Mô hình kinh tế Phát hiện lợn ăn chất cấm phải tiêu hủy luôn

Phát hiện lợn ăn chất cấm phải tiêu hủy luôn

Ngày đăng 19/10/2015

Phát hiện lợn ăn chất cấm phải tiêu hủy luôn

Khó tiêu hủy lợn ngay trong lần đầu

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng:

“Để xử lý vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là rất phức tạp và khó khăn, ngoài việc các đối tượng đang sử dụng chất cấm rất tinh vi và vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả thì còn có những nguyên nhân khách quan khác.

Đó là hiện trong lĩnh vực chăn nuôi dù chất salbutamol đã bị cấm nhưng lại là một chất được chỉ định hỗ trợ điều trị đối với các bệnh hen, suyễn.

Do đó, kẻ xấu có thể dễ dàng mua  chất cấm này ở bất cứ đâu”.

Người tiêu dùng lo ngại trước vấn nạn thịt lợn có chất tạo nạc.

Theo ông Dương, tận dụng kẽ hở trên, nhiều đối tượng đã sử dụng salbutamol để tăng trọng lợn khiến cho ngành nông nghiệp rất khó kiểm soát.

Theo quy định, nếu phát hiện sử dụng chất cấm thì xử lý hành chính, phạt tiền và buộc tiêu hủy toàn bộ lô thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chứa chất cấm.

“Nếu tái phạm lần thứ hai, tôi ủng hộ phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn là tiêu hủy toàn bộ số lợn đã ăn chất cấm đồng thời phải xử lý hình sự đối với hành vi cố tình làm tổn hại tới sức khỏe người khác”- ông Dương nói.

Còn theo ông Đinh Văn Cải – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Nếu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn ra và khó kiểm soát thì các cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý người nuôi sử dụng chất cấm bằng các biện pháp mạnh tay hơn.

Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm phải tiêu hủy lợn đã ăn chất cấm, không cho bán ra thị trường gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.

“Người sử dụng chất cấm không chỉ làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi chân chính, mà tác hại hơn nữa là làm tổn hại tới người tiêu dùng, tổn hại tới giống nòi… Một xã hội văn minh thì không thể chấp nhận những hành vi phi đạo đức như thế được, cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe”- ông Cải nói.

Đủ cơ sở pháp lý tiêu hủy lợn ăn chất cấm

"Trường hợp phát hiện thịt lợn dương tính với chất tạo nạc, theo quy định tại Thông tư số 57 của Bộ NNPTNT,  thì buộc cơ sở giết mổ tiêu hủy toàn bộ số gia súc hoặc tiếp tục nuôi nhốt cho đến khi có kết quả âm tính với chất tạo nạc mới được giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ;

Buộc cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm gia súc, gia cầm”.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Bà Nguyễn Thị Hương (thị trấn Chuối, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng:

"Thịt lợn là thức ăn phổ biến cho các gia đình.

Nay nghe thông tin người ta sử dụng chất tạo nạc để chăn nuôi, tôi rất hoang mang và lo sợ cho sức khỏe.

Tôi nghĩ, Nhà nước cần có biện pháp mạnh xử lý cả người chăn nuôi và người bán thịt sử dụng chất cấm và đặc biệt phải tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đó".

Còn bà Nguyễn Thanh Hằng ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội than phiền: “Hết rau sử dụng chất kích thích, tồn dư thuốc BVTV giờ lại đến thịt lợn có chất tạo nạc.

Cho dù thế nào chăng nữa, một khi đã sử dụng hóa chất để tạo nạc đều là không tốt, ấy là chưa kể qua báo đài tôi được biết đây là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Bởi vậy ngoài việc phải ngăn chặn từ gốc trong quá trình chăn nuôi thì cần phải tăng cường kiểm tra, tiêu hủy thịt lợn có chất tạo nạc".

Về việc xử lý và tiêu hủy chất cấm, cũng như lợn ăn phải chất cấm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội) cho rằng: “Chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist nằm trong danh mục cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Theo quy định tại Điều 36, Nghị định số 119 năm 2013 của Chính phủ, người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tiền.

Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ; buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm.

Tuy nhiên với những tác hại khôn lường gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng khi ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc như ngộ độc, rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành...- theo luật sư Tuấn, các biện pháp xử lý hành chính như trên là quá nhẹ, có thể dẫn đến “nhờn luật”.

Ngoài ra, quy định “tiếp tục nuôi nhốt cho đến khi có kết quả âm tính với chất tạo nạc” là một kẽ hở.

“Anh có ở đó theo dõi cả ngày, đêm cho đến khi “có kết quả âm tính” được không? Vậy nên tôi cho rằng khi đã phát hiện vi phạm là tiêu hủy toàn bộ.

Làm như vậy người chăn nuôi sẽ không dám vi phạm nữa"- luật sư Tuấn nêu quan điểm.

Có thể gây ung thư

Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Thanh tra, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã nắm được thông tin ở một số địa phương có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Trong sự việc này, phân công trách nhiệm do Bộ NNPTNT quản lý, giám sát.

Do đó, trước mắt Bộ NNPTNT nên thanh tra, rà soát trước.

Khi nào cần sự phối hợp, Bộ NNPTNT sẽ đề nghị các bộ, ngành khác tham gia trong đó có y tế”.

Tồn dư của chất tạo nạc có thể gây ung thư.

 Theo ông Châu, chất sabutamol là chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi, bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này.

Chất cấm trong chăn nuôi có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trọng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô cơ ở vật nuôi.

Đây cũng là những chất không thể tiêu hủy được trong cơ thể vật nuôi.  Nếu người sử dụng thức ăn có những chất cấm này thì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, gây ngộ độc thực phẩm.

Chất độc tích tụ trong gan, các bệnh ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương…, thậm chí tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.

Trả lời câu hỏi, với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi nhiễm chất cấm, ngành y tế sẽ xử lý như thế nào, ông Châu cho hay:

“Chỉ khi nào những sản phẩm gia cầm, chăn nuôi thành sản phẩm như xúc xích, sản phẩm đóng gói… ngành y tế mới thanh tra kiểm tra về nguồn gốc, điều kiện công bố sản phẩm. 

Tuy nhiên, theo tôi, phải tăng mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở bị phát hiện dùng chất cấm trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần phải tiêu hủy toàn bộ số đàn lợn bị phát hiện chất cấm, thay vì chỉ giữ một vài ngày rồi trả lại cho chủ trại như hiện nay”.


Sản lượng thủy sản tăng 20% so cùng kỳ Sản lượng thủy sản tăng 20% so cùng… Bí kíp nuôi cá lồng trên sông hồ chứa Bí kíp nuôi cá lồng trên sông hồ…