Phòng bệnh cá vụ xuân hè
Nhằm giúp bà con nuôi cá giảm bớt tổn thất, xin giới thiệu một số biện pháp phòng bệnh cho cá vụ đông xuân và hè thu.
Một số hiện tượng bệnh làm cá chết
Khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân (tháng 1 đến tháng 3), mùa thu sang mùa đông (tháng 9 đến tháng 10), nhiệt độ, khí hậu biến đổi thất thường, cá thích ứng không kịp, các vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh làm cá chết.
Bệnh đốm đỏ: Trên thân cá, ở gốc vây ngực, vùng bụng, đuôi xuất hiện một số đốm đỏ, da, vây dộp lên, có máu chảy ra, cá cụt đuôi, bơi lửng lơ trong nước. Bệnh nặng làm cá nổi lên, máu chảy ra ở hậu môn.
Cá bị ngạt: Thời tiết mùa xuân chuyển sang mùa hè, cá nổi đầu do thiếu ôxy, kéo dài từ đêm đến sáng (8-9 giờ) không chìm; làm cá chết ngạt, cá trắm chết trước, các cá khác chết sau.
Cá bội thực: Sau những ngày trú đông bị đói, sang xuân cá ăn quá nhiều cám, thóc ngâm cũng dễ bị bội thực chết. Cá chết, bụng trương to, nổi ngửa lên, cá to chết trước, cá nhỏ chết sau.
Các hiện tượng cá chết trên thường gặp ở các loại cá trắm cỏ, mè, trôi; một số trường hợp chết cả cá chép.
Biện pháp phòng cá chết vụ Đông Xuân
Chuẩn bị môi trường sống tốt cho cá:
Ao nuôi là môi trường sống của cá, sang đầu vụ xuân (tháng 2, tháng 3) hàng năm, những ao nuôi năm trước, nhất là các ao có bệnh cần tát cạn nước, thực hiện cải tạo ao theo đúng quy trình: Bốc bớt bùn ở đáy ao, nhất là các góc ao, dọn sạch cây que, chỉ để lớp bùn 20 - 30 cm, lấp hết hang hốc ở quanh bờ, trang phẳng đáy, dùng 45 - 50 kg vôi bột rắc khắp một sào ao để diệt các trùng gây bệnh cho cá, phơi 2 - 3 ngày, dùng nước sạch ở sông ngòi cho vào ao với nước 0,8 - 1,2m, bón 150 - 200kg phân chuồng /sào, rải đều trên mặt ao gây màu, sau 7 - 10 ngày mới thả giống vào nuôi.
Ao nuôi phải được thay hoặc tăng nước 15 - 20 ngày một lần, trước khi đưa nước mới vào cần tháo nước cũ đi, nước tăng vào bằng 1/3 số nước trong ao.
Chuẩn bị giống thả:
Đối với ao cá đã bị bệnh năm trước thường là cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cần thay giống nuôi là các đối tượng: cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, cá chép lai. Đây là 3 đối tượng cá lớn nhanh, cho năng suất cao. Nếu đủ thức ăn, sau một năm, cá chim trắng đạt 1 - 1,5kg/con, cá rô phi 0,6 - 0,7kg/con, cá chép lai 1-1,2kg.
Nếu nuôi các đối tượng cũ: trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cần chọn con to 100-200g/con, to đều con, không có vết bệnh, cá trước khi thả xuống ao nuôi phải ngâm nước muối nồng độ thấp trong 3 - 5 phút mới thả xuống ao nuôi.
Để hạn chế bệnh cho cá, người nuôi cần quan tâm đến việc cho ăn
Thức ăn: Bà con thường sử dụng các loại cỏ lá, rau cho cá ăn, chú ý rửa sạch trước khi cho ăn. Cỏ nên thái, băm nhỏ để cá ăn hết, không để lại cặn bã làm thối mốc, vi khuẩn gây bệnh cho cá phát triển. Khi trời nắng, 7-10 ngày dọn cỏ rác đọng ở góc ao và nơi cho ăn, tránh cỏ thối làm cho môi trường nước thiếu ôxy, cá nổi đầu chết ngạt. Nếu nước thối, cá ngạt, nổi đầu nhiều, nên dùng vôi bột cho vào bao xác rắn kéo khắp ao, cho vôi tan trong nước làm cho môi trường thay đổi, các loại vi khuẩn gây bệnh cho cá bị tiêu diệt, cá không bị mắc bệnh.
Thức ăn tinh: Thóc ngâm, cám, bột ngô, thức ăn công nghiệp cho ăn phải căn cứ vào trọng lượng cá trong ao, trọng thức lượng ăn là 6 - 7%, cho ăn từ ít đến nhiều, tránh cá ăn quá nhiều sẽ bị bội thực chết, nhất là cá trắm cỏ, cá chép.
Trời nắng, nhiệt độ tăng nhanh, cá ăn khoẻ, lớn nhanh, ngoài nguồn nước cần quan tâm quản lý ao, kiểm tra lượng ăn hàng ngày để tăng, giảm thức ăn, vệ sinh dọn ao theo đúng định kỳ, buổi sáng phải quan sát cá để xử lý kịp thời, không để cá chết mới chữa kết quả sẽ kém, năng suất ao nuôi giảm đi rõ rệt.
Tags: phong benh ca vu xuan he, ky thuat nuoi ca, nuoi trong thuy san, phong va tri benh cho ca
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ