Mô hình kinh tế Phòng Tránh Nguy Cơ Cá Lồng Bị Ngộ Độc Môi Trường Nước

Phòng Tránh Nguy Cơ Cá Lồng Bị Ngộ Độc Môi Trường Nước

Ngày đăng 19/08/2013

Phòng Tránh Nguy Cơ Cá Lồng Bị Ngộ Độc Môi Trường Nước

Sau thiệt hại, hàng chục hộ nuôi cá lồng xóm Bãi Sang, xã Phúc Sạn (Mai Châu) khó khăn về vốn đầu tư cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Vừa qua, trên địa bàn 2 xã Phúc Sạn, Tân Mai (Mai Châu, Hòa Bình) xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bị chết hàng loạt do ngộ độc môi trường nước. Hàng chục ngư hộ nơi đây lâm vào tình cảnh khó khăn bởi gần như toàn bộ vốn liếng đều đã đầu tư đổ dồn vào lồng cá.

Chung cảnh ngộ của các ngư hộ khác trên khúc sông này, ông Bùi Văn Kế ở xóm Bãi Sang, xã Phúc Sạn kể lại: Cá đang khỏe mạnh, mỗi con đã chừng trên 1 kg bỗng nhiên chết nổi lên bề mặt nước, vài ngày sau thì cả lồng cá chết không còn một con nào. Thấy cá bệnh, bà con xót xa dùng đủ cách xử lý mà vẫn “vô phương cứu chữa”. Cá bệnh, chết trắng như vậy, đương nhiên có mang ra chợ bán để vớt vát phần nào vốn liếng cũng chẳng thể bởi không có ai mua. Các hộ chỉ còn cách phơi khô, làm thức ăn cho lợn hoặc để đấy.

Theo thống kê của phòng NN & PTNT huyện có hơn 40 lồng bị thiệt hại với hơn 4,6 tấn, giá trị tương đương 650 triệu đồng. Cá chết bao gồm các loại dầm xanh, chày, chiên, ngạnh, trắm cỏ. Qua đo chỉ số môi trường nước tại khu vực cá lồng chết hàng loạt có độ trong 26 cm, nhiệt độ nước 28o C, độ PH 8, oxy 7,5 mg/l (chỉ số cho phép), NH4 (khí độc) 03 – 0,5 mg/l (cao hơn mức cho phép), cơ quan chuyên môn đã xác định nguyên nhân cá chết do ngộ độc môi trường nước vào mùa nước đục.

Đồng chí Phạm Ngọc Nhâm, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Trước đây, tình trạng cá bị ngộ độc do môi trường nước bị ô nhiễm cũng đã từng xảy ra ở một vài địa phương khác trong tỉnh như tại xã Thung Nai (Cao Phong) nhưng mức độ thiệt hại ít hơn, bởi nguồn vốn đầu tư cho lồng cá tới hàng chục triệu nên khi gặp rủi ro, thiệt hại, nông ngư rất chật vật, khó thể tiếp tục tái đầu tư ngay sau đó. Thêm vào đó, cá chết do ngộ độc môi trường nước không nằm trong danh mục được hỗ trợ ảnh hưởng của thiên tai nên để khắc phục do người dân chủ động là chính.

Chi cục Thủy sản trong quá trình kiểm tra phối hợp xác định nguyên nhân đã tuyên truyền tới bà con cách xử lý môi trường nước đục, thường xuyên vào mùa mưa lũ. Kỹ sư Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Vào mùa mưa lũ, yếu tố môi trường nước có thể gây một số bệnh ký sinh trùng thường gặp ở cá. Để phòng tránh dịch bệnh cho cá lồng, bà con cần quan tâm đến các loại hóa chất không làm ô nhiễm môi trường nước, cụ thể có 2 loại hóa chất nên dùng là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3). Vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo với liều lượng 2 – 5 kg vôi/túi, 10 – 20 kg muối/túi .

Liều lượng có thể thay đổi tuy quy mô, thể tích đàn cá nuôi lồng, thực hiện định kỳ 10 – 15 ngày/lần. Nếu phát hiện thấy cá có hiểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì treo vôi, muối trong 3 ngày liên tục, đồng thời đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thủy sản hỗ trợ chẩn đoán. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 – 10 kg để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa lũ.


Triển Vọng Nuôi Hàu Thương Phẩm Triển Vọng Nuôi Hàu Thương Phẩm Thả Nuôi Trên 2.000ha Cá Ruộng Thay Lúa Vụ 3 Thả Nuôi Trên 2.000ha Cá Ruộng Thay Lúa…