Phát Triển Cây Ăn Quả Ở Chợ Mới
Xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Những năm gần đây, huyện Chợ Mới đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn dựa vào điều kiện tự nhiên phù hợp với cây trồng.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp. Từ lợi thế tiềm năng của địa phương, huyện Chợ Mới đã đã xác định hướng đi phù hợp tạo thế mạnh của từng vùng, từng loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Dựa vào điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, diện tích cây cam quýt của huyện Chợ Mới tập trung chủ yếu tại các xã: Thanh Bình, Thanh Vận, Mai Lạp, Thanh Mai, Như Cố, Yên Hân và Yên Cư. Đây là vùng có lợi thế về đất đai là đồi núi, có độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối dồi dào so với các vùng khác trong huyện, chính vì vậy rất phù hợp với việc phát triển các loại cây trồng này.
Từ năm 2004 đến nay toàn huyện đã trồng mới được hơn 100ha cam, quýt từ các chương trình phát triển cây con có giá trị kinh tế cao, Chương trình 135 và một số chương trình khác.
Cây cam, quýt tại các xã vùng phía Tây đã bắt đầu cho thu hoạch, một số hộ dân tại vùng này đã có những trang trại trồng cam, quýt với quy mô nhỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Riêng năm 2014, huyện phấn đấu trồng mới 15ha cây cam quýt.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của loại cây ăn quả đặc sản này nên diện tích trồng mới cây cam quýt tại địa phương đã tăng lên gần 25ha, vượt hơn 60% so với kế hoạch. Tuy nhiên việc trồng cây cam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng hàng hóa chưa đủ lớn so với nhu cầu của thị trường.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam, quýt mang lại nên người dân ở địa phương bắt đầu chủ động mở rộng diện tích trên những vùng đất phù hợp với cây ăn quả có múi. Ngoài ra, vẫn còn một số diện tích cây cam quýt người dân đã trồng rải rác tại các xã: Tân Sơn, Hòa Mục, Yên Đĩnh và thị trấn Chợ Mới. Như vậy, diện tích trồng loại cây này trên thực tế có thể còn cao hơn. Việc người dân chủ động mở rộng diện tích trồng cây cam quýt cho thấy bà con đã có ý thức tự giác tìm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Cùng với cây cam, quýt, một số địa phương ở huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đưa cây chuối tây vào trồng, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Cây chuối tây được trồng nhiều năm ở xã Cao Kỳ, Tân Sơn, Thanh Vận. Sau khi khẳng định được giá trị kinh tế của cây chuối tây, huyện đã chủ động hỗ trợ một số xã thúc đẩy cây trồng này phát triển. Đến nay toàn huyện có khoảng gần 200ha cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau.
Xã Thanh Vận là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển loại cây trồng này từ năm 2007. Đến nay diện tích trồng chuối toàn xã lên tới hơn 100ha, và là địa phương có diện tích trồng cây chuối tây lớn nhất của huyện Chợ Mới. Các thôn trồng nhiều tập trung chủ yếu ở thôn Pá Lải, Nà Rẫy, Nà Chúa, Nà Đon. Trong những năm qua cây chuối tây thật sự là cây xoá đói giảm nghèo cho người dân, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, cây hồng không hạt được định hướng phát triển tập trung ở các xã phía Đông và một số xã vùng trung tâm, diện tích toàn huyện hiện có khoảng gần 90ha. Nhưng đến nay người dân chưa có thu nhập từ sản phẩm này, sản phẩm bán ra thị trường còn ít, chưa khẳng định được vị thế và tầm quan trọng đối với kinh tế huyện.
Đồng chí Bế Ngọc Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Thời gian tới, huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai hỗ trợ nông dân về cây con giống và tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích xây dựng hạ tầng sản xuất, thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm quả, không để tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng ra thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện cũng gặp những khó khăn như diện tích trồng cây ăn quả còn manh mún, chủ yếu theo hướng tự phát, trong khi chất lượng cây giống chưa bảo đảm nên sản phẩm quả không đồng đều về hình dạng, màu sắc và kích thước...
Thực tế cho thấy, phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện đã mở ra nhiều triển vọng đối với kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các loại cây ăn quả, ngoài thị trường tiêu thụ ổn định cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương thì chính người nông dân cần chủ động trong áp dụng các phương pháp cải tạo, chọn lọc và loại bỏ giống chất lượng thấp để đạt năng suất cao nhất.
Đồng thời khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển theo hướng hàng hoá góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương.
Nguồn bài viết: http://www.baobackan.org.vn/channel/1121/201411/phat-trien-cay-an-qua-o-cho-moi-2353113/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ