cho đất, vừa tiết kiệm được chi phí lại có thêm thu nhập chăm lo cho vườn sa pô. Hiện tại sa pô đang cho trái sai với giá 10.000 đến 12.000 đồng/kg, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ngò gai đang chuẩn bị thu hoạch từ 12 đến 15 tấn, giá hiện tại khoảng 8.000 đồng/kg, ông thu về 70 - 80 triệu đồng. Hàng năm chỉ tính từ việc trồng xen canh các loại rau màu vào vườn sa pô, mang về cho ông nguồn thu hơn 100 triệu đồng, giúp gia đình có thêm kinh phí đầu tư vào cây trồng chủ lực mà gia đình ông đã lựa chọn.
Nói về cây sa pô, ông Vàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc: "Trước khi trồng sa pô, phải xử lý đất bằng vôi bột và bót lót phân hữu cơ phía dưới. Cây ra đọt non phải phun thuốc để tránh sâu rầy, đồng thời phun thuốc định kỳ để phòng trừ sâu đục thân và đục trái. Bình quân cây trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái, thông thường năng suất năm sau cao gấp đôi năm trước nếu chăm sóc, xử lý đúng cách".
Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh những loại sâu bệnh thường gặp như bệnh thối trái, rệp sáp thì sâu đục cành là đối tượng thường gây hại nhiều và rất khó phòng trị, vì chúng nằm sâu bên trong cành, trong thân cây, thuốc hóa học không thể thấm được vào bên trong cành, trong cây mỗi khi phun thuốc. Sâu đục từ trên ngọn xuống, càng lớn chúng càng đục ăn sâu hơn vào phần gỗ, làm cho cành bị suy yếu, lá bị vàng, còi cọc, ít trái, trái bị rụng nhiều... Nếu không diệt trừ kịp thời, để sâu đục vào đến tim cành thì cành bị chết, nếu sâu đục xuống đến gốc, thì chết cả cây.
Đã gần 50 tuổi đời, sức khỏe không còn dẻo dai, nhưng nhìn dáng vẻ làm việc hăng say, tay thoăn thoắt cắt cành, tỉa lá, bón phân, tưới nước, chăm sóc kỹ lưỡng cho vườn cây ăn trái và vườn rau màu của mình, ông chí thú làm ăn , ngày trước kiên cường như thế nào, thì ngày nay dẻo dai và tràn đầy nhiệt huyết như thế ấy!
Ông Vàng tâm sự: "Thời chiến, khó khăn ác liệt như vậy mình còn sống sót trở về đã là may mắn lắm rồi. Thời bình, mình phải ra sức phấn đấu không ngừng, phát huy vai trò sức mạnh anh bộ đội cụ Hồ để phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương, ra sức xây dựng quê hương đất nước, chứng minh được dù mình tàn nhưng không phế, biết đứng vững trên đôi chân không trọn được vẹn của mình".
Khi kinh tế gia đình đi vào ổn định, ông mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi cây trồng cho phù hợp; đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong việc trồng xen canh rau màu có hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại mô hình trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài của gia đình ông được Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã chọn làm mô hình điểm để bà con tham quan, học tập, rút kinh nghiệm.
Từ khi phát động chủ trương xây dựng Nông thôn mới (NTM), ông Vàng đã tích cực vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM bằng nhiều biện pháp thiết thực như: tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng NTM, hiến đất xây dựng nên những con đường khang trang, sạch đẹp. Chính những đóng góp của ông Vàng đã giúp cho Hội CCB xã Long Hưng ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo được niềm tin trong lòng người dân về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ, kiên trung tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường.
Nhắc đến ông Vàng - người CCB chịu thương, chịu khó, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hội CCB xã Long Hưng hết lời khen ngợi: "Hội CCB xã luôn đề cao vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Vàng. Đồng chí rất tốt, nhiệt tình, năng động trong công tác Hội, luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của bà con trong vùng, tìm tòi, học hỏi, đề xuất những sáng kiến hay giúp CCB ấp, xã phát triển tốt. Chúng tôi rất tự hào về đồng chí Vàng".
Những "quả ngọt" mà ông có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, cùng ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con khôn lớn, nên người.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ