Ớt, Hành Hàn Quốc Năng Suất Khủng
Giống ớt của Hàn Quốc trồng thử nghiệm tại nước ta cho năng suất 20 - 21 tấn/ha, còn giống hành lá cho năng suất tới 70 tấn/ha, cao gấp 2 - 3 lần các giống bản địa.
Được sự hỗ trợ từ dự án Nông nghiệp quốc tế của Hàn Quốc tại Việt Nam (KOPIA), vụ đông 2012, Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với UBND huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) triển khai thí điểm mô hình SX thử nghiệm một số giống cây trồng của Hàn Quốc tại xã Nguyễn Huệ.
Theo đó, phía Hàn Quốc đã cung cấp 7 giống gồm khoai lang, khoai tây, hành lá, bí ngô, cà rốt và ớt để trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha, gồm 29 hộ dân tham gia. Mặc dù mới vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, lại gặp khó khăn do ảnh hưởng của các đợt mưa bão đầu vụ gieo trồng, tuy nhiên, một số giống rau đã cho kết quả hết sức bất ngờ.
Nổi bật phải kể đến giống ớt Sangseong 5 và giống hành lá Huk keum jang 2 Yang Yeul 1 (gọi tắt là Huk). Đây là 2 giống rau có khả năng mở ra nhiều triển vọng cho việc SX quy mô lớn trong vụ đông ở miền Bắc phục vụ chế biến XK.
Tại HTX Nguyễn Huệ, giống ớt Sangseong 5 được trồng ngày 15/10/2012 trên diện tích 3.000 m2, đến nay toàn bộ diện tích đều sinh trưởng phát triển tốt, bắt đầu chuyển sang giai đoạn chín quả và dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 2/2013.
Điểm bắt mắt nhất khi tới thăm mô hình giống ớt này, đó là quả sai trĩu trịt. Nhờ đặc điểm tán cành dày và rộng, tỉ lệ đậu quả cao nên năng suất giống ớt Sangseong 5 vượt trội so với các giống đối chứng khác. Theo thống kê của HTX Nguyễn Huệ, trung bình mỗi gốc có từ 45 - 47 quả, với tổng trọng lượng từ 0,5 - 0,8 kg/gốc, tương đương năng suất trung bình từ 20 - 21 tấn/ha.
So với giống ớt Hot Chilli được trồng đối chứng tại đây, năng suất của giống ớt Sangseong 5 cao gấp gần 2 lần. Về chất lượng, giống ớt Sangseong 5 có chiều dài, đường kính và độ dày thịt quả tương đương hoặc cao hơn giống đối chứng. HTX Nguyễn Huệ tính toán, với chi phí đầu tư khoảng 1,9 - 2 triệu đồng/sào, mỗi ha ớt Sangseong 5 sẽ cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng vụ đông khác.
Giống hành lá Huk được trồng thử nghiệm tại HTX Nguyễn Huệ ngày 10/11/2012, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. “Thể hình” của giống hành này “vạm vỡ” chẳng khác gì những gốc tỏi tây, với chiều cao trung bình 80 cm, lá to gấp đôi giống hành lá Dam thông dụng ở Việt Nam, có mùi thơm đậm.
Mặc dù mới trồng thử vụ đầu nhưng khả năng chống chịu bệnh của giống hành này rất tốt. Lá gốc, đầu các ngọn lá gần như sạch bệnh, không bị “dính” bệnh sương mai, héo rũ như giống hành truyền thống. Sự khác biệt nữa của giống hành này, đó là có khả năng cho thu hoạch tái sinh tới 3 - 4 lần.
Cách thu hoạch giống hành này cũng rất đặc biệt. Sau khi gieo trồng khoảng 20 ngày, hành có khả năng cho thu hoạch lứa đầu bằng cách cắt sát gốc (khác với nhổ cả gốc của giống hành lá Dam). Sau đó cây sẽ tiếp tục nảy chồi mới. Thời gian thu hoạch tái sinh có thể kéo dài trong 2 tháng sau lứa thu hoạch đầu và có thể thu hoạch tối đa tới 4 lứa tái sinh. Nhờ đó, năng suất/vòng đời của giống hành lá này rất “khủng”, tới trên 70 tấn/ha, gấp 2,5 - 3 lần so với giống hành lá truyền thống.
Do mới lần đầu xuất hiện tại VN nên giống hành lá Huk còn rất lạ lẫm với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ưu thế vượt trội về năng suất nên đây là giống có thể sẽ mở ra triển vọng lớn cho chế biến XK. Tiến sỹ Cho Won Dea, GĐ dự án KOPIA cho biết tại Hàn Quốc, giống hành này được SX trên quy mô lớn để phục vụ cho việc chế biến gia vị và phục vụ cho các NM chế biến thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng gói.
Nếu việc trồng thử nghiệm giống hành này đạt yêu cầu về năng suất và chất lượng, một số DN của Hàn Quốc sẽ trực tiếp đầu tư mở rộng diện tích và trực tiếp thu mua sản phẩm đưa về Hàn Quốc chế biến. Hiện tại, một DN Hàn Quốc tại VN đã có thỏa thuận hợp tác với huyện Đông Triều SX và tiêu thụ hành lá và ớt.
Ngoài 2 giống hành lá Huk và ớt Sangseong 5, một số giống như củ cải Park Dal, bí ngô Danmat Metdol và khoai tây Sumi của Hàn Quốc trồng thử nghiệm tại Quảng Ninh cũng cho thấy khả năng thích nghi, năng suất và sản lượng rất khá, có triển vọng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ