Mô hình kinh tế Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ

Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ

Ngày đăng 02/05/2015

Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ

Để tránh trường hợp phát triển “nóng” cá rô phi thì ngay từ bây giờ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc phát triển của đối tượng này

Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát triển “nóng” cá rô phi dẫn đến mất kiểm soát, không gắn với nhu cầu thị trường làm cho sản xuất cá rô phi kém bền vững thì ngay từ bây giờ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc phát triển của đối tượng này.

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2014, diện tích nuôi cá rô phi trong ao hồ cả nước ước đạt 16.000 ha, nuôi lồng bè đạt hơn 410.000m3, ước sản lượng đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Cá rô phi hiện đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước lẫn xuất khẩu và cũng là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành thủy sản. Năm 2015, kế hoạch nuôi cá rô phi trong ao khoảng 21.000 ha, nuôi lồng bè khoảng 1.000.000m3, sản lượng khoảng 150.000 tấn, nhu cầu con giống khoảng 1 tỷ con.

Qua 10 năm phát triển, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm nuôi đối tượng này. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản cũng đã đầu tư nhiều dây chuyển sản xuất thức ăn cá rô phi công nghiệp. Các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu hoàn toàn có thể chuyển sang chế biến cá rô phi mà không cần phải đầu tư nhiều.

Hơn nữa, nước ta có thể phát triển nuôi cá rô phi không những ở các ao hồ, lồng bè nước ngọt mà còn có thể nuôi cá rô phi ở các vùng nước lợ ven biển với chất lượng thịt cao hơn. Trong khi đó, nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc chỉ nuôi cá rô phi trong các vùng nước ngọt.

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới rất lớn và ngày càng tăng cao nên đây là mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng. Trong 10 năm gần đây, sản lượng cá rô phi trên toàn thế giới tăng bình quân 15-20%, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất với giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 1,1 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh cũng khiến cho giá cá rô phi tăng đều qua các năm, cụ thể giá cá rô phi năm 2009 chỉ 3,5 USD/kg thì sang năm 2014 giá cá rô phi lên đến 4,5 USD/kg.

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế như vậy nhưng sản xuất cá rô phi tại Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề thị trường, bởi Việt Nam là nước đi sau trong sản xuất cá rô phi nên việc xâm nhập vào các thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn như Mỹ là rất khó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp rất mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của sản xuất cá rô phi nước ta hiện nay là nguồn giống, bởi nguồn giống cá rô phi của Việt Nam chưa tốt, chưa tự chủ được nguồn giống mà phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Chỉ nuôi cá rô phi trong quy hoạch

Để giải quyết khó khăn này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, trong quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt được xác định là sẽ nhập giống tốt ở nước ngoài về nghiên cứu, chọn tạo tiến tới tự sản xuất được giống tốt. Đồng thời, sẽ có những định hướng để các địa phương phát triển vùng nuôi cá rô phi gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để sản xuất cá rô phi phát triển phù hợp với thị trường tiêu thụ.

Mới đây, Tổng cục Thủy sản cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường quản lý nuôi cá rô phi. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra và đôn đốc công tác sản xuất cá rô phi của địa phương để cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cá rô phi tại địa phương theo quy định hiện hành như kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh; kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống cá rô phi trước khi xuất bán.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nuôi, chỉ đạo phát triển nuôi cá rô phi theo quy hoạch chi tiết của từng địa phương phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội. Không phát triển nuôi lồng bè tràn lan trên các dòng sông ngoài quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông; phát triển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về giao thông đường thủy, an toàn đê điều trong nuôi cá lồng bè.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi cá rô phi thương phẩm áp dụng theo quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Các tỉnh có nghề nuôi cá lồng bè cần phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, giao thông đường thủy nội địa… để người nuôi cá lồng bè biết thực hiện nhằm giảm thiểu những vi phạm và rủi ro không mong muốn.


Khánh Hòa hỗ trợ 6.000kg rong sụn giống cho người dân Khánh Hòa hỗ trợ 6.000kg rong sụn giống… Nghề khai thác và ương nuôi tôm hùm đầy thách thức Nghề khai thác và ương nuôi tôm hùm…