Phát Triển Nghề Mây Tre Đan Ở Noong Hẹt
Ông Trần Bá Đề, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Chỉ cách đây vài năm, Noong Hẹt là xã thuần nông. Xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới nên việc học nghề và đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn đã được xã Noong Hẹt quan tâm và phát triển.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay, nhưng nghề mây tre đan ở Noong Hẹt đang dần phát huy được những hiệu quả tích cực. Chỉ sau ba tháng học nghề, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như: tre, nứa kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, tính cần cù, chịu khó, người dân xã Noong Hẹt đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống như: rá, rổ, dần, sàng, nong, nia, mâm tre, ếp khẩu, gùi, giỏ, ghế. Có thể nói, nghề mây tre đan là nghề phụ được rất nhiều gia đình lựa chọn, bởi vốn ít, mỗi hộ gia đình chỉ bỏ vốn từ 300.000 - 500.000 đồng là đủ cho 4 người sản xuất, có thể tận dụng được nguồn nhân lực phụ là người già và trẻ em.
Ngoài ra, đây không phải là nghề lao động quá vất vả, lại tranh thủ được thời gian nông nhàn. Bên cạnh việc giúp người dân tăng thêm thu nhập thì đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn còn làm giảm các tệ nạn xã hội, trẻ em sau những giờ học có thể phụ giúp cha mẹ đan lát, người già thì sáng tạo các mẫu mã sản phẩm, còn thanh niên trong bản lại tụ tập nhau để chặt tre, nứa, se mây...
Ông Lò Văn Áng cho biết: Từ ngày có thêm nghề mây tre đan, không chỉ riêng gia đình tôi mà còn nhiều gia đình khác trong đội lại có thêm việc để làm những lúc nông nhàn lại có thêm thu nhập. Có thời điểm khách đặt hàng nhiều là cả nhà tôi lại tập trung đan nát. Đầu ra ổn định nên trừ chi phí có tháng tôi thu về từ 4 5 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả từ nghề mây tre đan đem lại, ban đầu, xã chỉ có 100 hộ tại đội 14, 15 tham gia học nghề, nhưng đến nay xã đã phát triển được thêm 30 hộ tại đội 6 và đội 2 tham gia làm nghề mây tre đan. Sản phẩm làm ra đều được làm thủ công từ khâu chẻ mây, tre đến khâu đánh bóng sản phẩm…
Tuy nhiên, việc làm thủ công không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm. Một ngày, một người có thể làm được khoảng từ 3 - 4 chiếc ếp khẩu, với những sản phẩm phức tạp hơn như mâm tre thì 5 ngày hoàn thành một chiếc Giá thành các sản phẩm mây tre đan trên thị trường cũng có giá tương đối cao như: mâm tre to có giá từ 600.000 700.000 đồng/chiếc, mâm tre nhỏ có giá từ 300.000 400.000 đồng/chiếc, ếp khẩu có giá từ 10.000 20.000 đồng/chiếc, ghế mây có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc…
Như vậy với một lao động bậc thường cũng có thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nghề mây tre thủ công mỹ nghệ xã Noong Hẹt chủ yếu hoạt động theo hình thức hộ gia đình. Dù mới thành lập nhưng uy tín và chất lượng sản phẩm được làm từ mây tre đã được khách hàng đánh giá khá cao, các thành phẩm đều được làm theo đơn đặt hàng đảm bảo đúng yêu cầu về kỹ thuật, mẫu mã và chủng loại.
Mong rằng trong thời gian tới, nghề mây tre đan xã Noong Hẹt sẽ tiếp tục được phát huy và nhân rộng để nông dân cùng giúp nhau học nghề, phát triển kinh tế, ổn định đời sống và góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tiến tới thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ