Mô hình kinh tế Phát Triển Kinh Tế Biển

Phát Triển Kinh Tế Biển

Ngày đăng 29/07/2013

Phát Triển Kinh Tế Biển

Là xã ven biển, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, được thực hiện có hiệu quả, giúp vùng quê biển này ngày càng “thay da, đổi thịt”.

Sự khởi sắc đi lên của Phước Dinh được thể hiện rõ nét qua những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều dọc theo trục đường vào xã… Ông Nguyễn Xuân Năng, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, cho biết: kinh tế biển là hướng kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu nền kinh tế địa phương, cho thu nhập cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhân dân.

Từ quan điểm đó, cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư vào khai thác, nuôi trồng thủy- hải sản. Toàn xã hiện có 183 tàu thuyền với tổng công suất 7.746CV, trong đó 47 chiếc có công suất 90CV trở lên. Năm 2012, sản lượng khai thác, đánh bắt đạt trên 4.500 tấn, vượt 117 % kế hoạch, tăng 6,6 % so với cùng kỳ. Diện tích nuôi tôm 240 ha, sản lượng thu hoạch được 1.530 tấn, đạt 41,57% kế hoạch.

Đặc biệt, năm qua địa phương đã thành lập 2 Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển, 1 Tổ nuôi tôm an toàn và 1 Chi hội Nuôi tôm. Đồng thời, triển khai dự án nuôi rong sụn, hỗ trợ 25 hộ vay vốn, với tổng số tiền 500 triệu đồng, đến nay, diện tích thả nuôi được nhân rộng hơn 30ha.

Phước Dinh hiện có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, là tiền đề phát triển kinh tế toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đáng mừng là ngày càng có nhiều ngư dân sản xuất, kinh doanh giỏi với doanh thu hàng năm đạt vài tỉ đồng trở lên. Điển hình như ông Tu Thanh Hường, ở thôn Sơn Hải 1 hiện có trên 5ha nuôi tôm, sản lượng mỗi năm đạt hơn 100 tấn, bình quân mỗi năm gia đình ông thu hơn 10 tỷ đồng; ông Võ Văn Sơn, thôn Sơn Hải 1, với diện tích nuôi tôm gần 15ha, mỗi năm thu hơn 20 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Sơn Hải 2 với mô hình nuôi rong sụn trên 1ha mặt nước, sản lượng đạt 60 tấn/ vụ, giúp ổn định kinh tế gia đình và góp phần vào việc phát triển kinh tế tại địa phương.

Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh, chế biến cá cơm xuất khẩu, như Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Minh Ái, thôn Sơn Hải 1, mỗi năm gia đình ông chế biến 500 tấn cá khô xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc mang lại thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.

Kinh tế biển phát triển kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá cùng phát triển như kinh doanh xăng dầu, cung ứng nước đá, ngư lưới cụ… . Năm 2012, xã giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động tại địa phương, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 15,8%, giảm 2% so với 2011.

Nhìn chung, tình hình kinh tế của Phước Dinh đạt kết quả khá ấn tượng, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá; chăn nuôi phát triển theo mô hình gia trại có hiệu quả cao; nuôi trồng thủy - hải sản và khai thác kinh tế biển tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh.

Việc xã hội hóa giáo dục được duy trì và đạt kết quả tốt, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân... Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Xuân Năng, địa phương cũng còn một số tồn tại cần sớm được giải quyết, đó là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chậm đổi mới trong nền kinh tế thị trường.

Quy mô sản xuất còn manh mún, chưa thực sự tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn. Nhà nước cần hỗ trợ địa phương hơn nữa về khoa học kỹ thuật, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống luồng lạch, bến cảng. Sớm triển khai xây dựng cầu cảng bến cá Sơn Hải 1 tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đánh bắt hải sản cũng như xây dựng được thương hiệu về hải sản của địa phương….


Mô Hình Kinh Tế Gia Trại Bền Vững Mô Hình Kinh Tế Gia Trại Bền Vững Quảng Sơn Mùa Mía Chín Quảng Sơn Mùa Mía Chín