Mô hình kinh tế Phát triển trang trại chăn nuôi những vấn đề đặt ra

Phát triển trang trại chăn nuôi những vấn đề đặt ra

Ngày đăng 28/05/2015

Phát triển trang trại chăn nuôi những vấn đề đặt ra

Phát triển trang trại chăn nuôi đã góp phần đưa giá trị tăng thêm ngành chăn nuôi năm 2014 đạt 2.656 tỷ đồng, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để phát triển trang trại chăn nuôi bền vững còn nhiều vấn đề đặt ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 93 trang trại, 10 doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó 25 trang trại có hình thức liên kết với các công ty nước ngoài như: CP Group, RYD, Japacomfeed. Số gia trại chăn nuôi phát triển mạnh với 2.400 gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 50-300 con/hộ và chăn nuôi gia cầm với quy mô 500-2.000 con/hộ. Phú Thọ đang là địa phương có đàn lợn, đàn gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, chỉ sau Bắc Giang.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Anh Lê Thanh Sự ở khu 5 xã Đỗ Sơn (huyện Thanh Ba) đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô lớn nuôi 15 nghìn con gà thịt mỗi lứa. Mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nội,… hơn 40 nghìn con gà, thu nhập hàng tỷ đồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ đã mạnh dạn đầu tư  nuôi 40 con lợn nái ngoại và 300 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng 600 con lợn thịt, trừ chi phí thu lãi 300-400 triệu đồng.  Nhờ phát triển chăn nuôi gia đình anh đã thoát khỏi khó khăn, thiếu thốn và đã có của ăn, của để.

Anh Lê Đình Hưởng ở xã Trung Thịnh (huyện Thanh Thủy) nuôi 100 con lợn nái, 700 con lợn thịt, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 100 tấn lợn thịt. Cùng với nuôi lợn anh đầu tư nuôi cá, trồng bưởi Diễn, ổi Hưng Yên, mỗi năm thu nhập 600-700 triệu đồng. Anh Hưởng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như bao hộ dân ở nơi đây chỉ trông vào mấy sào ruộng làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Không cam chịu cảnh nghèo đói tôi quyết tâm đi các nơi và xem ti vi, đọc sách báo để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Khi đã học được một số mô hình hay tôi đã vận động bà con hàng xóm dồn đổi ruộng đất, bán đất cho mình để có điều kiện làm trang trại. Nhờ làm trang trại chăn nuôi gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Tuy nhiên, phát triển trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số các trang trại quy mô nhỏ lẻ; thiếu sự quy hoạch tổng thể lâu dài của các địa phương dẫn đến các trang trại phát triển manh mún, thiếu sự đầu tư, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian giao đất, cho thuê đất; thủ tục giao đất cho thuê đất còn nhiều khó khăn; thủ tục cấp GCNQSDĐ còn chậm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của các trang trại. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ trang trại còn nhiều hạn chế.

Sản phẩm chăn nuôi của các trang trại làm ra chủ yếu tiêu thụ qua các thương lái nên thường bị ép giá gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các chủ trang trại còn khó khăn. Anh Nguyễn Văn Nam - Chủ trang trại chăn nuôi ở thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) bộc bạch: “Thấy chăn nuôi có hiệu quả, gia đình tôi muốn mở rộng quy mô đến 100 nái, tuy nhiên việc vay vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn, lãi suất cao. Hơn nữa, giá sản phẩm chăn nuôi hiện nay còn bấp bênh, tình trạng bị tư thương ép giá còn xảy ra. Chi phí đầu vào tăng cao; dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi quy mô lớn như chúng tôi không khỏi lo lắng”.

Để phát triển trang trại chăn nuôi bền vững, đồng chí Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Ngành Nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp: Xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi nhằm sắp xếp chăn nuôi theo quy hoạch đồng bộ; phát triển chăn nuôi thành vùng tập trung hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi thú y. Trước thực trạng hiện nay đa số các trang trại, gia trại chăn nuôi chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y; hoạt động chăn nuôi diễn ra tự do gây ô nhiễm môi trường; hiện tượng xuất nhập đàn không qua chứng nhận kiểm dịch còn phổ biến nên dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có quy định cụ thể về quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi nên công tác quản lý hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt hiện nay, Sở đang đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Về thủy sản, đẩy mạnh hướng dẫn áp dụng TBKT đầu tư thâm canh; nâng cao tỷ lệ thủy sản giống mới, giống thủy sản đặc sản cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao”.

Để phát triển trang trại chăn nuôi, các địa phương cần có quy hoạch đất đai, định hướng đất đai vùng chăn nuôi công nghiệp, tập trung; chú trọng chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi. Việc quy hoạch trang trại chăn nuôi cần gắn với đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến. Cần sử dụng giống có chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; chú trọng xây dựng chuồng trại thiết bị tiên tiến. Chú trọng mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ trang trại. Một giải pháp quan trọng không thể thiếu trong phát triển trang trại chăn nuôi đó là cần quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường.


Tam Nông tổng kết mô hình trình diễn giống lúa lai GS55 và GS19 Tam Nông tổng kết mô hình trình diễn… Phụ nữ Quang Bình vươn lên làm giàu nhờ nuôi lợn, trồng chè Phụ nữ Quang Bình vươn lên làm giàu…